LTS: Sự việc hàng trăm giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk bị đột ngột chấm dứt hợp đồng khiến nhiều người cảm thấy bức xúc.
Cho dù quyết định ấy giờ đã phải tạm dừng, cô giáo Phan Tuyết nói lên tiếng lòng của những giáo viên bỗng dưng mất việc nơi đây, đồng thời mong muốn có cách giải quyết tốt hơn cho họ.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hàng chục năm đứng lớp mang theo lời hứa của lãnh đạo “chờ ngày thi công chức” thì bỗng nhiên “một ngày đẹp trời” hơn 600 giáo viên hợp đồng huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk được tập hợp lại để nghe thông báo nghỉ việc với một lý do hết sức buồn cười “Học sinh giảm, lớp giảm nên phải cắt hợp đồng giáo viên dư thừa”.
Nhưng một số giáo viên nơi đây cho biết “dân số vẫn tăng, trường vẫn thêm lớp…”.
Các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng đến Uỷ ban nhân dân huyện Krông Păk để phản đối. (Ảnh: Báo Nhân dân) |
Những câu hỏi khắc khoải
Câu hỏi mà rất nhiều giáo viên đặt ra là: Nếu đã dư giáo viên rồi, tại sao lãnh đạo vẫn ký hợp đồng để cho những thầy cô đi dạy 5 năm, 10 năm bây giờ gọi họ xuống họp nhưng chỉ đọc quyết định chấm dứt hợp đồng và đi về không cho một ai có ý kiến?
Người kí quyết định biết thừa giáo viên mà vẫn kí. Vậy tại sao không bắt họ chịu trách nhiệm mà lại bắt giáo viên phải chịu trách nhiệm?
Để sai lầm của họ đổ lên đầu giáo viên như vậy sao được? Rồi đây hơn 600 con người đó biết làm gì khi họ đã bỏ cả tuổi xuân của mình vì sự sai lầm của ban lãnh đạo Uỷ ban nhân dân huyện và Phòng giáo dục huyện Krông Păk?
Những tiếng kêu cứu xé lòng của thầy cô, cả xã hội ơi cứu chúng em với! |
Khi kí quyết định tuyển dụng, lãnh đạo huyện đã nói chờ thi biên chế nhưng giờ chưa tổ chức thi tại sao lại đơn phương chấm dứt hợp đồng?
Vậy họ ký làm gì để cho giáo viên hi vọng? Để họ cống hiến hết tuổi thanh xuân của mình rồi giơ chân đá phăng ra?
Hay lại “thanh lý” lớp này để có cơ hội tuyển dụng thêm lớp khác vì mục đích không trong sáng?
Những thầy cô mất việc họ phải sống như thế nào khi không còn trẻ nữa? Khi cơ hội kiếm việc cho giáo viên luôn bị bó hẹp?
Con cái họ sẽ phải sống ra sao khi cha mẹ không có công ăn việc làm? Chẳng lẽ ngoài cách đuổi việc không còn cách gì giải quyết hợp tình, hợp lí hơn sao?
Những mảnh đời khốn khổ
600 giáo viên được kí hợp đồng, có những người đi dạy không lương, tháng được vài trăm, có người nhận hơn triệu bạc, người may mắn hơn được vài triệu nhưng thầy cô vẫn vui vẻ để hằng ngày, hằng giờ cần mẫn làm công việc trồng người.
Khó khăn không nề hà, gian nan không lùi bước, ngoài việc hết lòng với học sinh, những giáo viên hợp đồng này vẫn rèn luyện chuyên môn.
Nhiều người là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, là chiến sĩ thi đua, là lao động tiên tiến.
Họ phấn đấu không mệt mỏi vì một lời hứa của lãnh đạo để chờ ngày thi công chức nhưng mỏi mòn đợi rồi thất vọng chỉ trong một cái chớp mắt.
Một chữ kí kèm theo lời hứa đã níu giữ họ 10 năm. Nay cũng một chữ kí là xổ toẹt tất cả về con số không tròn trĩnh.
Có giáo viên ngày đi dạy, trưa, tối về làm đủ thứ nghề để có thể cùng gia đình tồn tại như làm rẫy, buôn bán nhỏ, bán báo hiểm…không ít gia đình cả hai vợ chồng đều mất việc, người chồng đi làm thợ đụng (ai kêu gì làm nấy), người vợ đi phụ việc nhà…vì nếu không làm “chỉ có nước cho con cái nghỉ việc và đi ăn mày”.
Có lẽ thương nhất là hoàn cảnh hai vợ chồng nhà giáo quê tận ngoài Thanh Hóa.
Một chữ ký của lãnh đạo, hơn 500 giáo viên nguy cơ ra đường, vì sao lại như thế? |
Tốt nghiệp sư phạm xong là những tháng ngày long đong xin việc trong vô vọng.
Được người quen mách nước, hai người bỏ quê vào nơi này lập nghiệp. Sau bao ngày chạy vạy, nhờ vả họ cũng có được cơ hội sẽ được kí hợp đồng.
Nhưng mức phí đưa ra khoảng 200 triệu đồng (thực hư chưa rõ vì chẳng có bằng chứng nào khẳng định họ nhận tiền).
Một con số khá lớn với nhà giáo lâu năm chứ nói gì đến những người đang chạy việc.
Thế nên đứng trước ranh giới được đứng trên bục giảng và thất nghiệp, hai vợ chồng vẫn bấm bụng đi vay mượn số tiền trên để lo chi phí.
Nhưng đi dạy rồi, với mức lương hàng tháng ăn còn không đủ chứ mong gì đến trả nợ.
Nay tiền nợ vẫn còn một cục, công việc lại không còn. Ngồi nghe đọc quyết định mất việc xong thì vợ chồng ôm mặt khóc.
Đứa con nhỏ ngây ngô không hiểu gì cứ bi bô hỏi “vì sao ba mẹ lại khóc? Ai đánh mẹ ạ?”
Nên có cách giải quyết hợp tình hơn
Chuyện tuyển dụng hơn 600 giáo viên ở huyện Krông Păk- Đắk Lắk đã được Thanh tra kết luận là do sai phạm ở 3 đời Chủ tịch huyện.
Và chính những người liên quan đến chuyện kí tuyển dụng cũng đã bị kỉ luật.
Lời thỉnh cầu đầu năm mới cho những giáo viên hợp đồng tại Hải Dương |
Thế nhưng chuyện kỉ luật của họ cũng chẳng thể xoa dịu nỗi đau mất việc, chẳng thể nào đền bù được những mất mát mà những thầy cô giáo ấy đang gánh chịu.
Ba cán bộ làm sai khi họ đang ở cương vị là người đứng đầu của một huyện nên không thể để hậu quả bắt từng giáo viên phải gánh.
Chính phòng giáo dục và huyện Krông Păk phải có trách nhiệm trong chuyện này.
Chúng tôi cho rằng, huyện Krông Păk cần tổ chức một cuộc thi công chức công khai, minh bạch.
Những người trúng tuyển sẽ được bố trí giảng dạy ở những nơi còn thiếu.
Số khác sẽ được đào tạo, bồi dưỡng để giảng dạy kĩ năng sống, một số môn theo chương trình mới như Âm nhạc, Tin học…
Bên cạnh đó, cần nới rộng tiêu chí cho giáo viên về tinh giản theo chế độ 108. Chẳng hạn, theo quy định các trường hợp tinh giản biên chế:
đ) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.
Lãnh đạo còn "cố ý sai lầm", nước mắt giáo viên sẽ còn phải rơi nữa! |
e) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 01 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.
Hiện vẫn có khá nhiều giáo viên muốn về theo chế độ này nhưng họ bị vướng ở những tiêu chí quy định trên.
Nay, nới rộng tiêu chí vừa tạo cơ hội cho giáo viên lớn tuổi được nghỉ ngơi còn tạo cho một số thầy cô giáo nơi đây thoát khỏi cảnh thất nghiệp mà lỗi không thuộc về phía họ.