Muôn cách chạy trường điểm cho con, nhiều khi chỉ để cho...oai

09/03/2018 06:58
Phan Tuyết
(GDVN) - Trong số phụ huynh muốn con vào học trường điểm vẫn còn không ít phụ huynh chỉ đơn giản giải quyết “khâu oai” với mọi người còn thực tế ra sao thì không biết.

LTS: Cô giáo Phan Tuyết với hơn 20 năm kinh nghiệm dạy tiểu học, trong bài viết này đã có những chia sẻ về việc chạy trường cho con cái của các vị phụ huynh học sinh.

Theo đó, cô cho rằng, họ đã vận dụng mọi cách thức, mối quan hệ để có thể xin cho con em vào học tại các trường điểm, trường chuyên, lớp chọn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả  bài viết.

Như đã thành lệ, cứ sau dịp Tết Nguyên đán là phụ huynh có con em ở độ tuổi vào các lớp đầu cấp bậc tiểu học, trung học cơ sở lại bắt đầu rục rịch tìm cách chạy cho con vào học ngôi trường mình cho là tốt nhất. Thế là, một cuộc chạy đua ngấm ngầm đã bắt đầu nổ ra.

Các phụ huynh lại chuẩn bị mùa “chạy trường” cho con (Ảnh: sggp.org.vn).
Các phụ huynh lại chuẩn bị mùa “chạy trường” cho con (Ảnh: sggp.org.vn).

Muôn cách “chạy”

Có người nói vui “thời gian này chạy là chậm rồi. Không ít phụ huynh đã “đặt” chỗ cho con từ vài năm về trước.

Tưởng họ chỉ đùa vui nhưng qua tìm hiểu một ngôi trường điểm của thị xã được biết “nhà trường xét tuyển kèm theo hộ khẩu. Thế nhưng khá nhiều gia đình ở một nơi nhưng nhập khẩu ké cho con về địa bàn gần trường để tiện cho việc xét tuyển”.

Thế là, số lượng học sinh đủ điều kiện vào những nơi này luôn quá tải.

Để hạn chế lượng học sinh xin nhập học quá đông gây khó khăn cho việc tổ chức dạy học, nhà trường lại xiết yêu cầu chỉ tuyển học sinh có hộ khẩu thường trú trước đó 3 năm và có gia đình định cư ổn định”.

Thế mà cũng có khá nhiều em được “lọt lưới” do cha mẹ có sự chuẩn bị dài hơi như làm giấy khai sinh, nhập hộ khẩu từ khi lọt lòng.

Thậm chí, có gia đình sẵn sàng mua nhà tại địa phương rồi đóng cửa để đấy chờ con lớn lên.

Muôn cách chạy trường điểm cho con, nhiều khi chỉ để cho...oai ảnh 2Con vào lớp một đã phải "chạy", tâm sự cay đắng của một phụ huynh!

Lại có em chẳng biết bằng cách nào gia đình lại có đến 2 hộ khẩu. Một cái ở nơi cư trú, một hộ khẩu ở tại địa phương có trường điểm đóng.

Khác với những phụ huynh có sự chuẩn bị dài hơi như thế, một số phụ huynh khác lại tận dụng những mối quan hệ, để nhờ vả xin cho con mình được vào học.

Được thì không sao nhưng không xin được cũng bị mang đủ tai tiếng. Những lời thì thầm rỉ tai nhau mất chừng nọ chừng kia nhưng chẳng biết đâu mà kiểm chứng.

Lời đồn cứ truyền tai lan đi trước những ánh nhìn chẳng mấy thiện cảm của nhiều người về nghề giáo vốn trong sạch, liêm chính.

Khổ nhất cho ai bị chính người thân nhờ vả nhưng không xin được.

Họ lãnh tiếng “có người nhà (hoặc thân quen) làm trong nghề giáo dục mà khi cần chẳng nhờ vả được gì”. Hay “chắc chưa có gì nên mới thế…nhờ người dưng còn dễ hơn người nhà”…

Trường điểm có thật sự khác biệt về giảng dạy và giáo dục học sinh?

Là giáo viên trong nghề lâu năm, chúng tôi hiểu hơn ai hết việc “chạy trường” cho con là không cần thiết.

Nhưng với suy nghĩ “trường điểm”,“trường có tiếng” (Có thể tự phong hoặc gọi nhiều thành quen) thì con mình sẽ học giỏi, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người mà không dễ gì có thể thay đổi được.

Mọi người thường nói: “trường điểm”, “trường có tiếng” sẽ có nhiều thầy cô giỏi. Con mình được vào học ở những ngôi trường như thế sẽ giỏi hơn. Không thể phủ nhận, thầy giỏi mới có trò giỏi.

Nhưng những năm gần đây, tại thị xã nơi chúng tôi giảng dạy luôn thực hiện chính sách luân chuyển giáo viên hàng năm. Vì thế, tỉ lệ giáo viên dạy giỏi về các trường đã được cân đối khá đồng đều.

Ngay cả việc, trang bị các trang thiết bị hiện đại, phục vụ công tác dạy và học của các em như ti vi, đèn chiếu, bảng tương tác, dàn máy tính… cũng được đầu tư về các trường vùng xa, trường không mang danh trường điểm.

Muôn cách chạy trường điểm cho con, nhiều khi chỉ để cho...oai ảnh 3Học trường phố nghe oai hơn trường làng

Trường học nào cũng có thầy cô giỏi, tận tâm và nhiệt tình vì học sinh. Bên cạnh đó, dù được gọi là trường điểm cũng vẫn có một số thầy cô chưa thật sự dạy dỗ hết mình.

Nếu học ở những ngôi trường như thế, mà con cái chúng ta phải học với những thầy cô ít nhiệt tình và tận tâm, liệu các em học có giỏi hơn?

Phụ huynh nhiều người chỉ quan tâm đến danh hiệu của trường mà bỏ qua việc quan trọng hơn là vai trò của người thầy.

Trong số những phụ huynh thật sự muốn con vào học tại trường điểm vẫn còn không ít phụ huynh chỉ đơn giản giải quyết “khâu oai” với mọi người “con học trường điểm là giỏi hơn các trường khác” để thỏa mãn lòng tự hào, niềm hãnh diện còn thực tế ra sao thì không quan trọng lắm.

Điều kiện vật chất được đầu tư như nhau, trình độ giáo viên đồng đều, thì tại sao chúng ta cứ mất công chạy theo những nếp nghĩ cũ?

Để làm nên thành công trong việc dạy dỗ và giáo dục một đứa trẻ thì vai trò của người thầy, cùng với sự hỗ trợ, kết hợp của gia đình là quan trọng nhất.

Chừng nào phụ huynh hiểu được điều đó, thì các nhà quản lý giáo dục sẽ không bị áp lực vì nạn “chạy trường” như hiện nay.

Phan Tuyết