Sư phạm chỉ tuyển học sinh giỏi, đích thị là một giấc mơ

13/02/2018 07:06
Phan Tuyết
(GDVN) - Vào sư phạm phải là học sinh giỏi, ước nguyện này là chính đáng và dư luận cũng sẽ rất đồng tình. Thế nhưng làm sao có thể tuyển được học sinh giỏi?

LTS: Theo dự thảo mà Bộ Giáo dục đang lấy ý kiến thì học sinh muốn vào đại học sư phạm phải có học lực lớp 12 từ giỏi trở lên mới đủ điều kiện, cô giáo Phan Tuyết thẳng thắn cho rằng, Sư phạm chỉ tuyển học sinh giỏi, xin Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng... mơ”.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra dự thảo để xin ý kiến rộng rãi là các trường đại học sư phạm chỉ tuyển sinh đối với những học sinh đạt học lực loại giỏi năm lớp 12.

Không ít người đặc biệt là giáo viên đều cho rằng đây là ý tưởng không thực tế nó giống như là một giấc “mơ” mà đã mơ thì chẳng bao giờ thành hiện thực.

Sư phạm chỉ tuyển học sinh giỏi, xin Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng “mơ” (Ảnh minh họa: vov.vn).
Sư phạm chỉ tuyển học sinh giỏi, xin Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng “mơ” (Ảnh minh họa: vov.vn).

Hãy nhìn vào thực tế

Theo thống kê đến năm 2020 sẽ có 70.000 sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp [1].

Sinh viên ra trường muốn chen chân vào giảng dạy tại một trường học, thì số tiền bỏ ra không hề nhỏ. Hãy nghe tâm sự của một sinh viên sư phạm vất vả hàng năm trời đi xin việc.

“Cũng hỏi thử cần bao nhiêu tiền để xin được một công việc có mức lương bằng 2,34 x 1,15 triệu đồng, thì số tiền cũng biến thiên khá rộng, một trăm triệu có, bốn năm trăm triệu cũng có.

Không ít thầy cô của tôi, bạn bè của bố mẹ, những cô bác tôi quen, lúc bình thường thì giấu nhẹm nhưng đến khi được khơi đúng mạch cảm xúc thì họ nói liên miên bất tuyệt, nào là trước đây hàng chục năm, hai chục năm họ đã phải cắn răng vác tiền đi xin việc.

Khi chúng tôi còn nhỏ, họ không dám nói, nhưng bây giờ lớn rồi, cũng phải có hiểu biết xã hội…!” [2]

Đã mất tiền chỉ để vào dạy hợp đồng. Dù thế, hàng ngàn thầy cô giáo đang giảng dạy hàng chục năm trời rất tốt bỗng chốc bị mất việc như 4 nghìn giáo viên ở tỉnh Hải Dương mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh. Hay chỉ để cho một cuộc thi tuyển mới.

“Vừa qua, hơn 600 nhân viên, giáo viên tại huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) bị huyện này bất ngờ cắt hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, chưa đầy 1 tháng sau ngày dừng hợp đồng với hàng loạt giáo viên, Ủy ban nhân dân huyện này lại “kêu thiếu giáo viên” và ra một số văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh xin bổ sung thêm 253 cán bộ, giáo viên cho các bậc học” [3].

Sư phạm chỉ tuyển học sinh giỏi, đích thị là một giấc mơ ảnh 2Muốn vào đại học sư phạm, phải là học sinh giỏi trở lên

Xin việc khó, thất nghiệp tràn lan, thậm chí được vào giảng dạy rồi vẫn có thể mất việc bất cứ lúc nào. Đã thế, mức lương bèo bọt, áp lực công việc nặng nề. Chưa bao giờ nghề giáo lại bị áp lực, bị căng thẳng đến như vậy.

Nơi trường học phải chịu áp lực về chỉ tiêu lên lớp, học sinh khá giỏi, duy trì sĩ số, chất lượng môn học…ngoài giờ dạy, thầy cô lại quay cuồng với biết bao hội thi, hết hội thi của thầy đến hội thi của trò.

Cùng với đó là gánh nặng về hồ sơ sổ sách…trong số đó không ít những thứ được đánh giá là vô bổ.

Quay cuồng với biết bao công việc còn phải lo “đối phó”với những phụ huynh quá khích. Như việc đi hầu các cấp vì bị chính phụ huynh thưa kiện đôi khi chỉ là việc nhắc nhở học sinh học và làm bài, viết bản kiểm điểm, phạt lao động công ích…

Đã có biết bao vụ hành hung giáo viên ngay trên bục giảng chỉ vì giáo viên “dám mắng con ông hư, dám làm cho con ông khóc…”.

Không phải đơn giản mà những năm gần đây người ta lại liệt nghề giáo cùng với nghề y là hai nghề “nguy hiểm”.

Khi sự việc xảy ra, thì những thầy cô giáo này hầu như không được nhà trường, ngành giáo dục sở tại hay cơ quan pháp luật bảo vệ (người hành hung giáo viên ít bị phạt tù). Họ sẵn sàng bị nhận kỉ luật, bị sa thải tức thì vì chính cấp trên của mình phủi trách nhiệm.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà phần lớn ba mẹ làm nghề giáo, con cái lại không nối nghề, đặc biệt là những em học giỏi. Bởi hơn ai hết, các em thấu hiểu rõ nhất những khó khăn, những vất vả và áp lực mà cha mẹ mình đang trải qua.

Lương thấp nhưng không phải giáo viên muốn làm thêm việc gì cũng được. Ngoài dạy thêm thì hầu như giáo viên không thể làm thêm được gì.

Mà dạy thêm thì cay đắng lắm. Khá nhiều giáo viên chia sẻ “nếu không vì cuộc sống cùng cực, nếu không vì phải lo cho con cái học hành…sẽ chẳng bao giờ dạy thêm vì nhục lắm”.

Cái suy nghĩ đã trở thành định kiến của bao người “thầy cô phải cao sang, đạo mạo” nên không thể đi bưng bê ngoài quán, không thể ngồi bán hàng rong, không thể chạy xe ôm hay làm cửu vạn… “làm thế chẳng còn ra thể thống gì”. Đã có không ít phụ huynh lên tiếng như vậy.

Sư phạm chỉ tuyển học sinh giỏi, đích thị là một giấc mơ ảnh 3Học sinh giỏi, chắc gì các em đã muốn vào sư phạm?

Lương thấp nhưng các loại tiền thưởng cũng chẳng thấm tháp gì. Kỉ niệm chương 20 năm vì sự nghiệp giáo dục mà hàng chục năm nay mức thưởng vẫn chỉ là 200 ngàn đồng.

Đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thị, cấp tỉnh cũng chỉ là tờ giấy khen tượng trưng. Tiền hỗ trợ giấy bút hàng năm cho việc soạn bài chưa tới 100 ngàn đồng/năm học nhưng trường có trường không.

Trong khi nhiều ngành nghề khác tết họ có lương tháng 13 thì thưởng tết giáo viên phần lớn chỉ là gói đường, bị hạt dưa hay gói trà cho đỡ tủi. Nơi sang được vài ba triệu đã thấy lớn.

Hết một năm học, nhiều cơ quan xí nghiệp tổ chức cho cán bộ công nhân viên đi tham quan du lịch thì giáo viên phải gom góp mỗi người một tháng 100 ngàn đồng.

Có người góp một năm học được 900 ngàn đồng nhưng cũng không nỡ đi chơi một mình, xin rút về để cả nhà cùng đi chung đâu đó cho vui.

Muốn tuyển được học sinh giỏi giáo dục phải thay đổi

Tình trạng học sinh thi 3 môn chưa đủ 10 điểm vẫn đỗ vào sư phạm đã nói lên tất cả vì sao xã hội lại quay lưng với giáo dục.

Nếu nói không ngoa thì thi vào sư phạm những năm gần đây có khá nhiều học sinh có lực học yếu, kém. Thầy cô không có kiến thức đương nhiên không thể dạy trò trở nên giỏi.

Bởi thế, vào sư phạm phải là học sinh giỏi, ước nguyện này là chính đáng và dư luận cũng sẽ rất đồng tình. Thế nhưng làm sao có thể tuyển được học sinh giỏi?

Ra Thông tư lúc này cũng chẳng có ý nghĩa gì. Việc cần làm hiện nay là nhà nước (không ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo) phải nhanh chóng khắc phục những tồn tại mà ngành giáo dục đang mắc phải như giải quyết tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp, cải tạo chế độ tiền lương, tiền thưởng, giảm áp lực làm việc như chấm dứt căn bệnh thành tích, giảm các hội thi của thầy và trò…

Làm được điều đó, chẳng cần quy định thì học sinh giỏi cũng ùn ùn đăng kí xin được thi vào sư phạm.

Tài liệu tham khảo:

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hang-van-sinh-vien-su-pham-that-nghiep-loi-tai-ai-517333.vov[1]

https://tuoitre.vn/cay-dang-moi-ra-truong-tim-viec-may-tram-trieu-cho-vua-749358.htm[2]

https://baomoi.com/thanh-hoa-vua-sa-thai-647-giao-vien-nay-lai-xin-tuyen-bo-sung-253-nguoi/c/20618180.epi [3]

Phan Tuyết