Đổi mới giáo dục - chuyện tử tế của những người "gieo mầm văn hóa"

26/09/2017 06:46
Nguyễn Trọng Bình
(GDVN) - Con đường giáo dục Việt Nam nhất định phải đi đó là: giáo dục phải hướng đến việc “khai minh”, “khai sáng” cho con người.

LTS: Hội thảo Giáo dục 2017 và chất lượng giáo dục phổ thông vừa diễn ra hôm 22/9 tại Hà Nội để lại nhiều dư âm và trăn trở.

Nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới, chia sẻ góc nhìn của mình về sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà.

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết và cảm ơn nhà giáo Nguyễn Trọng Bình!

Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

1. Từ thực tế về sự “lạc đường” của nền giáo dục

Cách đây 5 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương chuẩn bị và lên kế hoạch chuẩn bị cho việc xây dựng đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”.

Ngày 29/9/2012 một nhóm các nhà khoa học cùng các chuyên gia giáo dục đã tổ chức một buổi hội thảo tại Thủ đô Hà Nội, nhằm phản biện cũng như đưa ra những khuyến nghị về các vấn đề có liên quan. 

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (giữa) phát biểu tại buổi họp báo về Hội thảo giáo dục 2017 "về chất lượng giáo dục phổ thông". Ảnh: Vương Thúy / Quân Đội Nhân Dân.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (giữa) phát biểu tại buổi họp báo về Hội thảo giáo dục 2017 "về chất lượng giáo dục phổ thông". Ảnh: Vương Thúy / Quân Đội Nhân Dân.

Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, trong Hội thảo ấy Giáo sư Hoàng Tụy – một “cây đại thụ” trong ngành giáo dục nước nhà đã thẳng thắn nói rằng: 

Nền giáo dục của chúng ta đang bị “lạc đường” [1]. 

Với tôi, đây là nhận xét tuy rất ngắn, nhưng cực kỳ xác đáng về những tồn tại và bất cập của nền giáo dục nước nhà thời gian qua. 

Và cho đến nay, tuy đề án “Đổi mới căn bản và toàng diện giáo dục” đang được gấp rút triển khai, nhưng có vẻ cái cảm giác về sự “lạc đường” của nền giáo dục hình như vẫn còn lởn vởn trong suy nghĩ của rất nhiều người (hay ít nhất là với cá nhân tôi). 

Bằng chứng là, ngày 22/9 vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã phải tổ chức “Hội thảo giáo dục 2017 và chất lượng giáo dục phổ thông”.

Đây là hoạt động để vừa thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội, đồng thời lắng nghe tiếng nói từ phía những nhà cải cách và các tầng lớp nhân dân. 

Nói như nhà giáo Phạm Toàn trong những dòng mở đầu của bài tham luận ông gửi đến buổi Hội thảo là: 

“Chúng ta đang bàn bạc về công việc lớn lao này trong nỗi lo lắng và tinh thần trách nhiệm. 

Lo lắng và trách nhiệm đè nặng lên vai từng cá nhân có mặt ở Hội thảo này, và chúng ta còn gánh nặng cả những nỗi ưu tư của biết bao con người vắng mặt tại đây, trong đó có những nhà khoa học và có cả những phụ huynh có con em đang đi học. 

Và không chỉ có thế, vắng mặt hôm nay nhưng luôn luôn có mặt, còn là tổ tiên chúng ta, những ân nhân đã giao lại đất nước này cho chúng ta, và còn là cả những bé em sẽ ra đời trên mảnh đất thiêng liêng này, những thế hệ của trăm năm, của nghìn năm sau.” [2]

Quả thật, không “lo lắng” sao được nếu biết rằng cả nước chỉ vừa bước vào năm học mới nhưng có không biết bao nhiêu vấn đề lộn xộn liên tiếp xảy ra:  

Chuyện “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” liên quan đến dự án và mô hình dạy học VNEN được các chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhập khẩu từ nước bạn Colombia vẫn chưa có hồi kết.

Tiếp đến là những tranh cãi liên quan đến quan điểm dạy học “tích hợp” trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đổi mới giáo dục - chuyện tử tế của những người "gieo mầm văn hóa" ảnh 2

Quan ngại kiểu "tích hợp" sách giáo khoa mới

Chuyện tuyển sinh đầu vào quá thấp của sinh viên ngành sư phạm vừa lắng xuống thì tiếp tục nỏi lên vấn nạn lạm thu mỗi đầu năm học mới (đến nỗi người dân phải làm đơn gửi văn phòng Chính phủ đề nghị giải tán “Hội phụ huynh học sinh”). 

Chuyện “không tin được dù đó là sự thật” về cái một “lò ấp, Thạc sĩ, Tiến sĩ” ở Viện khoa học xã hội nọ chưa biết giải quyết thế nào về hậu quả của nó, thì lại xôn xao vụ “đổi tình lấy biên chế”

Nhắc lại những vụ điển hình như thế không phải để gợi ra sự bi quan, mà quan trọng hơn để tất cả cùng thấy rằng:

Nếu chúng ta không trung thực trong cách nghĩ, lời nói và việc làm thì công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” chắc chắn sẽ khó mà như ý nguyện. 

Nói khác đi, muốn đổi mới, trước hết phải dũng cảm thừa nhận những khuyết tật của mình. Và một khi đã làm thì phải làm triệt để, chứ không nên nửa vời, nước đôi

Ngoài ra, cũng không nên phức tạp hóa vấn đề, “bày vẽ”  ra nhiều chuyện mà ngay chính bản thân những người đổi mới cũng rất mơ hồ, không biết mình đang nói gì, làm gì. 

Hãy giản dị mà nghĩ rằng, giáo dục đang bị “lạc đường” thì “đổi mới” thực ra chỉ là “nắn” và đưa giáo dục trở lại “đúng đường” của nó cần phải đi mà thôi.  
2. “Con đường” cần đi và phải đi?

“Con đường” giáo dục nước nhà phải đi trong thời gian tới có “hình thù” như thế nào? 

Nghiêm túc mà nói, về vấn đề này thời gian qua các chuyên gia văn hóa, các nhà giáo dục tâm huyết cũng đã “cày đi xới lại” rất nhiều lần. 

Có thể thấy, tuy khác nhau ở cách diễn đạt và trình bày nhưng nhìn chung các nhà nghiên cứu, các nhà giáo tâm huyết đều gặp nhau ở một suy nghĩ về một “con đường”.

Theo họ, con đường giáo dục Việt Nam nhất định phải đi đó là: giáo dục phải hướng đến việc “khai minh”, “khai sáng” cho con người. 

Có thể nói, đây trước hết là quan điểm của nhiều triết gia trên thế giới. 

Trong tư cách của một học giả rất có uy tín, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đã nhiều lần “trò chuyện” với chúng ta trong hàng loạt bài viết in trên sách báo của ông thời gian qua. 

Đổi mới giáo dục - chuyện tử tế của những người "gieo mầm văn hóa" ảnh 3

Cây đa, cây đề

Tương tự như thế, Giáo sư Cao Huy Thuần cũng cho rằng giáo dục phải làm sao “trả lại cái đầu cho cái đầu” để con người từng bước “tự trưởng thành” mà không cần vịn vào ai khác [3]. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt thì cụ thể hơn: 

“Cải cách giáo dục là quy hoạch xã hội tương lai, chuẩn bị phần quan trọng nhất cho tương lai của xã hội, người chủ xã hội tức là con người…” trên cơ sở nguyên lý của “giáo dục hiện đại là tự do, tự lập và tự trọng’”. [4]

Trong nhiều bài viết của mình gần đây, Tiến sĩ Giáp Văn Dương nhiều lần bộc lộ quan điểm: đích đến cuối cùng của giáo dục là phải tạo ra “con người tự do” chứ không phải “con người công cụ”.[5]

Vẫn còn khá nhiều ý kiến với suy nghĩ tương tự của các nhà giáo, nhà nghiên cứu khác nữa, nhưng thiết nghĩ chừng ấy những suy nghĩ vừa dẫn ra ở trên cũng đủ cho thấy:

Phải chăng công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” hiện nay vẫn chưa phản ánh đúng những gì mà thực tiễn xã hội đang đòi hỏi và các nhà giáo, nhà nghiên cứu kiến nghị và yêu cầu? 

Nói cách khác, công cuộc “đổi mới giáo dục” hiện nay trước khi đi vào những vấn đề chi tiết về “kỹ thuật”“lộ trình”, thì những đường hướng và mục tiêu chung nhất định phải xác lập một cách rõ ràng.

Và nhất là phải cho thấy được tính khả thi, nhằm khắc phục triệt để những bất cập do sự “lạc đường” của giáo dục trong thời điểm hiện tại.  

3. Đổi mới giáo dục: cần những con người tử tế để dẫn dắt

Giáo dục phải hướng đến việc “khai minh”, “khai sáng” cho con người, vì thế nhất định phải tìm ra những con người có tư duy ấy để dẫn dắt cả xã hội cùng đi. 

Ngoài ra, người dẫn dắt phải có đủ “uy”“nghiêm” mới có thể dễ dàng “thu phục nhân tâm”

“Uy”“uy tín”, là tạo dựng niềm tin cho người khác bằng năng lực và sự hiểu biết của bản thân. Từ đó truyền cảm hứng và sự thuyết phục đến cho họ. 

Còn “nghiêm” là sự cẩn trọng, nghiêm cẩn trong mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động. 

Người cẩn trọng sẽ không nói “hai lời”, khi vầy khi khác; sẽ biết khi nào cần phải “nhã nhặn” khi nào phải “quyết đoán” trong các chủ trương, quyết sách...   

Ở một phương diện khác, giáo dục và đào tạo nói cho cùng đó là quá trình gieo những “hạt mầm văn hóa” để từng bước và lâu dài tạo ra những giá trị ổn định và bền vững cho xã hội và đất nước. 

Đổi mới giáo dục - chuyện tử tế của những người "gieo mầm văn hóa" ảnh 4

3 giải pháp cơ bản vực dậy nghề sư phạm và hình ảnh người thầy

Hay nói như một nhà văn gạo cội là: 

“Vấn đề lớn nhất của giáo dục bao giờ cũng là vấn đề văn hóa (của xã hội) và để giải quyết văn hóa trong một xã hội, giáo dục phải lãnh vai trò quan trọng nhất.” [6]

Vì vậy, muốn giáo dục thành công thì những người dẫn dắt, những người làm nhiệm vụ định hướng và “gieo hạt” nhất định phải là những người ngoài tư cách của một nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo dục thì phải còn là tư cách của những nhà văn hóa lớn – những trí thức chân chính, đàng hoàng và tử tế trong xã hội.

4. Thay lời kết

Mỗi khi nghĩ về câu nói “giáo dục của đang bị lạc đường” của Giáo sư Hoàng Tụy năm xưa và công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà” hiện nay, tôi thường nhớ đến lời bình trong bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” nổi tiếng của đạo diễn Trần Văn Thủy cách đây hơn 30 năm:

"Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng: tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. 

Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. 

Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. 

Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người, người tử tế, trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm! ..." [7]

Và gần đây nhất là ý kiến của nhà giáo Phạm Toàn trong bài viết đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng làm tôi rất xúc động:

“Các nhà giáo dục chúng ta hãy nghĩ đến mục tiêu bất biến này: làm sao tạo dựng được một tâm hồn Việt Nam cho đến tận mỗi tế bào của xã hội”. [8]

Vì thế, trước khi kết lại bài viết này, tôi nghĩ mình cần phải gửi lời cảm ơn chân thành đến hai bậc “tiền bối” này, cũng như các bậc “tiền bối” mà tôi đã dẫn lời trước đó. 

Đây là những ý tưởng – những động lực thôi thúc để tôi viết ra những này nhằm chia sẻ với bạn đọc nhân dịp Quốc hội đang mở hội thảo bàn về giáo dục trong những ngày qua.  

Cuối cùng, cũng không biết nói gì hơn cho phép tôi một lần nữa nhắc lại và tiếp lời nhà giáo Phạm Toàn:

Các nhà định chính sách, các nhà quản lý giáo dục hãy “suy nghĩ lại”  về “con đường” và cách thức để “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” hôm nay. 

Mong các vị hãy nghĩ về vấn đề rất quan trọng của cả dân tộc hôm nay bằng tất cả sự chân thành và nghiêm cẩn nhất. 

Tôi cho rằng, chúng ta bàn về giáo dục chính là đang bàn về chuyện tử tế nhất trong những chuyện tử tế của con người; những người “đổi mới giáo dục” thực chất là những người đang “gieo mầm văn hóa” cho xã hội và đất nước mai sau!

Vì thế, mong lắm thay, mong tất cả hãy nghĩ, nói và làm cho thật đàng hoàng và tử tế!

Cần Thơ, 24/9/2017
---------
Nguồn tham khảo:

[1]: “Giáo dục đang đi lạc đường” . Xem tại: http://tuoitre.vn/giao-duc-dang-di-lac-duong-513748.htm

[2]: “Các nhà quản lý giáo dục, xin hãy nghĩ lại”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Cac-nha-quan-ly-giao-duc-xin-hay-nghi-lai-post179879.gd

[3]: “Giáo sư Cao Huy Thuần: Trả cái đầu lại cho cái đầu”. Xem tại: http://www.vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/khach-moi-cua-tap-chi45/giao-su-cao-huy-thuan-tra-cai-dau-lai-cho-cai-dau

[4]: “Cải cách giáo dục vì một nền giáo dục hiện đại”.  Xem tại: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/cai_cach_vi_nen_giao_duc_hien_dai.html

[5]: “Con người tự do hay con người công cụ?”. Xem tại: http://tuoitre.vn/con-nguoi-tu-do-hay-con-nguoi-cong-cu-575369.htm

[6]: “Nhà văn Nguyên Ngọc nói về văn hóa và giáo dục”. Xem tại:

http://vietnam.ucanews.com/2012/09/06/nha-van-nguyen-ng%E1%BB%8Dc-noi-v%E1%BB%81-van-hoa-va-giao-d%E1%BB%A5c-2/

[7]: “Chuyện nghề của Thủy”. Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2016.

[8]: “Mục đích của chúng tôi là thấy được một tâm hồn Việt ở từng tế bào xã hội”. Xem tại:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Muc-dich-cua-chung-toi-la-thay-duoc-mot-tam-hon-Viet-o-tung-te-bao-xa-hoi-post179588.gd

Nguyễn Trọng Bình