Ca ngợi mùa xuân, dẫu tìm cả đời người vẫn chưa tìm được lời hay nhất.
Ca ngợi tổ quốc, dẫu viết cả ngàn vạn trang sách, vẫn là chưa trọn vẹn.
Ca ngợi truyền thống văn hiến của người Việt, nói bao nhiêu cũng chưa bao giờ là đủ.
Thế nhưng hôm nay có gì đó khiến viết về sự nhiễu nhương chốn công quyền, về thói hư tật xấu ngoài xã hội sao dễ thế, tìm người tốt, điều tốt để khen sao khó thế.
Nhiều khi khen cũng phải thận trọng bởi có người hôm nay là thần tượng, là lãnh đạo cao cấp, ngày mai có thể thành tội phạm, bị xử tù.
Cuộc đời mỗi người, trăm năm là rất dài. Lịch sử dân tộc, trăm năm chỉ như một thoáng mây trôi.
Áng mây dẫu mỏng manh, dẫu huyền ảo, dẫu nhỏ bé vẫn có thể che khuất mặt trời.
Mặt trời dẫu còn đó, nếu ánh sáng không rọi tới nhân gian, vạn vật sẽ lụi tàn.
Nơi nào mặt trời quanh năm thiêu đốt, mặt đất sẽ thành sa mạc, cả triệu loài, chỉ một vài loài có thể sống sót.
Xã hội loài người cũng vậy, ở nơi nào mà chân lý bị bao phủ bởi sương mù quyền lực thì dân chúng sẽ điêu linh, vận nước sẽ mong manh như chỉ mành treo sợi tóc.
Muốn sáng tạo, con người cần tự do, cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng, tự do về thân thể, tự do nghiên cứu, phát kiến, biểu đạt tư tưởng,…
Để có tự do cho mỗi con người, cần đến lòng bao dung của cả cộng đồng, tự do cho dân tộc không chỉ cần sự bao dung mà còn cần thêm sự sáng suốt của tầng lớp lãnh đạo.
Lãnh đạo sáng suốt thì sự bao dung sẽ đúng chỗ, đúng lúc, đúng đối tượng, nếu không sáng suốt thì mọi ưu ái chỉ dành cho người thân, phe nhóm với mục đích duy nhất là duy trì quyền thống trị của mình.
Muốn có tự do cho nhân dân, chính quyền phải minh bạch, luật pháp phải rõ ràng, phải xem việc quản trị đất nước như gánh nặng trên vai mà dân tộc trao cho chứ không phải bậc thang danh vọng dành cho một tổ chức, một nhóm người.
Ảnh minh họa. Nguồn: Tienphong.vn |
Những chuyển biến từ sau đại hội 12, quyết tâm chống tham nhũng qua câu nói: “Lò nóng củi tươi cho vào cũng phải cháy” của Tổng Bí thư phản ánh một xu thế không thể đảo ngược, hoặc là tiêu diệt tham nhũng, hoặc là bị tham nhũng đồng hóa - tức là biến thành tham nhũng.
Thành quả kinh tế năm 2017 thể hiện qua các số liệu thống kê đã công bố chưa cho thấy bức tranh toàn cảnh mặc dù đó là những con số khá ấn tượng.
Những vụ đại án đã và sẽ đưa ra xét xử cho thấy những trận đánh lớn nhằm vào thành trì tham nhũng chỉ vừa mới bắt đầu, trước mắt sẽ còn nhiều cam go hơn nữa khi các nhóm lợi ích bị dồn vào thế “không còn gì để mất”.
Nói “chỉ vừa mới bắt đầu” bởi số liệu đã công bố cho biết cả nước có hơn 4,9 triệu đảng viên; trên 56.000 tổ chức cơ sở đảng (gồm khoảng 25.500 đảng bộ cơ sở và hơn 30.000 chi bộ cơ sở). [1]
Trong ba năm 2012-2014 có hơn 50.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật, [2] bình quân mỗi tổ chức cơ sở đảng có một người bị kỷ luật, cứ 100 đảng viên thì 1 người bị kỷ luật.
Vấn đề là những người bị kỷ luật ấy bao nhiêu người phải ra tòa và bao nhiêu người “nghiêm túc rút kinh nghiệm”?
Kể từ khi ban hành Nghị quyết Trung ương 8 khóa 6 “Về tiến hành cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng” đến nay đã mấy chục năm, tuy nhiên phải sau Đại hội 12 - nghĩa là sau sáu nhiệm kỳ - người dân mới thấy những việc làm cụ thể, những chuyển biến đáng ghi nhận ở cấp cao trong khi tình trạng “nóng trên, lạnh dưới” vẫn còn là vấn đề nan giải.
Công cuộc chống giặc nội xâm được tiến hành thiếu kiên quyết và chậm nhiều năm không phải lỗi do những đảng viên chân chính, càng không phải lỗi do người dân song dẫu có muộn vẫn còn hơn không bởi người dân đã thấy được quyết tâm của ban lãnh đạo nhiệm kỳ 12 qua việc xử lý những vụ việc, những con người cụ thể chứ không còn là những lời hô hào như thường lệ.
Quan trọng là quyết tâm của Trung ương, của Tổng Bí thư, của cả hệ thống chính trị đã khiến thành viên các “nhóm lợi ích” biết sợ, đã khiến những người đang tiếc thời “đẹp vàng son - ngon mật mỡ” phải mở to mắt nhìn, phải cân nhắc “hối cải hay là tù”.
Hiện tượng “kết bè kéo cánh” bị đẩy lùi, chí ít thì chúng cũng không dám công khai câu kết chống lại chủ trương của Trung ương, tuy vậy hiện tượng “trên nóng - dưới lạnh” đang khá phổ biến chính là một trong những biểu hiện của sự chống đối ngấm ngầm đó.
Điều cần ghi nhận là Ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới đã nhận thức được nguy cơ đe dọa sự ổn định xã hội, đã chỉ mặt vạch tên nguyên nhân làm kinh tế tụt hậu, đạo đức, văn hóa xuống cấp trầm trọng và bước đầu chặn đứng đà suy giảm niềm tin của dân chúng vào chế độ chính trị.
Vui mừng với những kết quả về kinh tế, xã hội năm 2017 song không thể quên rằng chính trong thời gian này nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp bị kỷ luật, bị tuyên án nhiều năm tù, kể cả chung thân.
Không thể khẳng định cứ kỷ luật nhiều cán bộ thì kinh tế sẽ tăng trưởng, đạo đức văn hóa tự khắc sẽ trở nên trong sạch nhưng chắc chắn phải thừa nhận điều này:
“Nếu “bầy sâu” đục khoét nước Việt suốt suốt mấy chục năm bị tiêu diệt ngay từ Đại hội VI thì ngày nay đất nước không thể tụt hậu quá nhiều so với các quốc gia tiên tiến khác trong khu vực và trên thế giới”.
Hiện tượng một số cán bộ, đảng viên phạm tội đưa cả gia đình trốn ra nước ngoài trót lọt cho thấy có gì đó chưa ổn trong phát triển đội ngũ, quản lý con người, quản lý kinh tế,…
Nó cũng cho thấy lỗ hổng đặc biệt nguy hiểm trong an ninh, quốc phòng khi kẻ bỏ trốn kịp mang theo các bí mật quốc gia như trường hợp Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) mà dư luận đồn rằng có hàm thượng tá công an.
Cũng chính thời gian này, không ít doanh nhân vướng vòng lao lý, có người không hiểu sao bỗng nhiên bệnh nặng đến mức nằm viện dù chưa ai khẳng định họ là tội phạm!
Chào Xuân Mậu Tuất, không thể không nói đến thành tích đội bóng đá U23 Việt Nam khi giành huy chương bạc châu Á.
Vấn đề là tại sao người người hâm mộ lại cuồng nhiệt quá mức như vậy?
Phải chăng chính các cơ quan truyền thông đã góp phần làm bùng lên “Hội chứng đám đông”, phải chăng không ít doanh nghiệp tranh thủ ăn theo bằng cách rùm beng quảng cáo hay còn điều gì đó khó giải thích?
Một số tờ báo tranh thủ khai thác hình ảnh, đời tư của các cầu thủ trẻ với tần suất khủng đã khiến cả người viết báo và người theo dõi thiếu đi sự tỉnh táo cần thiết?
Huy chương bạc của một giải trẻ chưa phải là đỉnh cao, thậm chí cũng chưa phải là “đỉnh trung bình”.
Có chăng đây là dịp để người Việt tự nhìn nhận bản thân mình, nếu chỉ có như thế đã thỏa mãn, đã được coi là đỉnh cao của lòng tự hào thì đất nước này, dân tộc này sẽ mãi không thể “lớn nổi”.
Tuy nhiên, nỗi buồn hay niềm vui không nên để dồn nén, khi được giải tỏa, chia sẻ thì sự cân bằng sẽ tạo lập và điều đó không hẳn là không tốt.
Cũng như bóng đá, không ít người hồ hởi với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017 đạt trên 200 tỷ USD, nếu bình tâm suy xét, hãy tìm xem những xí nghiệp “100% vốn Việt Nam”, nông sản Việt Nam, chất xám Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm trong 200 tỷ USD đó?
Nếu bình tâm suy xét, hãy trả lời câu hỏi, rằng có phải công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang bị bóc lột ngay trên quê hương mình đến mức công nhân một số doanh nghiệp phải đình công đòi quyền lợi?
Sự tăng trưởng kinh tế mang lại những gì cho nông thôn, miền núi, cho nông dân và các nhóm cư dân có hoàn cảnh thiệt thòi?
Sự tăng trưởng kinh tế có giúp đội ngũ nhà giáo sống được bằng chính đồng lương của mình?
Đặt ra vài câu hỏi để thấy, những gì đạt được năm 2017 tuy rất ấn tượng nhưng chắc chắn chưa thể giúp đất nước sánh ngang với các quốc gia cùng châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,…
Trước khi khởi xướng chiến dịch “Lò nóng - củi tươi”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu ý kiến:
“Có hay không chạy chức chạy quyền, ai chạy - chạy ai phải làm rõ, vì cái này vẫn nhức nhối lắm, có nhiều thứ chạy lắm”.
Tuy đặt vấn đề “có hay không” nhưng Tổng Bí thư đã đưa ngay câu trả lời: “cái này vẫn nhức nhối lắm, có nhiều thứ chạy lắm”.
Cụm từ “vẫn nhức nhối” cho thấy “chạy chức, chạy quyền” đã xảy ra lâu rồi, đã “nhức nhối” lắm rồi, chỉ tiếc rằng “ai chạy - chạy ai” thì chưa tìm được câu trả lời - hay là chưa tìm được cơ quan nào chịu trách nhiệm trả lời?
Làm rõ việc “ai chạy - chạy ai” là vô cùng khó khăn nếu không nói là không thể bởi đây là các giao dịch không có “hóa đơn đỏ”.
Tuy nhiên xin thử lý giải thế này, nếu vụ xử các cựu lãnh đạo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh,… được xem là án điểm để chứng tỏ chống tham nhũng không có vùng cấm thì vụ doanh nhân Châu Thị Thu Nga khai chi tiền tỷ chạy chức đại biểu quốc hội cũng nên xem là án điểm;
Bởi “người chạy” đã tự nhận, đã xin kê khai tại tòa, kết quả cuộc chạy ấy cũng đã biết vì bà Nga đã trúng cử đại biểu Quốc hội, chỉ còn mỗi việc trong tầm tay là tìm xem bà Châu Thị Thu Nga “chạy ai” mà thôi.
Nếu có những khó khăn, vướng mắc … gì gì đó mà vụ Châu Thị Thu Nga không thể đi đến cùng thì rất khó để các vụ “ai chạy - chạy ai” mà Tổng Bí thư đề cập có thể làm sáng tỏ.
Những thành tựu của năm 2017 có thể xem là bàn đạp cho bước tăng tốc trong năm 2018.
Muốn thế cần phải thay đổi tư duy “lối cũ ta về”, cần có những thay đổi mang tính chiến lược về đội ngũ kế cận bởi đa số lãnh đạo hiện nay tuổi đã ngoài 60.
Thực tế công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua cho thấy, không ít quan chức trình độ nhận thức, chất trí tuệ trong phát ngôn tỷ lệ nghịch một cách đáng sợ với sự giàu có.
Từ những người “làm thối móng tay, buôn chổi đót, chạy xe ôm” đến người đứng trước tòa xin ra nước ngoài chăm sóc vợ con thể hiện sự yếu kém cả năng lực lẫn tư cách.
Quan chức giàu vẫn cứ giàu, biệt thự khủng ngày càng khủng, chờ đến lượt xử lý có khi chủ nhân đã là cháu, chắt chứ không còn là vợ, con nữa.
Giả thiết nhận định của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính là chính xác 100%, nghĩa là ở cấp Trung ương không có chuyện "chạy chức, chạy quyền", [3] vậy chuyện này chỉ xảy ra ở cấp địa phương.
Phạm vi “chạy” giờ đây dã thu hẹp đáng kể, hai cấp xã, huyện là vừa “chạy ai - ai chạy”.
Cấp tỉnh “chạy trung ương” không được nên chỉ còn … chạy ngang mà đích đến nghe đồn chỉ có thể là “đồng chí trung ương” ở địa phương mình?
Nếu bằng cách nào đó chặt đứt nguồn “chạy” cấp xã, huyện, nguồn “chạy ngang” thì sẽ chấm dứt được câu chuyện “chạy ai - ai chạy” hay chỉ là tác nhân gây biến tướng thành “gửi ai - ai gửi”?
Tốt nhất là xóa bỏ mọi câu chuyện “đúng quy trình” liên quan đến công tác cán bộ, tiến tới chỉ còn một quy trình duy nhất là thi tuyển và hợp đồng lao động với công chức, viên chức.
Cuối năm 2017, Ban Bí thư đã ban hành quy định về hình thức công khai tài sản cán bộ (diện phải kê khai), theo đó có thể lựa chọn một trong các hình thức:
“Công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ;
Thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác”.
Quy định này xem ra không khác nhiều so với quy định cũ, nếu không có chế tài bắt buộc, liệu người ta có tự nguyện “Công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng”?
Suy cho cùng, không bắt buộc phải công khai rộng rãi (thậm chí có nơi còn xem bản kê khai tài sản cán bộ là bí mật) tức là có gì đó chưa rõ ràng, chưa minh bạch, điều đó đi ngược chủ trương xây dựng một Chính phủ minh bạch, kiến tạo, nó không giúp cho công cuộc phòng chống tham nhũng tiến triển.
“Chống tham nhũng không có vùng cấm” điều này đã được thể hiện ở chức vụ rất cao của một số cá nhân đưa ra xử lý.
Tuy nhiên, nếu có những lĩnh vực không có cá nhân, tổ chức nào bị xử lý thì hoặc là lĩnh vực đó rất trong sạch hoặc là phải xem lại … sự trong sạch đó?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-lam-ro-ai-chay-chuc-chay-quyen-chay-ai-20180119121837761.htm
[2] https://vov.vn/chinh-tri/khong-chi-dung-o-viec-ky-luat-hon-50000-dang-vien-377946.vov
[3] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/ong-pham-minh-chinh-o-trung-uong-khong-co-chay-424701.html