Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 sẽ được khai mạc vào ngày 23/10 sắp tới, đến nay cử tri trông đợi những vấn đề quan trọng liên quan đến công tác xây dựng luật, các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước được đưa vào nội dung làm việc.
Trước thềm kỳ họp, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với một số đại hiểu Quốc hội khóa 14 xoay quanh những vấn đề họ quan tâm, kỳ vọng.
Theo đó, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đoàn tỉnh Bến Tre cho rằng, điều ông quan tâm nhất trong kỳ họp tới là những nội dung liên quan đến các luật rất quan trọng như: Luật Tố cáo; Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Bảo vệ Bí mật nhà nước; Luật An ninh mạng.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (ảnh Trinh Phúc). |
“Đây là những luật này có liên quan đến nhiều vấn đề từ quyền con người cho đến hoạt động của bộ máy nhà nước”, vị Đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh.
Bàn sâu thêm về các nội dung ở một số Luật đang có nhiều ý kiến trái chiều, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng:
“Trong dự thảo Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng đưa ra xin ý kiến có nhiều nội dung đang được tranh luận sôi nổi như hình thức tố cáo. Trong đó có ý kiến chỉ thừa nhận hình thức trực tiếp có đơn và không chấp nhận tố cáo qua thư điện tử, tin nhắn điện tử.
Trong khi có ý kiến lại cho rằng, hình thức tố cáo qua email, tin nhắn phát huy hiệu quả thực tế, tạo thuận lợi cho người tố cáo.
Hình thức tố cáo sẽ liên quan đến vấn đề trách nhiệm xử lý và việc bảo vệ người tố cáo.
Hình thức tố cáo nào đảm bảo được cho người tố cáo được an toàn, gia đình người thân của họ được yên ổn.
Cơ chế nào để bảo vệ họ, trách nhiệm cơ quan nhà nước như thế nào khi nhận được thông tin về tố cáo.
Trong Luật phòng chống tham nhũng hình thức tham nhũng quy định như thế nào để bao quát được nhiều vấn đề phát sinh.
Tôi cho rằng, vấn đề kiểm soát tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng là những vấn đề dự báo sẽ nhận được nhiều ý kiến tranh luận căng thẳng, sôi nổi trong kỳ họp lần này”.
Đại biểu Quốc hội nói về trường hợp cán bộ không chịu trả nhà công vụ |
Ngoài ra, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng còn cho rằng, những quy định về công khai tài sản cán bộ cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Việc công khai tài sản cán bộ ở mỗi lĩnh vực đối với loại cơ quan hình thức công khai phải quy định sao cho phù hợp.
Có trường hợp dán nơi trụ sở, có trường hợp công khai trên mạng, có trường hợp người ta phải báo cáo trong các hội nghị.
Đối với những người được quy hoạch cán bộ cần phải công khai đến đâu, cho những cơ quan nào, với cán bộ dân cử công khai như thế nào… Tất cả đều cần phải được nghiên cứu để quy định cho hợp lý.
Một vấn đề nữa mà vị Đại biểu Quốc hội này quan tâm đó là liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, kết luận thanh tra…
“Thanh tra, kiểm tra, giám sát đều là những vấn đề lớn. Tuy nhiên cần tránh hiện tượng có vụ việc tất cả các cơ quan đều vào nhưng có vụ việc chả ai quan tâm đến nó. Đó là hai thái cực nguy hiểm.
Tôi hoan nghênh việc kết hợp được cả cơ quan kiểm tra và thanh tra thành một cơ quan. Như vậy sẽ tránh hiện tượng một doanh nghiệp một năm có 20 đoàn đến kiểm tra.
Việc thực hiện kết luận giám sát cần được minh bạch. Cơ chế nào là cơ chế để thực hiện kết luận hậu giám sát mới quan trọng.
Đã tiến hành thanh tra, kiểm tra thì phải thông báo cho nhân dân biết và thực hiện đúng thời hạn.
Các vụ việc đã được thanh tra nhưng không công bố dẫn đến dị nghị trong nhân dân và nảy sinh vấn đề có thể dẫn đến tiêu cực chính trong bản thân công tác thanh tra, kiểm tra” – Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai (ảnh Trinh Phúc). |
Cũng liên quan đến nội dung của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14 tới đây, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đoàn Tiền Giang cho rằng, vấn đề ông quan tâm đó là việc thông qua các dự án luật, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế, xã hội và nội dung kết quả giám sát của Quốc hội.
Vị Đại biểu Quốc hội này kỳ vọng Quốc hội thảo luận, lấy ý kiến về tình hình phát triển kinh tế xã hội.
“Hiện đã được nửa nhiệm kỳ rồi, cả chương trình dài có những khó khăn, thách thức nào đặt ra?
Quốc hội cần thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm đạt được sự phát triển kinh tế xã hội theo định hướng 5 năm” – ông Nguyễn Hoàng Mai nói.
Thêm một vấn đề mà vị Đại biểu này quan tâm đó chính là hoạt động giám sát của Quốc hội.
Việc Quốc hội giám sát tối cao về thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 nên cần phải thảo luận, đưa ra nghị quyết.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Mai cũng cho rằng: “Đương nhiên giai đoạn qua sẽ định hướng cho gia đoạn tới và đặc biệt vừa rồi liên quan đến Hội nghị Trung ương 6 nên Quốc hội cho ý kiến liên quan đến hội nghị vừa rồi.
Về tổ chức bộ máy, tôi rất kỳ vọng sau đây nghị quyết giám sát Quốc hội sẽ đưa ra giải pháp có hiệu quả cho giai đoạn tới.
Thực sự khi làm tốt cải cách tổ chức bộ máy hành chính sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội”.
Một vấn đề vị Đại biểu Quốc hội này quan tâm nữa là các dự án BOT giao thông. “Rất mong Quốc hội sẽ có ý kiến về vấn đề BOT trong giai đoạn vừa qua”,Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đoàn Tiền Giang kỳ vọng.