Làm sao để ngành giáo dục bớt “nóng” như mong muốn của Bộ trưởng?

15/02/2018 08:09
Nguyễn Cao
(GDVN) - Sự thẳng thắn thừa nhận việc “giáo dục vẫn còn làm“nóng”dư luận” cho thấy cá nhân Bộ trưởng vẫn canh cánh, trăn trở về những hạn chế, những tồn tại của ngành.

LTS: Tổng hợp những vấn đề nóng của ngành giáo dục trong vừa qua, thầy giáo Nguyễn Cao đưa ra một số kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cấp quản lý.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Như đã thành thường lệ, khi những ngày cuối cùng của năm cũ trôi qua thì hàng triệu giáo viên, học sinh, sinh viên trong ngành giáo dục lại nhận được thư chúc Tết của vị Tư lệnh ngành.

Sự quan tâm của người đứng đầu ngành giáo dục gửi tới cấp dưới, tới đồng nghiệp, cùng các em học sinh, sinh viên như đã tiếp thêm thêm sức mạnh, nguồn động viên, sự cổ vũ để năm mới toàn ngành cùng nỗ lực phấn đấu.

Một năm nhìn lại, như đánh giá trong thư chúc Tết của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cũng như từ các thông tin đại chúng đã thông tin trong năm, mỗi chúng ta đều cảm nhận được nhiều sự đổi thay của toàn ngành giáo dục.

Vẫn còn đó, nhiều gian nan, vất vả, vẫn còn đó những khó khăn khi đến lớp, đến trường nhưng đã có nhiều thầy cô giáo, nhiều em học sinh, sinh viên vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, học tập của mình.

Làm sao để ngành giáo dục bớt “nóng” như mong muốn của Bộ trưởng? Ảnh minh hoạ: TTXVN
Làm sao để ngành giáo dục bớt “nóng” như mong muốn của Bộ trưởng? Ảnh minh hoạ: TTXVN

Nhiều thầy cô giáo đang công tác ở những nơi rừng núi hay hải đảo xa xôi đã giương cao ngọn cờ đầu về sự hi sinh, phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình.

Chính từ sự hi sinh thầm lặng, chính từ sự cống hiến không mệt mỏi của từng cá nhân trong ngành giáo dục trong năm qua đã tạo nên những thành quả, những trái ngọt cho ngành.

Hàng chục em học sinh đã đem về các tấm huy chương vàng, bạc quý giá trong các kì thi Olympic quốc tế, hàng ngàn em học sinh đã đạt giải cao trong kì thi học sinh giỏi quốc gia, các kì thi về khoa học…

Và, biết bao nhiêu những thầy cô, học sinh không đem lại tấm huy chương nào cả nhưng họ đã âm thầm đóng góp vào những mục tiêu, kế hoạch của ngành qua từng công việc, nhiệm vụ cụ thể nơi cơ sở.

Nhìn từ chính sách vĩ mô của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm qua đã thể hiện sự cố gắng của đội ngũ lãnh đạo các cấp, các nhà khoa học khi thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình môn học.

Nhiều chỉ đạo sát với thực tiễn như: giảm tải được các kì thi văn hóa, năng khiếu, giảm được một số phong trào cho cả thầy và trò.

Làm sao để ngành giáo dục bớt “nóng” như mong muốn của Bộ trưởng? ảnh 2Việt Nam 2035 – Giáo dục và nhân lực tri thức

Quan trọng hơn cả là từng bước giản đơn được kì thi trung học phổ thông quốc gia để giảm áp lực thi cử cho học sinh, phụ huynh khi phải tập trung ra các thành phố lớn như trước đây.

Nỗ lực đó, là sự ghi nhận đáng trân trọng của những người đang chèo lái con thuyền giáo dục.

Tuy nhiên, năm qua cũng là năm mà ngành giáo dục nổi lên nhiều sự kiện “nóng” mà trong lá thư gửi cho thầy cô giáo, học sinh, sinh viên nhân dịp năm mới, cá nhân Bộ trưởng đã thừa nhận, đó là:

Bên cạnh những việc đã làm được, phải thẳng thắn nhìn nhận, trong năm qua ở đâu đó, giáo dục vẫn còn làm “nóng” dư luận bởi những câu chuyện về đạo đức người thầy, ý thức người trò;

Về bài toán quy hoạch trường lớp, đội ngũ giáo viên chưa được giải quyết dứt điểm;

Về đồng lương, thu nhập eo hẹp của những người đã và đang theo đuổi nghề giáo bằng đam mê, tâm huyết;

Về những vấn đề mà ngành đang nỗ lực giải quyết nhưng chưa thể có kết quả ngay trong một sớm một chiều.

Xã hội luôn dành sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn vào ngành Giáo dục, đây vừa là vinh dự, cũng vừa là trách nhiệm mà mỗi người chúng ta luôn canh cánh.

Điều đó cũng cho thấy, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để xứng đáng với sự quan tâm và kỳ vọng của xã hội”.

Sự thẳng thắn thừa nhận việc “giáo dục vẫn còn làm “nóng” dư luận” cho thấy cá nhân Bộ trưởng vẫn canh cánh, trăn trở về những hạn chế, những tồn tại của ngành trong năm vừa qua bởi thực tế ngành giáo dục vẫn còn nhiều điều xảy ra ngoài sự mong muốn của xã hội.

Chúng ta vẫn còn thấy nổi lên những sự kiện mà không chỉ cá nhân Bộ trưởng mà toàn xã hội đang trăn trở, băn khoăn.

Làm sao để ngành giáo dục bớt “nóng” như mong muốn của Bộ trưởng? ảnh 3Đổi mới giáo dục - chuyện tử tế của những người "gieo mầm văn hóa"

Đó là: tình trạng một số các cơ sở giáo dục mầm non tư thục bạo hành trẻ em đã gây bất bình cho dư luận;

Tình trạng hàng loạt các vụ bạo lực học đường xảy ra và được đăng tải trên mạng Internet;

Tình trạng tuyển sinh đầu vào sư phạm bết bát với 3-4 điểm/ môn.

Sự im lặng của Bộ khi Ngân hàng thế giới công bố báo cáo đánh giá về mô hình trường học VNEN ở Việt Nam mà dư luận nghi ngờ về tính xác thực của bản báo cáo.

Một số dự thảo về chính sách, về chương trình giáo dục tổng thể, chương trình môn học, môt số công văn chỉ đạo chưa sát với thực tế.

Và, những ngày cuối cùng của năm cũ này, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công bố số lượng tân giáo sư, phó giáo sư năm 2017 của nước ta là 1.226 khiến cho dư luận dậy sóng đến nỗi Thủ tướng Chính phủ và cá nhân Bộ trưởng đã yêu cầu rà soát lại…

Rõ ràng những sự việc như thế khiến dư luận chưa thực sự yên tâm.

Bước vào một năm mới, chắc chắn ngành giáo dục của chúng ta cũng sẽ còn nhiều gian nan ở phía trước.

Vì thế, bản thân mỗi giáo viên dưới cơ sở chúng tôi luôn mong muốn ngành giáo dục của chúng ta, nhất là cá nhân Bộ trưởng cần thể hiện rõ vai trò lãnh đạo để làm tốt những công việc của mình một cách tốt nhất, cầu thị nhất để hướng tới những thành quả tốt trong năm 2018 này.

Trước hết, giáo viên chúng tôi mong muốn ở Bộ trưởng và lãnh đạo ngành thực hiện tốt những điều sau:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tham mưa cho Chính phủ, Quốc hội những chính sách sát thực tế, phù hợp với điều kiện đất nước, điều kiện giáo dục Việt Nam.

Tránh tình trạng như đề xuất tăng lương cho giáo viên sẽ cao nhất các đơn vị sự nghiệp.

Những đề xuất như vậy rõ ràng không phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước.

Vô tình, đội ngũ thầy cô giáo lại thêm một lần tổn thương vì xã hội không đồng tình và đem ra so sánh…

Thứ hai, mỗi khi phát ngôn hay ban hành một Thông tư, một Công văn chỉ đạo nào thì cá nhân Bộ trưởng cũng như lãnh đạo ngành cần cẩn trọng để tránh sai sót.

Làm sao để ngành giáo dục bớt “nóng” như mong muốn của Bộ trưởng? ảnh 4Tâm thư của "những nhà giáo già" gửi Hội đồng Quốc gia Giáo dục

Ví dụ, đề xuất bỏ biên chế giáo viên của Bộ trưởng hay ban hành Công văn 4612 do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký đã làm dư luận phải băn khoăn…!

Thứ ba, sau Tết cũng là thời điểm kết thúc việc lấy ý kiến về dự thảo chương trình môn học.

Vì thế, điều chúng tôi mong muốn là Bộ Giáo dục cần lên tiếng và trả lời công luận một cách rõ ràng về 2 môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở mà dư luận đã lên tiếng trong thời gian qua.

Trước những vấn đề nóng như vậy nhưng chúng tôi chỉ thấy lẻ tẻ vài lời chia sẻ của những thầy thực hiện chương trình môn học, lãnh đạo ngành giáo dục chưa có những chia sẻ, đánh giá trước công luận về các môn học này một cách chính thức?

Thứ tư, Bộ giáo dục cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có kế hoạch rõ ràng khi xây dựng bộ sách giáo khoa mới để áp dụng đại trà cho những năm học tới.

Một bộ sách giáo khoa tốt sẽ là “của để dành” cho thế hệ mai sau, tránh những hạn chế như bộ sách giáo khoa hiện hành liên tục phải chỉnh sửa, bổ sung nên vừa tốn kém, vừa gây khó khăn cho cả thầy và trò dưới cơ sở.

Thứ năm, Bộ Giáo dục tiếp tục hạn chế những phong trào, những cuộc thi không cần thiết để dành thời gian, công sức của giáo viên, học sinh cho việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Bộ cần cương quyết chấm dứt vấn nạn dạy thêm, học thêm, bệnh thành tích, bệnh háo danh trong giáo dục để tạo sự yên tâm cho dư luận.

Thứ sáu, cần chấn chỉnh, kỷ luật nghiêm minh tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, tình trạng bạo lực học đường của của một bộ phận giáo viên và học sinh để hướng tới một nền giáo dục nhân ái, nhân văn và trách nhiệm.

Điều cuối cùng là chúng tôi mong muốn cá nhân Bộ trưởng cũng như lãnh đạo, giáo viên, học sinh, sinh trong ngành luôn toàn tâm, toàn ý với giáo dục.

Tất cả là vì sự tiến bộ của nền giáo dục nước nhà để năm 2018 này, dư luận không còn “nóng” trước các sự việc không đáng có xảy ra ở ngành giáo dục.                                                                                  

Tài liệu tham khảo:

http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-truong-bo-giao-duc-gui-thu-chuc-nam-moi-toi-toan-the-thay-co-giao-hssv-ca-nuoc-20180213164552979.htm

Nguyễn Cao