Tạp chí danh tiếng Forbes đã công bố danh sách tỷ phú thế giới. Năm nay, Việt Nam có 4 tỷ phú gồm: ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup với khối tài sản 4,3 tỷ USD, đứng thứ 499 thế giới;
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air có giá trị tài sản 3,1 tỷ USD; ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco với khối tài sản 1,8 tỷ USD; ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát, tài sản 1,3 tỷ USD.
Như vậy một lần nữa danh sách các tỷ phú trên thế giới do Forbes xếp hạng đã bỏ qua ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC.
Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi vì sao người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2017 lại không được Forbes đưa vào danh sách tỷ phú thế giới?
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/12/2017, tính theo lượng cổ phiếu được sở hữu trực tiếp bởi cá nhân, Chủ tịch Tập đoàn FLC - ông Trịnh Văn Quyết sở hữu khối tài sản vốn hóa đạt 58.851 tỷ đồng, tăng 25.045 tỷ đồng so với năm 2016.
Với khối tài sản trên, ông Trịnh Văn Quyết chính thức giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2017.
Theo số liệu cập nhật ngày 9/3/2018, hiện ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn của 3 công ty gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã: FLC) là 279.837.400 cổ phiếu (40,9%); Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros (mã: ROS): 318.514.630 cổ phần (67,3%); và Công ty cổ phần chứng khoán ARTEC (mã: ART) 2.630.000 cổ phiếu (8,4%).
Với số lượng cổ phiếu trên ước tính tổng quy mô tài sản vốn hóa của ông Trịnh Văn Quyết là trên 45 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD).
Trước đó, từ cuối tháng 10/2016, khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Tại thời điểm đó, nhiều người dự đoán Chủ tịch FLC sẽ được Forbes vinh danh vào đầu tháng 3/2017, nhưng ông Quyết đã bị bỏ qua, rồi liên tiếp những lần sau đó Forbes đều bỏ qua người đứng đầu FLC.
Tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết biến động khá thất thường và đây là nguyên nhân được nhiều chuyên gia cho rằng, Forbes chưa xếp hạng ông Quyết vào “top” những người giàu nhất thế giới.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị FLC - ông Trịnh Văn Quyết giàu nhất sàn chứng khoán Việt, nhưng chưa được Tạp chí Forbes xếp hạng tỷ phú thế giới năm 2018. Ảnh: FLC |
Vậy Tạp chí Forbes lấy tiêu chí xếp hạng tỷ phú thế giới như thế nào?
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng: Cách tính tài sản của Việt Nam và Tạp chí Forbes có khác nhau. Hiện cách tính đơn giản của người giàu Việt Nam là lấy giá trị thị trường của cổ phiếu niêm yết nhân với số cổ phiếu để tính ra giá trị tài sản.
Trong khi những tổ chức quốc tế như Forbes đánh giá tài sản của người giàu dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Không những xác định tài sản trên thị trường chứng khoán, mà họ xác minh cả tiền gửi tại ngân hàng, giá trị tài sản bất động sản và các tài sản khác để cả tài sản vô hình/trừu trượng, trừ đi các khoản nợ.
Họ có nhiều phương pháp kiểm tra tài sản “ròng” như lấy thông tin từ ngân hàng, các báo cáo thuế, phỏng vấn các đối tác thương mại, các cộng sự viên và sử dụng những nguồn thông tin bí mật.
Kinh doanh đa ngành, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm 1,9 tỷ USD |
Forbes cũng không công khai những nguồn thông tin mà họ sử dụng để xác định tài sản của các tỷ phú, mà họ chỉ đưa ra giá trị tài sản của các tỷ phú để xếp hạng.
Khi tính toán giá trị tài sản, Forbes hoán đổi tất cả ra USD.
Điều này cũng đúng với các tỷ phủ Việt Nam trong bảng xếp hạng của Forbes. Tài sản của các tỷ phú Việt Nam tính ra USD, nhưng không có nghĩa các tài sản này là tài sản bằng USD.
Đối với các tỷ phú Việt Nam có lẽ Forbes có thể đã tính tài sản dựa trên số lượng cổ phần nhân với giá trị cổ phiếu mà các tỷ phú Việt Nam sở hữu trên thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, thông tin về các tài sản khác của người giàu còn khó tiếp cận và kiểm chứng.
Không ít chuyên gia kinh tế, tài chính mà phóng viên tham vấn cũng chỉ ra, các tổ chức tài chính uy tín đánh giá tài sản trên sàn chứng khoán dựa trên nhiều tiêu chí.
Từ tính thanh khoản của cổ phiếu, lịch sử thanh khoản của cổ phiếu, tính ổn định và bền vững của doanh nghiệp, nợ nần của doanh nghiệp…
Giá của một cổ phiếu cao là một chuyện, mà việc chuyển cổ phiếu đó ra thành tiền là một chuyện khác. Trong đó, tiêu chí có thể bán nhanh chóng khi cần hay không là tiêu chí hàng đầu đối với một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.
Bởi vậy, với những cổ phiếu non trẻ mới lên sàn, giá cổ phiếu lên xuống thất thường thì có thể các tổ chức nước ngoài vẫn chỉ dừng lại ở mức độ quan sát.
Không những vậy, ở giai đoạn cuối năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết còn vướng vào tai tiếng bán chui cổ phiếu FLC - công bố một đằng (mua vào) nhưng làm một nẻo (bán ra).
Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết đã bán “chui” 57 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 9% vốn điều lệ của Tập đoàn FLC, diễn ra trong 3 ngày (20/10, 23/10, 24/10).
Đáng nói, cũng tại thời điểm này (ngày 23/10), ông Trịnh Văn Quyết lại tuyên bố mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC để nâng tỷ lệ sở hữu FLC từ 24,32% lên 30,12% trên tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Tập đoàn FLC.
Ngày 10/11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết vì bán chui 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh về việc dự kiến giao dịch.
Mức xử phạt mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước áp dụng đối với hành vi của ông Trịnh Văn Quyết là 65 triệu đồng.
Cùng ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phạt 130 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros, cũng với hành vi bán chui hơn 13,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (AMD) từ ngày 20 – 24/10/2017.
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Tài chính, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng cần xử lý hành vi này nghiêm khắc hơn.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, mức xử phạt đối với hành vi bán chui của ông Trịnh Văn Quyết và FLC Faros là quá nhẹ.
Đáng nói, mức xử phạt của Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã không buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp mà ông Trịnh Văn Quyết và FLC Faros có được do thực hiện hành vi vi phạm mà có đã gây bức xúc cho các nhà đầu tư chân chính.
Cũng theo Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam, việc bán “chui” lượng cổ phiếu lớn của ông Trịnh Văn Quyết và FLC Faros làm méo mó thị trường chứng khoán. Đó là hành vi thiếu trung thực để trục lợi.