Chương trình Vật lý mới: Có chỗ cho ứng dụng kỹ thuật trong đời sống hay không?

12/02/2018 06:50
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thảo
(GDVN) - Tất cả chúng ta đều rất cần những kiến thức vật lý ở mức độ cơ bản, phổ thông đủ để hiểu và làm chủ những thiết bị, dụng cụ kỹ thuật trong cuộc sống.

LTS: Đưa ra ý kiến góp ý về chương trình môn Vật lý mới, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thảo (Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng môn học này cần cung cấp cho học sinh những kiến thức vật lý phổ thông để học sinh hiểu về những ứng dụng kỹ thuật phổ biến hiện nay.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày nay tất cả chúng ta, không trừ một ai dù sống ở đâu, thành thị hay nông thôn đều có thể sở hữu và tiếp cận vô số những trang thiết bị đồ dùng kỹ thuật mang lại tiện ích và chất lượng cuộc sống cho bản thân, gia đình và cộng đồng.  

Tôi có thể kể ra đây một số trong rất nhiều thứ như thế từ trong nhà ra đến ngoài thực tiễn:

Từ các đồ dùng trong nhà như: Nồi cơm điện, lò vi sóng, lò nướng, bếp ga, máy giặt, máy lạnh, bàn ủi, máy hút bụi, quạt máy, bóng đèn, tivi, tủ lạnh, bếp điện, bếp từ, điện thoại, máy tính, xe máy, xe ô tô, xe đạp, ổn áp, biến áp, máy xay, máy bơm, đến đồ dùng đơn giản như dao, kéo, kìm búa…, đến máy bay, tầu thủy,  thuyền, phà…đến các nhà máy thủy điện, phong điện, nhiệt điện, đến thu phát truyền hình,…., đến các thiết bị kỹ thuật cao dùng trong y sinh để chẩn đoán và chữa trị bệnh…

Chưa kể vô số thiết bị, đồ dùng mà chúng ta hàng ngày sử dụng phục vụ cho công việc, cho nghề nghiệp của mình.

Có thể khẳng định rằng tuyệt đại đa số trong chúng được chế tạo và phát minh dựa trên nền tảng kiến thức khoa học vật lý.

Ảnh minh hoạ trên Pinterest.com
Ảnh minh hoạ trên Pinterest.com

Nhưng nếu các bạn đã hay sẽ chọn một nghề nghiệp không liên quan gì đến khoa học vật lý, tức là từ khi các bạn học nghề (đại học, cao đẳng) thì trong chương trình đào tạo sẽ không có các môn học về vật lý, đến khi hành nghề bạn cũng không cần đến kiến thức vật lý (nếu xét ở bình diện xã hội thì số người như thế chiếm tuyệt đại đa số).

Nhưng nếu hỏi những học sinh này: Bạn có muốn có kiến thức vật lý để hiểu và làm chủ những ứng dụng kỹ thuật này không? Thì tôi tin chắc câu trả lời chung sẽ là: Rất muốn và rất cần.

Nghĩa là tất cả chúng ta, không trừ một ai, dù đã và sẽ làm bất cứ nghề nghiệp nào, đều rất cần những kiến thức vật lý ở mức độ cơ bản, phổ thông đủ để hiểu và làm chủ những thiết bị, dụng cụ kỹ thuật “vây kín” quanh chúng ta nếu chúng ta không muốn trở nên hoàn toàn lệ thuộc vào chúng.

Vậy, số đông người học có thể có những kiến thức vật lý này từ đâu và vào lúc nào?

Còn từ đâu và vào lúc nào khác được nữa?

Chỉ có thể từ môn Vật lý ở bậc học phổ thông mà thôi!

Chương trình Vật lý mới: Có chỗ cho ứng dụng kỹ thuật trong đời sống hay không? ảnh 2Đây là toàn bộ dự thảo 20 môn học phổ thông mới

Có nghĩa là nếu môn Vật lý phổ thông các cấp học đáp ứng được mong muốn, yêu cầu này thì tất cả học sinh đều nên chọn học nó (vì vật lý là khoa học khó tự học hơn các khoa học tự nhiên khác bởi sự trừu tượng và công tụ toán học đặc thù mà nó sử dụng).

Nhưng với lần đổi mới chương trình học này rất có thể những mong muốn yêu cầu của tất cả học sinh sẽ không được đáp ứng vì chương trình học không quan tâm đến.

Tôi dám khẳng định điều này vì:

Thứ nhất: Sự không quan tâm thể hiện ngay trong mục tiêu môn học:

Mục tiêu “Vận dụng kiến thức vật lý vào thực tiễn” không định hướng vào tìm hiểu những ứng dụng kỹ thuật này.

Thứ hai:

Chương trình học đưa các ứng dụng kỹ thuật trong một số ngành nghề vào một vài chuyên đề tự chọn (hình như hướng vào mục đích hướng nghiệp), nên rất có thể chỉ có nhóm học sinh có định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật mới chọn học, còn tuyệt đại đa số còn lại sẽ không chọn.

(Nhưng cách mả họ dồn tất cả các ứng dụng vào một chuyên đề đặt ngay vào lớp 10 như “cưỡi ngựa xem hoa”, khi mà học sinh chưa có đủ kiến thức vật lý thì ngay cả những học sinh chọn nó cũng không có cách gì để hiểu).

Thứ ba:

Các ứng dụng kỹ thuật trong đời sống và các công việc bình thường khác thì gần như không thấy, ngay trong trong nội dung phần chương trình bắt buộc:

- Thể hiện đầu tiên trong các “yêu cầu cần đạt cụ thể” của từng chủ đề:

Gần như không có một yêu cầu nào về tìm hiểu các ứng dụng kỹ thuật vào đời sống và công việc hàng ngày.

Chương trình Vật lý mới: Có chỗ cho ứng dụng kỹ thuật trong đời sống hay không? ảnh 3Học sinh học chương trình mới sẽ phải học bao nhiêu môn?

Duy nhất có một yêu cầu nhưng rất mơ hồ giải thích một số ứng dụng đơn giản của hiện tượng cảm ứng điện từ còn có hai yêu cầu nữa thì lại không phải là ứng dụng kỹ thuật trong đời sống (Hiệu ứng Doppler, tụ điện).

(Không có trong yêu cầu thì không thể đòi hỏi giáo viên tự động làm việc này.

Không có trong yêu cầu thì nội dung kiểm tra, thi cử cũng không thể đòi hỏi học sinh phải biết, còn nếu không thì viết ra mục tiêu, yêu cầu cần đạt làm gì?)

- Thể hiện trong chính nội dung cụ thể của các chủ đề:

Hầu hết các chủ đề có liên quan đến các ứng dụng này đều hướng tới mục đích khác nên không cung cấp đủ kiến thức để học sinh tìm hiểu các ứng dụng kỹ thuật tương ứng mà đáng lẽ ra chúng có thể.

Như vậy, có thể khẳng định rằng:

Chương trình Vật lý mới ở cả hai cấp học không quan tâm đến việc giúp học sinh tìm hiểu tất cả những ứng dụng kỹ thuật trong đời sống và các công việc hàng ngày.

Chúng ta thử đặt câu hỏi:

Vậy tuyệt đại đa số trong tổng số học sinh không có định hứng nghề nghiệp trong các lĩnh vực kỹ thuật sẽ có kiến thức đó từ đâu, từ môn học nào, vào lúc nào khi suốt cuộc đời kiến thức vật lý của họ chỉ dừng lại ở trình độ phổ thông?

Đó là điều đáng tiếc cho tất cả học sinh và rất khó chấp nhận về mặt giáo dục:

Học mà không vận dụng được kiến thức vào hiểu biết thực tiễn, nhất là mảng thực tiễn thiết thực và thiết thân như thế này thì học vật lý để làm gì?

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thảo