LTS: Tiếp tục loạt bài viết nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đại tá Đặng Việt Thủy về các trận đánh tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cùng với ba trọng điểm lớn Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, lực lượng vũ trang và nhân dân ta đồng loạt tiến công và nổi dậy ở nhiều thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ trên toàn miền Nam.
Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, theo kế hoạch đã được xác định, tại Mỹ Tho (trọng điểm 1 của Khu VIII), quân khu tập trung toàn bộ lực lượng chủ lực: Trung đoàn 1 và 2 cùng Tiểu đoàn 514 của tỉnh và năm đội biệt động của thành phố Mỹ Tho đồng loạt tiến công vào các mục tiêu chủ yếu trong thành phố.
Trung đoàn 1 có nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu: Bộ tư lệnh sư đoàn 7 ngụy, tiểu khu, tiểu đoàn 32 biệt động quân, khu nhà cố vấn Mỹ.
Nữ tự vệ trong các cơ quan trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sẵn sàng cho Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh: baohagiang.vn) |
Đêm 29/1/1968, Trung đoàn 1 nhanh chóng vượt sông Bảo Định chia làm ba mũi đánh vào trung tâm thành phố.
Mũi thứ nhất theo đường Alếchxăngđrơ Rốt (Alexandre Rhodes) đánh ra lộ Hùng Vương chiếm Trường La San.
Mũi thứ hai theo đường Nguyễn Tri Phương đánh xuống hồ Nước ngọt đến bùng binh.
Mũi thứ ba từ bến xe sang chiếm bờ đông hồ Nước ngọt, sân bay trực thăng.
7 giờ sáng ngày 30/1/1968, ta chiếm được khu vực bến xe, đường Paxtơ (Pasteur), lộ Giồng Nhỏ, tiến về hồ Nước ngọt.
Khoảng 9 giờ, địch đưa hai tiểu đoàn thuộc sư đoàn 7 ngụy từ căn cứ Hùng Vương ra phản kích.
Tổng tiến công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi là biểu tượng sáng ngời |
Vừa đến đường Paxtơ và khu vực hồ Nước ngọt, bị ta đánh thiệt hại nặng, chúng buộc phải lùi lại tổ chức trận địa ngăn chặn.
Sáng 31/1/1968, địch lại đưa lữ đoàn 3 thuộc sư đoàn 9 Mỹ cùng ba tiểu đoàn của sư đoàn 7 ngụy, hai chi đoàn xe M113 tiếp tục phản kích.
Trung đoàn 1 của ta đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn Mỹ, một tiểu đoàn ngụy, bắn cháy 20 xe M113 và tiếp tục tiến đánh bộ tư lệnh sư đoàn 7.
16 giờ cùng ngày, địch dùng 48 khẩu pháo ở các trận địa xung quanh thị xã và các hạm tàu trên sông bắn cấp tập vào đội hình ta.
Địch còn dùng máy bay ném bom và rải xăng đặc từ khu vực hồ Nước ngọt đến bốt Trung An và ngã ba Trung Lương gây nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Trung đoàn 1 bị tổn thất nặng phải rút ra vùng ven bám trụ đánh địch phản kích. Trong lúc đó, Tiểu đoàn 514 đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 32 biệt động quân ở ấp 1 xã Đạo Thạnh.
Trung đoàn 2 đảm trách tiến công các mục tiêu Thiết đoàn 6 ngụy và Trung tâm huấn luyện Hùng Vương.
Do bị địch ngăn chặn, đơn vị hành quân đến mục tiêu chậm một ngày, yếu tố bất ngờ không còn nữa, việc đánh chiếm mục tiêu gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, trung đoàn chuyển sang đánh Chi khu Thuận Tri (Trung Lương) gây thiệt hại nặng cho địch, diệt 15 đồn trên lộ 4, giải phóng một vùng từ Trung Lương đến ngã ba Đông Hòa.
Các đội biệt động của thành phố phối hợp với chủ lực của khu đánh các mục tiêu trong nội đô, riêng đội biệt động thủy được giao đánh chiếm Khám đường để giải thoát cho tù chính trị.
Đội diệt được ba lô cốt của Khám đường thì địch cho xe M113 đến phản kích, đơn vị phải chuyển ra diệt lô cốt Cầu Quay, sau đó rút sang Chợ Cũ, nhiệm vụ giải thoát cho tù chính trị không thực hiện được.
Cùng với tiến công quân sự, hàng ngàn quần chúng ở các vùng nông thôn kéo vào thành phố cùng với 500 quần chúng tại chỗ nổi dậy đấu tranh trực diện với địch, đòi tên Tỉnh trưởng và Tư lệnh sư đoàn 7 ra lệnh ngừng ném bom, bắn pháo bừa bãi gây thiệt hại cho nhân dân.
Bằng ba mũi giáp công, quân và dân Mỹ Tho còn bao vây 7 đồn, bức rút 3 đồn, bức hàng 1 đồn, truy lùng và diệt 120 tên tề điệp ác ôn, giải phóng 2 xã Đạo Thạnh và Mỹ Phong.
Tại thị xã Bến Tre (trọng điểm 2 của Khu VIII), chủ trương của tỉnh là tập trung lực lượng giải phóng cho được thị xã, sau đó giải phóng các vùng nông thôn.
Thực hiện chủ trương này, toàn bộ lực lượng vũ trang của tỉnh gồm bốn tiểu đoàn bộ binh (516, 2, 3, 4) và các đại đội binh chủng tập trung thành một trung đoàn.
Triển lãm ảnh, tư liệu kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công Xuân 1968 |
Ngoài ra tỉnh còn xây dựng được bảy tiểu đoàn dân quân du kích và động viên được khoảng 10.000 quần chúng vào tổng tiến công và nổi dậy.
Lực lượng địch ở thị xã Bến Tre có ba tiểu đoàn và một đại đội thám sát của trung đoàn 10 (sư đoàn 7 ngụy), chín đại đội bảo an, dân vệ, tiểu đoàn 72 đóng giữ ở những vị trí trọng yếu.
Đúng 1 giờ ngày 30/1/1968, ta bắn pháo, cối vào trung tâm hành quân sở chỉ huy trung đoàn 10 (sư đoàn 7 ngụy), tỉnh đoàn bảo an...
Cùng lúc đội đặc công nước của tỉnh nhanh chóng đánh chiếm trại Đinh Tiên Hoàng (bãi quân xa) diệt sáu xe, chiếm giữ đầu cầu phía bắc Hàm Luông (Bến Tre), tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 516 ở hướng chủ yếu vượt sông đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng.
Một mũi của tiểu đoàn vừa vượt sông vừa phải đánh tàu địch để chiếm bờ bắc rồi tiến theo đường Hùng Vương. Song vừa đến Bến Lở, địch trong Dinh tỉnh trưởng bắn trả dữ dội.
Các đại đội của Tiểu đoàn 516 phải phân tán lực lượng, lợi dụng từng dãy nhà, góc phố chiến đấu với địch.
Trong lúc đó, mũi thứ hai của Tiểu đoàn 516 nhanh chóng vượt sông chiếm được bờ bắc và tiến thẳng theo đường Nguyễn Huệ.
Ta diệt được một số lô cốt, đánh thiệt hại nặng đại đội bảo an 289 và một trung đội ở cầu Cá Lóc...
Tuy vậy, do địch chống trả quyết liệt, Tiểu đoàn 516 chưa đánh chiếm được Dinh tỉnh trưởng.
Các tiểu đoàn 2, 3 và 4 tiến công các mục tiêu sở chỉ huy trung đoàn 10, trận địa pháo, Đài phát thanh, sân bay Tân Thành...
Trong đêm 30/1/1968, ta chiếm và làm chủ hầu hết các mục tiêu trong thị xã và bao vây Dinh tỉnh trưởng.
Đến ngày 1/2, lực lượng ta vẫn bám giữ các khu vực trong thị xã mặc dù địch dùng pháo trên các hạm tàu đậu ở sông Hàm Luông và căn cứ Bình Đức (Mỹ Tho) bắn vào thị xã.
Các loại máy bay phản lực, máy bay trực thăng quần lượn, ném bom, bắn phá hủy diệt khu chợ Bến Tre.
16 giờ ngày 1/2, địch dùng trực thăng chở một tiểu đoàn Mỹ từ căn cứ Bình Đức định đổ xuống sân bóng thị xã, hòng cứu nguy cho đồng bọn, song ngay từ đầu, các lực lượng phòng không của ta bắn bị thương một chiếc buộc chúng phải quay lên sân bay Tân Thành và đổ quân tại đây.
Ngày 2/2, địch lại đưa thêm một tiểu đoàn quân Mỹ đổ xuống xã Phú Hưng để cùng với tiểu đoàn Mỹ mà chúng đổ xuống ngày hôm trước từ Tân Thành đánh xuống thị xã.
Tiểu đoàn 516, Tiểu đoàn 4 cùng bộ đội đặc công và du kích xã Phú Khương đánh diệt một đại đội, tiêu hao nặng một tiểu đoàn quân Mỹ khác.
Bị đòn đau, địch cho máy bay ném bom, bắn phá dữ dội vào đội hình ta. Lực lượng ta buộc phải rút ra ngoại ô củng cố, trừ một bộ phận ở lại bao vây Dinh tỉnh trưởng Bến Tre.
Phối hợp với thị xã, ở hầu hết các thị trấn trong tỉnh và vùng nông thôn, ta đồng loạt tiến công và nổi dậy làm tan rã phần lớn bộ máy kìm kẹp ở xã ấp, bức hàng, bức rút 40 đồn bốt, giải phóng 4 xã, 25 ấp.
Thành phố Cần Thơ, thủ phủ của miền Tây Nam Bộ (Khu IX) và cả đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là nơi tập trung cơ quan đầu não Vùng IV chiến thuật và Quân đoàn IV ngụy.
Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền và Quân khu IX đều xác định Cần Thơ không chỉ là trọng điểm 1 của quân khu mà còn là trọng điểm tổng tiến công và nổi dậy của đồng bằng sông Cửu Long.
Để tăng cường cho vùng trọng điểm này, trên đã cử các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Quân khu ủy, Tư lệnh Quân khu xuống trực tiếp lãnh đạo và tham gia Ban chỉ đạo cuộc tiến công và nổi dậy ở Cần Thơ.
Các mục tiêu tấn công trong thành phố được xác định gồm: Sở chỉ huy quân đoàn IV (Vùng 4 chiến thuật), Tiểu khu Phong Dinh, Sở chỉ huy lực lượng quân trấn Cần Thơ, Trung tâm chỉ huy địa phương quân Vùng IV, Đài phát thanh, Cư xá tình báo và cố vấn Mỹ, Tòa lãnh sự quán Mỹ, sân bay Lộ Tẻ (Không đoàn 73), sân bay Trà Nóc (Không đoàn 74), căn cứ 2 trung đoàn thiết giáp, căn cứ liên đoàn biệt động quân số 42, 44, căn cứ các tiểu đoàn bảo an, biệt kích và thám báo.
Đúng 3 giờ sáng 30/1/1968, ta đồng loạt nổ súng tiến công vào các mục tiêu đã định.
Từ hướng nam, sau lượt bắn chế áp vào Sở chỉ huy Quân đoàn IV (Vùng IV chiến thuật), đội biệt động thành phố diệt đơn vị cảnh sát dã chiến ở Đầu Sấu mở đường cho Tiểu đoàn Tây Đô đánh chiếm Lãnh sự quán và cơ quan tình báo Mỹ trên đường Hùng Vương.
Tiểu đoàn 307 đánh chiếm Đài phát thanh, khu vực hậu cần và Trung tâm nhập ngũ Vùng IV chiến thuật.
Ở hướng bắc, Tiểu đoàn 303 và đặc công đánh sân bay Lộ Tẻ. Đại đội 3 của tiểu đoàn vượt qua được khu thông tin của địch.
Bộ phận còn lại không qua được vì địch đưa chiến xa M113 ra chia cắt. Không được tiếp ứng, Đại đội 3 bị tổn thất nặng.
Sáng 31/1, Tiểu đoàn 303 phải rút ra bám trụ sau sân bay (đoạn từ cầu Tham Tướng đến Rạch Ngỗng).
Thời gian này, Tiểu đoàn 309 còn đang làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền ở Phụng Hiệp (do nhận lệnh chậm).
Ngày 31/1/1968, Tiểu đoàn 309 mới cấp tốc hành quân lên Cần Thơ cùng các đơn vị bạn đánh vào khu vực cầu Tham Tướng, khu văn hóa, làm chủ địa bàn này.
Sau đó vì địch phản kích mạnh, các tiểu đoàn lần lượt rút ra vùng ven lộ Vòng Cung bám trụ và liên tục đánh địch phản kích.
Ngày 4/2/1968, ta đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 42 và 44 biệt động quân.
Ngày 5/2, ta pháo kích sân bay Trà Nóc và sân bay Lộ Tẻ, phá hủy một số máy bay địch. Đêm 6/2, ta tập kích vào tiểu đoàn 2 (sư đoàn 21 ngụy) và một đại đội bảo an, diệt 60 tên.
Phối hợp với tiến công quân sự, lực lượng chính trị của quần chúng nổi dậy bao vây đồn bốt, phá ấp chiến lược và phục vụ chiến đấu (dẫn đường, tiếp tế lương thực, thực phẩm cứu chữa, nuôi giấu thương binh...).
Hàng ngàn thanh niên ở các huyện phía sau được huy động bổ sung cho các đơn vị chủ lực của khu, tỉnh nhằm đảm bảo cho chiến đấu được liên tục, lâu dài.
Trọng điểm 2 của Khu IX là thị xã Vĩnh Long - trung tâm điều hành và là điểm xuất phát hành quân đánh phá chiến trường Vĩnh - Sa - Hà (Vĩnh Long - Sa Đéc - Trà Vinh) của Mỹ ngụy.
Xác định vị trí quan trọng của Vĩnh Long trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân khu đã tăng cường cho tỉnh hai tiểu đoàn 306 và 308.
Tỉnh có Tiểu đoàn 857 và Tiểu đoàn 2 (mới thành lập), một đại đội đặc công, một đại đội pháo binh 2001, đội biệt động thị xã.
Hướng tiến công chủ yếu là nội đô thị xã với mục tiêu quan trọng nhất là Tiểu khu Vĩnh Long do các tiểu đoàn 306, 308 và lực lượng biệt động của thị xã đảm nhiệm.
Còn Tiểu đoàn 857 và Tiểu đoàn 2, đại đội đặc công, đại đội pháo binh phụ trách khu vực sân bay Vĩnh Long, Bộ tư lệnh sư đoàn 9 và Thiết đoàn 2 ngụy.
Đúng 1 giờ 30 phút ngày 30/1/1968, từ hướng nam, Tiểu đoàn 306 đột nhập vào nội đô đồng loạt nổ súng.
Bị đánh bất ngờ, địch chống trả yếu ớt, tiểu đoàn nhanh chóng chiếm được khu truyền tin Hoa Lư, Bệnh viện Nguyễn Trung Trực, bao vây và khống chế Dinh tỉnh trưởng, Ty cảnh sát, tiểu đoàn 46 bảo an, hậu cứ tiểu đoàn 43 biệt động quân.
Hướng bắc, Tiểu đoàn 308 vượt sông gặp khó khăn, chỉ có 50 cán bộ, chiến sĩ đi đầu vào được thị xã, đánh chiếm khu trường Tống Phước Hiệp.
Tại đây, địch phản kích quyết liệt, lực lượng ta không phát triển được, bị địch bao vây, thương vong lớn buộc phải rút ra.
Hướng sân bay, đại đội đặc công bí mật đột nhập vào sân bay, dùng lựu đạn, thủ pháo phá hủy máy bay địch.
Sau một giờ chiến đấu ta đã phá hủy, phá hỏng hàng chục chiếc trực thăng, hai chiếc máy bay trinh sát L19.
Trong lúc đó, đại đội pháo binh bắn phá khu chuyên viên kỹ thuật và nhà ở của giặc lái Mỹ, hậu cứ Bộ tư lệnh sư đoàn 9 ngụy.
Tiểu đoàn 857 đánh vào sở chỉ huy Thiết đoàn 2; Tiểu đoàn 2 đánh chiếm Dinh Quận Mới, hậu cứ Thiết đoàn 2, phá hủy 10 xe quân sự, chiếm khu căn cứ cố vấn Mỹ và một phần trận địa pháo binh sư đoàn 9 ngụy, phá hỏng sáu khẩu pháo 105mm...
Trong hai ngày (31/1 và 1/2/1968), ta vẫn làm chủ các khu vực đã chiếm, đồng thời tiếp tục tiến công địch.
Tiểu đoàn 306 sau khi diệt tiểu đoàn 43 biệt động quân, tổ chức đánh lấn từng khu vực, chiếm được Tòa hành chính tỉnh, đánh bại hàng chục đợt phản kích của địch, bắn cháy 15 xe M113, bắn rơi 5 trực thăng.
Tiểu đoàn 308 lợi dụng sơ hở của hải quân Mỹ, vượt sông Long Hồ chiếm một góc Dinh tỉnh trưởng (đường Gia Long).
Ngày 2/2/1968, địch dùng máy bay trực thăng phun lửa hủy diệt các khu phố nội đô, sau đó tập trung quân hòng đẩy lực lượng ta ra khỏi thị xã.
Tiểu đoàn 306 lúc này được bổ sung thêm 500 quân, phần lớn là bộ đội địa phương và du kích tình nguyện cùng nhân dân và lực lượng tại chỗ dập lửa bảo vệ tài sản cho đồng bào và cứu chữa những người bị thương.
Đến ngày 3/2/1968, ta đã chiếm phần lớn thị xã, chỉ còn lại Dinh tỉnh trưởng.
Hoảng sợ trước sức tiến công của Quân giải phóng, viên tỉnh trưởng Huỳnh Ngọc Điệp hoảng sợ xuống tàu chạy trốn.
Trước nguy cơ thị xã Vĩnh Long thất thủ, ngày 4/2/1968, sau khi dùng pháo hạm trên sông bắn phá, máy bay ném bom vào nội đô và vùng ven thị xã, địch dùng trực thăng đổ hai tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 2 (sư đoàn 9 bộ binh Mỹ) xuống phía sau lộ Cầu Vồng từ Quận Mới đến căn cứ 80, cùng quân ngụy hình thành hai mũi bao vây quân ta trong thị xã.
Do địch tăng cường lực lượng phản kích quyết liệt, hòng chiếm lại thị xã, Ban chỉ huy mặt trận nhận định:
Sau sáu ngày đêm chiến đấu ác liệt, ta thương vong nhiều, nếu giữ quyết tâm đánh chiếm toàn bộ thị xã và trụ lại như kế hoạch sẽ khó bảo toàn lực lượng.
Vì vậy, cần khẩn trương tổ chức lực lượng đánh diệt một bộ phận quân Mỹ, đồng thời rút toàn bộ lực lượng ra vùng ven gài thế đánh viện, bao vây thị xã, giải phóng nông thôn.
Thực hiện kế hoạch trên, 23 giờ ngày 4/2, Tiểu đoàn 306 tập kích một cụm quân Mỹ ở nam cầu Cá Trê diệt một đại đội, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, mở đường đưa toàn bộ thương binh và tiểu đoàn cơ động ra Phước Hậu, cách thị xã 5km về phía nam.
Như vậy, Vĩnh Long đã tiến công và làm chủ thị xã trong sáu ngày đêm. Quân và dân Vĩnh Long đã loại khỏi vòng chiến đấu 9.800 tên, có hàng trăm tên Mỹ.
Ta tiêu diệt 16 đại đội, đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn, bắn chìm và bắn cháy 12 tàu chiến trên sông, phá hủy và bắn rơi 72 máy bay Mỹ, bắn cháy và phá hủy 70 xe quân sự, có 38 xe M113 và M118, phá hủy 15 khẩu pháo 105mm và súng cối...
Tại thị xã Cao Lãnh (tỉnh Kiến Phong), ngày nổ súng bị chậm do các lực lượng bảo đảm không vận chuyển đạn dược và thuốc nổ đến kịp.
Đúng 1 giờ ngày 31/1/1968, các lực lượng ta nổ súng tiến công vào thị xã. Tiểu đoàn 1 trên hướng chủ yếu đánh vào Dinh tỉnh trưởng.
Địch đề phòng trước, chúng chiếm các điểm cao và địa hình có lợi, tập trung các hỏa lực đánh chặn rất quyết liệt.
Tiểu đoàn 1 phải phân tán từng phân đội nhỏ, lợi dụng các dãy nhà, góc phố chiến đấu với địch, song cũng không đánh chiếm được mục tiêu và không phát triển sâu được vào thị xã.
Tiểu đoàn 2 (hướng thứ yếu) tiến công vào cư xá Mỹ, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 2 (trung đoàn 16, sư đoàn 9 ngụy). Địch dùng đạn hóa học ngăn chặn, ta không dứt điểm được mục tiêu.
Từ ngày 2 đến 6/2, lực lượng ta rút ra các xã vùng ven, từng lúc đánh vào nội đô thị xã, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp.
Tính chung trong bảy ngày tiến công và nổi dậy, quân và dân Kiến Phong diệt 500 tên địch, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 41 biệt động quân và tiểu đoàn 2 (trung đoàn 16, sư đoàn 9), gỡ 20 đồn bốt, giải phóng 3 xã Hòa An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, 16 ấp với 50.000 dân.
Thị xã Châu Đốc (tỉnh An Giang), vào lúc 2 giờ ngày 30/1/1968, lực lượng vũ trang của tỉnh (một tiểu đoàn) cùng lực lượng chính trị, binh vận đồng loạt tiến công vào các mục tiêu chủ yếu trong thị xã.
Sau vài giờ chiến đấu, các cánh quân của ta đã đánh chiếm hầu hết các mục tiêu. Đến 6 giờ, địch chỉ còn 10 cụm. Chúng tử thủ ở Dinh tỉnh trưởng, nhà Phủ Vị.
Chiều 31/1, địch dùng máy bay ném bom và bắn pháo phá hủy một số khu vực trong thị xã; đồng thời chúng đổ một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 21 ngụy xuống sân bay, một đại đội xuống cánh đồng hướng kênh Lò Heo kết hợp với lực lượng tại chỗ phản kích vào nội đô thị xã.
Bộ đội ta chiến đấu quyết liệt, diệt nhiều tên địch, bắn cháy, bắn hỏng một số xe M113. Song nhận thấy tình thế bất lợi, nên đêm 31/1, ta rút toàn bộ lực lượng ra khỏi thị xã, trừ một bộ phận chốt giữ cầu.
Sáng 1/2, địch phản kích, các chiến sĩ ở bộ phận chốt giữ cầu chiến đấu rất dũng cảm và hy sinh gần hết để chặn địch, bảo đảm cho lực lượng ta rút quân an toàn.
Tại Trà Vinh, lúc 0 giờ ngày 30/1, tiểu đoàn 501 và 509 của tỉnh cùng các đại đội đặc công, pháo binh và bộ đội địa phương các huyện Châu Thành, Càng Long chia ba cánh tiến công vào thị xã.
Cánh 1 từ Vàm Trà Vinh đánh vào Dinh tỉnh trưởng. Ta chiếm được một góc dinh, mở cửa khám giải thoát cho hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ta bị chúng giam giữ tại đây.
Cánh 2 từ Đa Lộc, Tri Tôn đánh chiếm khu vực Rạp hát Thái Bình, cầu Long Bình làm chủ khu vực này. Cánh 3 đánh sân bay, sở chỉ huy trung đoàn 14 (sư đoàn 9).
Cùng với tiến công quân sự, sáng 31/1, quần chúng trong nội đô nổi dậy, kéo vào các trụ sở ngụy quyền và đồn bốt, kêu gọi chồng, con, em mình quay về với cách mạng.
13 giờ, tiểu đoàn 2 (trung đoàn 14, sư đoàn 9) từ Cầu Ngang về phản kích giải vây Dinh tỉnh trưởng. Ta chuyển sang đánh địch phản kích.
Cuộc chiến đấu trong nội đô trở nên gay go, quyết liệt, ta không dứt điểm được thị xã.
Tỉnh ủy Trà Vinh chủ trương rút toàn bộ lực lượng ra khỏi thị xã, về các huyện tranh thủ thời cơ địch đang tập trung đối phó ở thị xã, mở rộng vùng giải phóng.
Đến ngày 5/2/1968, quân dân Trà Vinh đã tiêu diệt và làm tan rã khoảng 5.000 tên địch, bức hàng, bức rút 50 đồn bốt, giải phóng thêm 14 xã, 5 ấp với trên 100.000 dân.
Tại Sóc Trăng, ngày 30/1/1968, Tiểu đoàn Phú Lợi (lực lượng vũ trang của tỉnh) đánh vào trung tâm thị xã chiếm toàn bộ khu hậu cần, khu gia binh rồi phát triển đến Dinh tỉnh trưởng.
Đại đội 301 (của huyện Vĩnh Châu) đánh vào khu cư xá Mỹ. Đại đội 247 (trực thuộc tỉnh) đánh chiếm khu vực hồ Nước ngọt.
Một mũi khác đánh sân bay Sóc Trăng. Sau khi chiếm được một số mục tiêu, các đơn vị trụ lại trong thị xã đánh địch phản kích suốt ba ngày liền nhưng sau đó bị thương vong nhiều, buộc phải rút khỏi thị xã về bám trụ tại vùng ven đánh địch.
Tại Bạc Liêu, lực lượng vũ trang tỉnh chia làm hai mũi tiến công vào thị xã. Mũi chủ yếu có một tiểu đoàn bộ binh và một trung đội biệt động.
Do nước lớn, bộ đội không vượt được sông theo đúng thời gian quy định.
Sáng 30/1/1968, mũi này mới dùng xuồng vượt kênh xáng Bạc Liêu đánh chiếm phường 5, phường 6 sau đó rút ra cầu Kim Cấu - Vĩnh Trạch.
Mũi thứ yếu có bốn trung đội bộ binh, một đại đội hỏa lực và một đại đội dân quân tiến công từ Châu Thới, qua Tân Tạo tiến đến đầu sân bay rồi phá khám lớn giải thoát cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào bị địch giam giữ ở đây.
Sau đó phát triển chiếm bệnh viện, đánh cứ điểm pháo binh của sư đoàn 21 đóng ở bốt Hội đồng Điều.
Địch phản kích quyết liệt, ta không trụ lại được trong thị xã, cứ đêm đánh vào nội đô, ngày lại rút ra, dai dẳng suốt nhiều ngày không dứt điểm được.
Ở thị xã Cà Mau, lúc 0 giờ ngày 30/1/1968, Tiểu đoàn U Minh 2 nổ súng tiến công đánh chiếm chùa Phật Tổ và đột nhập vào các phường 2, 3, 4 làm chủ một đoạn đường dài 2 km trong thị xã.
Tiểu đoàn U Minh 3 tuy nổ súng sau 1 giờ (vì đến chậm) vẫn đánh chiếm được một số mục tiêu quan trọng như Nhà thương mới, tiểu khu...
Do thiếu chất nổ, đơn vị không mở được cổng Tòa hành chính và Dinh tỉnh trưởng.
Sáng 31/1/1968, địch cho máy bay ném bom vào trận địa Tiểu đoàn U Minh 3, đồng thời đưa tiểu đoàn 2 (trung đoàn 32 ngụy) đánh phía sau đội hình của đơn vị.
Tiểu đoàn đã chiến đấu quyết liệt với địch, diệt một đại đội lính cộng hòa.
Cùng lúc, ở phía nam thị xã, du kích các huyện Cái Nước, Ngọc Hiển và các xã Lợi An, Lương Thế Trân, Thanh Điền hình thành một mũi tiến vào nội đô.
Lực lượng này đột nhập phường 8, 9 giải tán tề và phòng vệ dân sự, diệt ác ôn, làm chủ địa bàn.
Phối hợp với thị xã, quân dân huyện Duyên Hải (Ngọc Hiển) bao vây Chi khu Năm Căn suốt 15 ngày buộc địch phải rút chạy về Đồng Cùng.
Nhân dân nổi dậy diệt ác ôn, phá kìm kẹp, san bằng chi khu, giải phóng hoàn toàn huyện.
Tại Rạch Giá, 3 giờ sáng ngày 30/1, Tiểu đoàn 207 (của tỉnh) chia làm nhiều mũi đánh vào nội đô.
Sau 15 phút chiến đấu, ta làm chủ một góc trung tâm hành quân của tiểu khu, Nhà bưu điện, Trại cảnh sát, Ty Ngân khố, sau đó phát triển đánh sang Dinh tỉnh trưởng, Khám lớn.
Đến Cầu Đôi, lực lượng biệt động dẫn đường hy sinh gần hết, bộ đội không thông thuộc địa bàn nên không phát triển tiếp được.
Địch bắt đàu phản kích. Các lực lượng ta chiến đấu dũng cảm, song không đánh chiếm được các mục tiêu như phương án đã đề ra lại bị thương vong nhiều.
5 giờ sáng, ta buộc phải rút ra Rạch Giồng chuẩn bị đánh địch phản kích và mở đợt tiến công tiếp.
Phối hợp với đòn đánh vào thị xã, lực lượng vũ trang, bán vũ trang và nhân dân các huyện trong tỉnh Rạch Giá bằng ba mũi giáp công nổi dậy bao vây chi khu, bức rút nhiều đồn bốt, giải phóng một số vùng nông thôn.
Như vậy Tết Mậu Thân 1968, gần như trong cùng một lúc (tập trung vào ba ngày 30, 31/1 và 1/2, tức ngày mồng 1, mồng 2 và mồng 3 Tết) hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn ở đồng bằng sông Cửu Long và trên toàn miền Nam, thực hiện kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, đánh vào cơ quan đầu não của địch từ trung ương đến địa phương, đã đưa chiến tranh vào sâu trong hậu phương, hậu cứ của địch, tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh, làm đảo lộn thế trận chiến lược của địch trên khắp các chiến trường, giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn..., tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 1975), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà nội - 2005.
- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, Tập V, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2001.