Chỉ cần vài giây vào google, không khó để tìm thấy đủ loại kỷ lục ở Việt Nam, từ chiếc bánh chưng kỷ lục, chai rượu kỷ lục, bát mỳ quảng kỷ lục, rồi đến thư pháp truyện Kiều kỷ lục… hết dài nhất, to nhất rồi đến nặng nhất.
Một số kỷ lục về món ăn to ở Việt Nam * Ngày 3/3/2010: một chiếc bánh giầy đã được công nhận là kỷ lục Việt Nam với chiều cao 70cm, đường kính 2,01m, trọng lượng 2.010kg và chi phí hoàn thành khoảng 200 triệu đồng. * Ngày 11/2/2015: Tô hủ tiếu lớn nhất VN chính thức được xác lập tại Hội hoa xuân Thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp), có đường kính 150cm, sâu 70cm. Sau khi xác lập kỷ lục, tô hủ tiếu đã phải đổ đi vì ôi thiu. Cũng trong khuôn khổ hội chợ, một đòn bánh... phồng tôm dài 2,2m, nặng 160kg cũng được xác lập kỷ lục... to nhất. * Ngày 20/2/2015: Đòn bánh tét kỷ lục được 20 nhân viên gói bánh và khoảng 100 nhân viên rước bánh, đặt bánh vào nồi. Bánh có chiều dài 40m, đường kính 0,2m, nặng 875kg. Đây là chiếc bánh được một khách sạn tại Nha Trang làm. * Ngày 28/3/2015: tại Thành phố Hồ Chí Minh có đĩa cơm tấm lớn nhất Việt Nam với đường kính 2,5m, được 25 đầu bếp chế biến trong khoảng thời gian hai giờ. |
Một thời, người ta nhắc đến những kỷ lục đó với sự vui vẻ, tự hào. Truyền thông trong nước cũng tung hô những kỷ lục ấy như những thành tựu kỳ vĩ.
Sau đó, người người, nhà nhà, nhiều công ty đua nhau lập kỷ lục. Đủ các thứ kỷ lục đã ra đời!
Đúng 10 năm trước, năm 2008, một cặp bánh chưng, bánh giầy khủng được dự kiến dâng lên vua Hùng.
Bánh nặng 3 tấn, với chiều dài gần 2 mét, cao hơn 1 mét. Bà con đã từng háo hức chờ thụ lộc. (1)
Thế nhưng, đáng buồn là trải qua quãng đường dài từ Thành phố Hồ Chí Minh ra đền Hùng, cặp bánh đều bị hỏng, lên men và ôi thiu.
Cũng từ năm 2008 đến nay, đủ các loại bánh kỷ lục được dâng lên tổ tiên như bánh giầy nặng cả tạ, bánh trưng cả tấn, rượu cả khối…
Phần lớn trong số đó đã bị hỏng khi cúng tiến. Bánh giầy thì ôi thiu, bánh trưng thì lên men không thể sử dụng được.
Thậm chí, năm 2015, tô hủ tiếu kỷ lục tại Đồng Tháp đã khiến 1000 thực khách khóc dở mếu dở vì nguyên liệu trương phềnh không thể ăn nổi.
Nhìn cái bánh trưng thì nhem nhuốc lôi thôi, chai rượu dâng lên đền Hùng thì to quá khổ không đưa được vào đền…
Không biết rồi đây sau những khóc dở, mếu dở vì những "kỷ lục giời ơi đất hỡi" thì người ta vẫn còn cố chạy theo những kỷ lục nào nữa? Những ý tưởng kỷ lục này đang để lại dấu hỏi lớn trong dư luận về mục đích thực sự của những người tạo ra kỷ lục.
Và điều đáng buồn là lễ vật quá lớn dù có ngon nhưng khi tiến cúng lên các bậc tổ tiên đã bị hỏng thì lại trở thành xúc phạm và vô cùng lãng phí.
Mục đích thật sự của những kỷ lục này là gì? (Nguồn ảnh: tuổi trẻ, VTC, Vietnamnet, Vnexpress) |
Một thời gian sau, tưởng chừng như người ta chán ngấy mấy cái kỷ lục nhảm nhí này rồi thì đầu Xuân Mậu Tuất, Thành phố Sầm Sơn bỗng đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho phép dâng bánh giầy nặng 3 tấn tại Đền Hùng. (2)
Bày tỏ về việc làm chiếc bánh giầy này, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói rằng: "Tôi tin rằng, tổ tiên chẳng ai thích trò này cả. Nếu làm rất nhiều bánh giầy nhỏ chia cho những người nghèo hoặc các em học sinh đang thiếu ăn ở vùng sâu - vùng xa có khi tổ tiên lại phù hộ cho". (3)
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - bà Trịnh Thị Thủy cũng đã lên tiếng rằng, làm chiếc bánh giày3 tấn là mang nặng tính hình thức và gây lãng phí.
Thế nhưng vẫn đang có một thứ tâm lý thích to, thích hoành tráng, thích khoe mẽ xuất hiện khắp nơi... để đánh bóng tên tuổi và còn nhiều mục đích khác.
Năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương đã sớm vào cuộc nhằm chấn chỉnh các hoạt động tổ chức, quản lý lễ hội; kiên quyết không để xảy ra những hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Muốn vào cửa Phật phải có hai chữ T? |
Thế nhưng, mùa lễ hội xuân Mậu Tuất mới đi qua được một nửa chặng đường đã xuất hiện không ít những hình ảnh lễ hội phản cảm.
Những ý tưởng kỷ lục kỳ cục lại rục rịch xuất hiện. Đây là những điều rất nguy hại cho văn hóa truyền thống.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, các thách thức khốc liệt và uy hiếp nặng nề, thâm hiểm nhất đã được vượt qua là vì văn hoá, nhờ văn hoá.
Một trong những nơi lưu giữ văn hóa tốt nhất và bền vững nhất đó chính là trong không gian lễ hội.
Sẽ là có lỗi với tiền nhân và ảnh hưởng xấu tới các thế hệ trẻ khi để những thứ kỷ lục nhảm nhí xuất hiện mà núp sau đó là ý đồ đánh bóng tên tuổi đang len lỏi vào đời sống văn hóa của người Việt.
Có thể thấy, những kỷ lục được xuất hiện hầu hết chỉ là về số lượng, to nhất, lớn nhất, dài nhất... trong khi cái cần phải là những kỷ lục về chất lượng.
Tạo lập kỷ lục là ước mơ không có gì đáng chê trách cả, nó là khát vọng để người ta không ngừng nỗ lực vượt lên người khác và vượt lên cả chính mình.
Thế nhưng, trước khi vượt lên người khác cũng cần phải thắng chính mình đã bởi chúng ta còn nhiều kỷ lục khác chưa được khắc phục.
Theo thống kê không chính thức của giới truyền thông, mỗi năm nhân dân đốt tới 5000 tỷ đồng vàng mã. Thực hư về độ chính xác của con số này chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, xác thực.
Tuy nhiên lượng vàng mã mà người dân đốt trong các dịp hành lễ đền, chùa hay các dịp lễ vu lan là vô cùng lớn.
Đây là kỷ lục đốt tiền theo đúng nghĩa đen của người Việt.
Thượng tọa Thích Nhật Từ - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo - nêu quan điểm trên Infonet ngày 24/2 rằng: “…Số tiền mà người dân mua vàng mã mang vào chùa đốt có thể nuôi được hàng triệu người Việt nghèo khó...". (4)
Và một kỷ lục khác khiến nhiều người phải giật mình khi nhắc đến kỷ lục về sự “lắm quan” khi trong bộ máy hành chính hiện tại chỉ một bộ thôi mà số cán bộ trưởng, phó phòng và tương đương đã lên tới hơn 9.100 người. (5)
Chúng ta tinh giản biên chế mà càng tinh giản, càng phình. Sửa sai thì sợi dây kinh nghiệm càng rút càng dài.
Và năm Đinh Dậu 2017, cụm từ “đúng quy trình” có lẽ cũng đã được nhắc đi nhắc lại đến mức… “kỷ lục”. Hàng loạt cán bộ được bổ nhiệm núp bóng quy trình, nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc thì lại lòi ra rất nhiều sai phạm. Nhiều người đã bị kỷ luật, bị cách chức, thậm chí đã bị đề nghị xóa tư cách đảng viên.
Rồi có cả chuyện háo danh, lợi dụng bằng cấp (dởm) để làm đẹp hồ sơ cán bộ, Có những trường hợp chỉ học vài tháng, cho tới một, hai năm đã có bằng tiến sĩ. Thậm chí có cả những cán bộ kê khai trình độ tiến sĩ học từ xa vào hồ sơ cán bộ của mình, dù bằng cấp ấy không được công nhận ở Việt Nam.
Vào những ngày đầu năm 2018, số lượng Giáo sư, Phó Giáo Sư cũng tăng kỷ lục 60% so với năm 2017 khiến nhiều người lo ngại. (5)
Đó là những kỷ lục còn tồn tại mà chúng ta cần vượt qua chứ không phải thứ kỷ lục "to, nặng, dài" nhảm nhí kia.
* Tài liệu tham khảo
1. http://vtv.vn/chuyen-dong-24h/lang-phi-sau-nhung-ky-luc-20180301193115267.htm
5. http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=49586&print=true