Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh khối 10, Trường trung học phổ thông Trần Phú (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) nêu lên một số thắc mắc về việc học tiếng Anh của học sinh, đang diễn ra tại ngôi trường này.
Theo phản ánh của phụ huynh, số tiền đóng 200.000 đồng/tháng/học sinh tiền học tiếng Anh với người nước ngoài là do nhà trường tự đặt ra, không ai giải thích cho phụ huynh sao lại phải đóng nhiêu đây tiền cho con học tiếng Anh ở trường.
Trong thư gửi phụ huynh và học sinh lớp 10 được phát hồi đầu tháng 7, trường ghi rất rõ là thời gian học từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2018, nhưng trên thực tế, trường lại thu tiền, bắt học sinh học ngay khi vừa nhập học, ngày 14/8/2017.
Các thắc mắc của phụ huynh liên quan đến việc học tiếng Anh của học sinh ở Trường Trần Phú (ảnh: P.L) |
Lịch học tiếng Anh với người nước ngoài được trường xếp xen kẽ với lịch học chính thức, chứ không phải xếp lịch học buổi 2, để học sinh nào thích học thì học.
Về việc sách tiếng Anh Smart Time mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng phản ánh, lần này, phụ huynh thông tin rằng: Các giáo viên tiếng Anh đang sử dụng 2 cuốn sách Smart Time 10 (cho học sinh khối 10), Smart Time 11 (cho học sinh khối 11, khối 12 không học) được giảng dạy chính.
Còn sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là sách phụ, không đóng vai trò quan trọng. Đây cũng là điều đã được một học sinh của khối 10 của trường xác nhận, số tiết học từ sách Smart Time luôn nhiều hơn so với sách giáo khoa.
Sách Smart Time mà học sinh Trường Trần Phú đang theo học (ảnh: P.L) |
Chỉ riêng môn tiếng Anh, phụ huynh thông tin rằng: Học sinh của Trường Trần Phú đã phải học đến 4 cuốn sách. Đó là Smart Time (2 cuốn bài học, bài tập), sách giáo khoa và sách học anh văn với người nước ngoài (lớp 10 là Solution, lớp 11 là Complete Ielts).
Việc giảng dạy này là không đúng, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có 1 cuốn sách giáo khoa còn đang muốn giảm tải chương trình cho học sinh.
Cuối cùng, phụ huynh nêu lên vấn đề: Việc mua sách Smart Time với số lượng nhiều, nhà cung cấp luôn luôn có mức giảm giá, chiết khấu cho nhà trường, nhưng học sinh vẫn phải mua với giá tiền cũ (không giảm giá).
Như vậy, số tiền giảm giá sách này đã đi về đâu?
Bị nghi gian lận sách giáo khoa, Hiệu phó nói nhà báo tự tìm Hiệu trưởng mà hỏi |
Nhằm làm rõ ý kiến của phụ huynh về những vấn đề này, từ nhiều qua, bằng rất nhiều cách, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã cố gắng liên hệ với ông Phạm Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Phú, quận Tân Phú.
Tuy nhiên, khi thì ông Hùng cáo bận do nhiều việc, đi họp, lúc thì không trả lời điện thoại, khi phóng viên đến trường thì ông Hùng lại không có mặt (dù là trong giờ làm việc).
Chiều thứ 3 (19/12), phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến Trường Trần Phú, xin gặp và làm việc với lãnh đạo nhà trường về các thắc mắc của phụ huynh.
Thế nhưng, lúc này, ông Phạm Văn Hùng vừa mới rời khỏi trường (theo lời bảo vệ nói), chỉ còn Hiệu phó (tên là Nhân) ở trường.
Làm việc với phóng viên, thầy Nhân nói bản thân mình mới về trường làm Hiệu phó (từ tháng 11/2017), không nắm rõ thông tin, nên đã cẩn thận ghi lại từng câu hỏi của phụ huynh vào giấy, trình cho Hiệu trưởng, và sẽ có câu trả lời sau.
Tới chiều 22/12, khi phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam gọi điện thoại lại cho thầy Nhân, hỏi thăm về các thông tin trả lời câu hỏi của mình từ phía ông Phạm Văn Hùng, thì thầy Nhân nói rằng vẫn chưa đưa cho Hiệu trưởng đọc các câu hỏi này.