Việc công nhận hơn 1.200 người đạt chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư năm 2017 đang bị xã hội đặt nhiều câu hỏi cả về chất lượng người được công nhận lẫn tính minh bạch của Hội đồng chức danh ba cấp (cơ sở, liên ngành, nhà nước).
Liệu có sự nhập nhèm nào đó trong đợt xét chức danh này khiến dư luận bức xúc như vậy?
Bài viết này chỉ đề cập đến hoạt động của các Hội đồng chức danh và khía cạnh pháp luật.
Khoản 1 điều 70 Luật Giáo dục 2005 quy định: “Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác”.
Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học. (Ảnh minh hoạ: Vov.vn) |
Điều 71, Luật Giáo dục 2005 quy định tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư như sau:
“Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học.
Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”.
Như vậy nhà giáo nói chung và phó giáo sư, giáo sư nói riêng bắt buộc phải tuân thủ hai điều kiện sau:
Thứ nhất: Người muốn được công nhận là “nhà giáo” thì phải đang “giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác”.
Thứ hai: Người muốn được công nhận là giáo sư, phó giáo sư trước hết phải là “nhà giáo” và phải “đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học”.
94 hồ sơ có phản ánh chưa đảm bảo tiêu chí xét giáo sư, phó giáo sư |
Hai cụm từ “nhà giáo” và “đang giảng dạy” không chỉ bị “quên” mà còn có sự nhập nhèm khi phong tặng danh hiệu, đặc biệt là phong chức danh phó giáo sư, giáo sư.
Một số người không hề bước chân đến giảng đường các trường cao đẳng, đại học, nếu họ chỉ tham gia hướng dẫn học viên cao học hoặc nghiên cứu sinh tiến sĩ thì có phải là “đang giảng dạy” tại một cơ sở giáo dục đại học?
Không trả lời được câu hỏi này thì sự nhập nhèm vẫn không bị loại bỏ và những người như vậy vẫn không có gì phải áy náy khi họ cho rằng mình đủ tiêu chuẩn là “nhà giáo”.
Vậy những ai đủ điều kiện được công nhận là nhà giáo?
Điều 77, Luật Giáo dục 2005 quy định một người “đạt trình độ chuẩn của nhà giáo” khi thỏa mãn hai tiêu chí sau:
1. Tốt nghiệp một trường sư phạm (trung cấp, cao đẳng, đại học);
2. Nếu không tốt nghiệp một trường thuộc hệ thống trường sư phạm thì phải có “chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.
Với trình độ “chuẩn nhà giáo” đó nếu không được tuyển vào làm việc tại một cơ sở giáo dục thì vẫn không phải là nhà giáo.
Nói một cách tổng quát, để được công nhận là “nhà giáo” thì ứng viên phải đạt các quy định về “nhà giáo” nêu trong ba đạo luật: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và đương nhiên phải được tiếp nhận vào làm việc tại cơ sở giáo dục (theo Luật Viên chức).
Nhà giáo là “Viên chức” chứ không phải “Công chức” (điều chỉnh bởi Luật Cán bộ, công chức).
Lãnh đạo các cơ sở giáo dục là công chức vì họ được cấp trên bổ nhiệm chứ không phải ký hợp đồng lao động, nói chính xác họ thuộc đội ngũ “quản lý giáo dục” nhưng vì có quy định họ phải tham gia tí chút vào hoạt động giảng dạy nên vẫn được gọi là “nhà giáo”.
Vậy có vài câu hỏi xin gửi tới ông Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng chức danh nhà nước về 1.226 người vừa được công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư:
1. Có bao nhiêu người không phải là “nhà giáo” theo quy định của pháp luật?
2. Có bao nhiêu người không “đang giảng dạy” tại một sơ sở giáo dục đại học?
3. Có bao nhiêu người không tốt nghiệp trường sư phạm và cũng không có “chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm”?
4. Có bao nhiêu người yếu kém về ngoại ngữ và kiến thức công nghệ thông tin?
Nếu không trả lời được bốn câu hỏi này, nếu chỉ căn cứ vào số lượng bài báo và công trình khoa học thì Hội đồng chức danh nhà nước đã làm tròn trách nhiệm được nhà nước giao phó, đã thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật?
Có thể có biện luận, rằng “đạt chuẩn” phó giáo sư/giáo sư không có nghĩa là mặc nhiên được cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm làm phó giáo sư/giáo sư.
Người có tên trong danh sách chuẩn giáo sư chưa phải là giáo sư |
Vấn đề không phải như vậy.
Đạt chuẩn phó giáo sư/giáo sư nghĩa là phải thỏa mãn các quy định luật pháp về học hàm này, cụ thể phải là nhà giáo, phải đang giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học.
Luật pháp tuy chưa hoàn thiện, tuy vẫn còn kẽ hở để có thể lợi dụng song không vì thế mà cứ nhập nhèm như hiện tại.
Để rà soát lại theo yêu cầu của Thủ tướng, trước hết cần rà soát theo hướng những ai không tốt nghiệp trường sư phạm, không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì chắc chắn không phải là “nhà giáo”, một khi không phải là “nhà giáo” thì không thể được công nhận đạt chuẩn phó giáo sư, giáo sư.
Để tránh tình trạng nhập nhèm giữa “nhà giáo” và người không phải là “nhà giáo” dẫn tới sự nhập nhèm tiếp về học hàm, có hai việc mà ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên lưu tâm:
Thứ nhất, đề xuất với Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo;
Thứ hai, đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề dạy học.
Hai đề xuất nêu trên nếu được chấp thuận sẽ loại trừ trường hợp “nhận vơ” là nhà giáo và nhờ thế sẽ không có chuyện phong “nhầm” chức danh cho người “khác chuẩn”.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong số 1.226 người được xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017, có 94 người bị phản ánh là chưa đủ điều kiện như còn thiếu giờ giảng, thiếu nghiên cứu khoa học...
Rõ ràng là những người chịu trách nhiệm “rà soát” đang chú tâm đến phần ngọn tức là giờ giảng, nghiên cứu khoa học,… mà không quan tâm đến phần gốc tức là chỉ có nhà giáo mới được phong hàm phó giáo sư, giáo sư.
Người Việt có truyền thống tôn sư trọng đạo “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (dạy một chữ hay nửa chữ cũng là thày) nên những người hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh (trình độ tiến sĩ) dù không giảng dạy trong cơ sở giáo dục vẫn được gọi là Thày.
Tuy vậy, theo quy định trong các văn bản chính thức, họ được gọi là “Người hướng dẫn khoa học” chứ không phải là “Thày hướng dẫn”.
Họ là “nhà giáo” trên thực tế nhưng không phải là “nhà giáo” theo quy định của pháp luật.
Người viết tuyệt đối không có ý đánh giá thấp trình độ, năng lực và nhân cách những nhà khoa học không phải là nhà giáo, họ hoàn toàn có đủ tư cách là giáo sư, phó giáo sư nếu trực tiếp giảng dạy trong nhà trường.
Tuy nhiên khi luật pháp là tối thượng, khi chưa sửa luật thì tiêu chuẩn vẫn là tiêu chuẩn mà người có trách nhiệm không thể bỏ qua dù với bất kỳ lý do gì.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, “người hướng dẫn khoa học” không nhất thiết phải là nhà giáo, không nhất thiết phải đang giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học.
Phải chăng vì có sự “hiểu lầm” nào đó mà người ta xem việc hướng dẫn học viên/nghiên cứu sinh cũng tương đương với việc “đang giảng dạy” tại một cơ sở giáo dục khiến đối tượng này được coi là “nhà giáo”, thỏa mãn tiêu chuẩn quy định trong luật để được phong giáo sư, phó giáo sư?
Nếu chỉ đề cập đến khía cạnh pháp lý e rằng chưa đầy đủ, cần nói thêm về thói háo danh, thói sĩ diện của một bộ phận gọi là “trí thức” ngày nay.
Những người ấy (số lượng chắc không nhỏ) cố lấy cái danh giáo sư (phó giáo sư) để làm gì?
Trước mắt là được nhà nước vinh danh nơi công cộng mà thường là Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Để có quyền “dạy bảo” người “chưa giáo sư” kể cả khi kiến thức chuyên môn không hơn họ.
Để suốt đời là giáo sư, về hưu vẫn là giáo sư, chết vẫn là giáo sư, để gia phả lưu hậu thế tự hào dòng tộc mình “nhiều giáo sư lắm”?
Và cuối cùng, để tăng nguồn thu dù thực ra thu nhập từ nguồn “chính ngạch” là không đáng kể.
Sau những xì xào về “tiến sĩ rởm” giờ lại đến “giáo sư rởm”, báo Tienphong.vn viết: “Chuyện chỉ có ở Việt Nam: Giáo sư “rởm” xét duyệt ứng viên giáo sư “thật”. [1]
Bài báo viết: “Giáo sư, phó giáo sư được bổ nhiệm nhưng chỉ 30% có thể đạt chuẩn quốc tế (theo Giáo sư Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước).
Thực tế nếu tính chuẩn giáo sư, phó giáo sư quốc tế phải có 50-100 công bố trên tạp chí thuộc danh sách ISI thì còn ít hơn nhiều”.
Nếu tham nhũng là những “bầy sâu” đục khoét ngân sách nhà nước, móc túi người dân, làm băng hoại đạo đức xã hội thì những “tiến sĩ rởm”, “giáo sư rởm” ấy đục khoét cái gì?
Phải chăng “bầy sâu” ấy đang nghiến ngấu trí tuệ và niềm tin của người Việt để thải ra thói háo danh làm lụn bại cả nền văn hóa?
Nước Việt và người Việt có cần nhiều “đồ rởm” như vậy?
Tài liệu tham khảo: