Con chọn nghề để học, cha mẹ nên can thiệp đến đâu?

02/03/2018 06:38
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Cha mẹ cần biết cách dung hòa giữa ước mơ nghề nghiệp của con và sự kỳ vọng của gia đình, cũng như biết chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống cùng với con...

LTS: Vai trò của cha mẹ trong việc định hướng bậc học và nghề nghiệp cho con cái là vô cùng cần thiết. Nhưng, làm sao để định hướng một cách phù hợp, đúng đắn, tránh tình trạng áp đặt và bắt buộc con đi theo “lộ trình” là một việc làm hết sức quan trọng.

Chia sẻ trước vấn đề này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Nói về lựa chọn ngành nghề sắp tới, Công - một học sinh lớp 12, ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) là con em của đồng bào dân tộc thiểu số Cor, thuộc diện hộ nghèo, bối rối:

Em cũng không biết nữa, cha mẹ em mù chữ từ nhỏ, suốt ngày lao động trên nương, rẫy, chắc không giúp được gì.

Nhà trường, thầy cô giáo và bạn bè định hướng, đăng ký trường, ngành nào thì em sẽ tham gia xét tuyển trường, ngành đó thôi”.

Cô Thành, một cán bộ quản lý giáo dục ở huyện Ba Tơ, cho biết, nhiều em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số Hơ- rê ở đây, khi nay ít có động lực học tập và thi cử, vì thấy các anh, chị đã tốt nghiệp các trường lớp trên tỉnh, thành phố lớn đã mấy năm rồi mà vẫn ở nhà chơi dài dài.

Con chọn nghề để học, cha mẹ nên can thiệp đến đâu? ảnh 1Các bạn trẻ, hãy chọn nghề như chọn… người tình

Có em thắc mắc hỏi tôi: “Cán bộ xã, huyện mình bây giờ dư thừa đầy, tụi em học trung học phổ thông, rồi ngành nghề này, nọ, để làm gì nữa?”.

Tôi giải thích: “Các em đừng nghĩ đơn giản như vậy, học đâu chỉ để làm cán bộ địa phương mà học để có cái chữ, có kiến thức, có nghề nghiệp, làm công nhân, thợ lành nghề… ở các khu công nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh, trên đất nước này.

Chưa có việc, tự bản thân mình phải tự thân vận động chứ”, nhiều em có phần ngộ ra những điều tôi chia sẻ.

Trung, học sinh lớp 12 ở thành phố có cha mẹ là giáo viên, cán bộ nhà nước, là chỗ quen biết từng than vãn với tôi:

“Cháu mệt mỏi cho cha mẹ cháu lắm. Lúc nào cũng bảo cháu phải học các môn khối này, đăng ký vào ngành nghề kia để dễ xin việc làm và có tiền bạc về sau.

Nhưng, cháu lại không thích học khối đó, ngành nghề ấy với lại sức học của cháu rất bình thường.

Hôm nọ, cháu thổ lộ nguyện vọng, sở thích của mình với cha mẹ khi học xong lớp 12 sẽ đi học nghề cắt tóc và xăm hình nghệ thuật.

Nghe chưa hết lời, cha mẹ cháu cắt ngang, nét mặt vô cùng giận dữ, la mắng cháu rất nhiều "sao mày ngu thế, ai lại đi học cắt tóc, xăm hình nghệ thuật…".

Cháu thấy trên khuôn mặt cha mẹ cháu, mấy ngày hôm sau vẫn chưa hết nỗi buồn, hết sốc vì nguyện vọng của con hoàn toàn khác với kỳ vọng của cha mẹ.

Thời gian đến, cháu sẽ tìm cách khác giải thích, tâm tư thêm để cha mẹ cháu hiểu, ủng hộ cho lựa chọn nghề nghiệp của cháu”. 

Định hướng lựa chọn nghề nghiệp (Ảnh đăng trên giaoduc.net.vn).
Định hướng lựa chọn nghề nghiệp (Ảnh đăng trên giaoduc.net.vn).

Mỗi lần gặp vợ chồng tôi, chị Nhung, con bác ruột của tôi lại ca cẩm, so sánh: “Linh, con gái đầu, thật ngoan ngoãn, bảo đâu nghe đó học xong lớp 12 trường chuyên, thi ngành kế toán của trường kinh tế.

Ra trường, 3 năm nay có công ăn việc làm ở Thành phố Hồ Chí Minh, đúng y như mong muốn của gia đình chị.

Còn thằng cu Cường, năm nay học lớp 12 nhưng học hành rõ chán. Con người ta thì học khá, giỏi các môn cơ bản nào là Toán, Văn, Anh, nào là Sinh, Lý, Hóa, đằng này nó lại học giỏi môn… Thể dục.

Thỉnh thoảng nó nhắc với anh chị rằng, con chỉ thích môn bóng rổ và sẽ đăng ký vào Trường đại học thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh”.

Lần nào, tôi cũng phải dùng nhiều lý lẽ và minh chứng để thuyết phục chị, làm cha mẹ đừng “can thiệp” quá sâu, hãy tôn trọng sự lựa chọn ngành nghề của con cái.

Con chọn nghề để học, cha mẹ nên can thiệp đến đâu? ảnh 3Đại học Hoa Sen chia sẻ kinh nghiệm hướng nghiệp với phụ huynh

Đam mê thể thao là tốt chứ sao, thời đại bây giờ khác xưa nhiều lắm, xem ra chị cũng nguôi nguôi phần nào nhưng trong lòng vẫn chưa hết buồn vì ý định “khác lạ” của cậu con trai.

Các chuyên gia tâm lý giáo dục đã hoàn toàn đúng khi cho rằng, cha mẹ cần biết cách dung hòa giữa ước mơ nghề nghiệp của con và sự kỳ vọng của gia đình, cũng như biết chia sẻ tâm tư, tình cảm và những vấn đề trong cuộc sống cùng con...

Tôi rất đồng tình với ý kiến của Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ trên báo Người Lao động:

Cha mẹ góp phần tác động tích cực đến nhận thức của con cái trong việc xây dựng định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên đóng vai trò là người đồng hành, hỗ trợ con trong việc xây dựng thái độ sống tích cực để khám phá phát triển bản thân chứ không nên quyết định thay ước mơ của chúng.

Chúng ta có quyền ước mơ về con mình nhưng cũng đừng quá viển vông, xa rời thực tế.

Nói chung, những mong muốn của cha mẹ phải phù hợp với sở trường, khả năng của con cái.

Ví dụ, con mình hát hay, muốn trở thành ca sĩ nhưng cha mẹ lại ép con vào học ngành bác sĩ thì không phù hợp nên sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về sau”, Tiến sĩ Hồng cảnh báo.

ĐỖ TẤN NGỌC