LTS: Thực tế cho thấy không phải học sinh nào cũng học giỏi và yêu thích việc học.
Thầy giáo Thiên Ấn cho rằng nếu học sinh nào nhận thấy bản thân không đủ sức theo học phổ thông thì có thể lựa chọn học nghề phù hợp với mình để nuôi sống bản thân.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Từ đầu năm học, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã giao chỉ tiêu, số lượng học sinh được phép tuyển sinh vào lớp 10 cho tất cả trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Các cấp quản lý giáo dục tiếp tục chú trọng đến công tác phân luồng đối với học sinh tốt nghiệp xong bậc trung học cơ sở để đảm bảo tỉ lệ 70-80% học sinh được học tiếp lên bậc trung học phổ thông, 20-30% học sinh chuyển sang học các trường nghề…
Năm nay, hai thành phố lớn nhất của cả nước, Hà Nội và Hồ Chí Minh tiếp tục có số lượng học sinh đăng ký và tham gia dự tuyển sinh vào lớp 10 đông nhất.
Hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh trước thềm mùa tuyển sinh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Tính chất phân loại và cạnh tranh ở các trường trung học phổ thông công lập, trường điểm, trường chất lượng cao vẫn căng thẳng và đầy áp lực.
Còn ở các địa phương, tỉnh, thành phố khác, công tác tuyển sinh vào lớp 10 đã đi vào ổn định, ít có những biến động lớn.
Nhiều địa phương, số lượng học sinh lớp 9 có giảm (do chính sách dân số, di dân cơ học), cơ hội trúng tuyển vào các trường công lập của mọi đối tượng học sinh là khá cao, thậm chí có trường không tuyển đủ học sinh lớp 10 theo chỉ tiêu được giao.
Do đó, áp lực học tập, ôn luyện và thi cử chỉ diễn ra ở một bộ phận học sinh có nguyện vọng trúng tuyển và học tại các trường thuộc tốp đầu, trường chuyên ở các địa phương mà thôi.
Các nhà trường trung học cơ sở, nơi có tổ chức thi vào lớp 10 đã lên kế hoạch tăng tiết, kết thúc chương trình sớm, thêm thời gian củng cố, ôn tập cho học sinh lớp 9 theo quy định, hướng dẫn của Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Các em học sinh lớp 9 thuộc diện thi tuyển lẫn xét tuyển đều phấn khởi, hăm hở, đón chào ngôi trường mới với cấp học mới, trung học phổ thông trong ngày tựu trường, khai giảng năm học.
Nhưng, vì nội dung, chương trình cũng như cách đánh giá, ghi điểm của các thầy cô giáo trung học phổ thông có phần khó, chặt chẽ hơn so với cấp trung học cơ sở nên một số học sinh đuối sức, theo không nổi, dẫn đến tình trạng chán nản, học hành sa sút, kết quả học kỳ xếp loại yếu, kém về học lực.
Dọc đường và nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán khi đi học trở lại, một số học sinh ấy “rơi rụng” dần, nghỉ học luôn.
Buộc các nhà trường, thầy cô phải vất vả, gian nan trong công tác vận động, thuyết phục các em đi học lại.
Có em tiếp tục “bơi”..., có em nghỉ học đi làm, đi học nghề...
Chị Linh, một phụ huynh ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), có một đứa con chỉ học xong lớp 9, rồi đi học trường nghề ở Dung Quất và đã có công ăn, việc làm tại khu công nghiệp cho biết:
"Mới đầu, nghe cháu nói, học xong lớp 9 con sẽ đi học nghề, chứ không học tiếp lên lớp 10, vợ chồng tôi thấy buồn thật, vì con em mọi người, xung quanh đây đều học lên trung học phổ thông cả, còn con mình thì…
Nhưng một lần khác, cháu lại tâm sự, thưa với ba mẹ, con học chữ không có được, mấy năm nay con cố lắm rồi.
Lên cấp 3, lại học tệ nữa, bị thi lại, ở lại lớp, con vừa xấu hổ với bạn bè vừa làm cho ba mẹ phải thất vọng, ba mẹ hãy cho phép con được chọn lựa.
Vợ chồng tôi đành chấp nhận và không ngờ sự lựa chọn của cháu ngày ấy lại là vô cùng đúng đắn, sáng suốt.
Vừa ra trường, cháu có việc làm ngay, mỗi tháng lương được 4,5-5 triệu đồng, vợ chồng tôi đỡ phải lo lắng…”
Thầy Trưng, tổ trưởng bộ môn Hóa học của một trường trung học phổ thông thuộc tỉnh ĐăkLăk phân tích:
"Số em bỏ học giữa chừng thì có nhiều lý do, trong đó chán học vì học yếu kém vẫn là nguyên nhân chính và chiếm số lượng khá cao ở các trường trung học phổ thông hiện nay.
Các cấp quản lý, các nhà trường, giáo viên dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn, tác động, níu kéo số học sinh này đi học trở lại.
Đấy là trách nhiệm của chúng ta phải làm đối với con em nhân dân.
Song chúng ta cũng nên chấp nhận một thực tế rằng, chẳng phải tất cả học sinh đều ham học, học được, học khá giỏi, có một số, một bộ phận học sinh ở mọi cấp học, nhất là trung học phổ thông thật sự học không nổi, thì hà cớ gì chúng ta lại cố níu giữ các em ấy.
Định hướng, khuyên bảo các em đi học nghề, học thợ có phải tốt hơn không.”
Là một cán bộ quản lý, tôi cũng rất đồng tình với quan điểm, đề xuất trên của thầy Trưng.
Mới đây, theo Bản tin cập nhật thị trường lao động được Viện Khoa học-Lao động và Xã hội công bố, trong quý 3/2017, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 237.000 người, tăng 53.900 người so với quý 2.
Nếu không đậu lớp 10 công lập, học sinh có thể đi học nghề hoặc trung cấp |
Nhóm trình độ cao đẳng cũng có tỷ lệ thất nghiệp cao với 4,88% so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước chỉ 2,21%.
Rõ ràng trong thời hiện tại và nhiều năm tới nữa, tình trạng thất nghiệp ở nước ta vẫn đáng lo ngại, tiếp tục gia tăng, nhất là nguồn nhân lực có trình độ đại học trở lên.
Còn lực lượng lao động, công nhân, thợ lành nghề ở nhiều lĩnh vực lại đang thiếu hụt.
Để giải quyết nghịch lý này, vậy thì, các cấp quản lý giáo dục, địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác phân luồng ngay từ khi các em học xong trung học cơ sở.
Tỉ lệ, số lượng học sinh học lên trung học phổ thông cắt giảm thêm; tăng tỉ lệ, số lượng học sinh đi học nghề, trung cấp nghề lên.
Tiết kiệm được nguồn kinh phí đầu tư không nhỏ của nhà nước và phụ huynh khi học 3 năm ở bậc trung học phổ thông.
Số học sinh học yếu kém, học không nổi, có thể phân loại, định hướng ngay trong năm lớp 9, để học xong lớp 9 là các em đến các cơ sở đào tạo nghề, trang trại học và tìm kiếm việc làm.
Chắc chắn các bậc phụ huynh và nhà trường, thầy cô giáo trung học phổ thông sẽ đỡ lo lắng và vất vả về diện học sinh ấy.