Từ đánh bạc online đến mặt trái của giáo dục toàn cầu

13/03/2018 10:38
NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG
(GDVN) - Là một người học và nghiên cứu chuyên sâu về quốc tế hóa giáo dục, tôi xin khẳng định rõ tôi không phải là người chống lại toàn cầu hóa hay giáo dục toàn cầu.

LTS: Là một người nghiên cứu về quốc tế hóa giáo dục, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ những nguy cơ và mặt trái của giáo dục toàn cầu khi những thông tin cá nhân trên mạng internet được sử dụng vì mục đích không lành mạnh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thư ngỏ: Gửi những lãnh đạo Việt Nam, Thế giới và những con người còn lương tâm về: Giáo dục toàn cầu: những mặt trái khi chúng ta sử dụng giáo dục qua internet với số lượng lớn người học và bị lạm dụng cho những dịch vụ “đen”.

Là một người học và nghiên cứu chuyên sâu về quốc tế hóa giáo dục, tôi xin khẳng định rõ tôi không phải là người chống lại toàn cầu hóa hay giáo dục toàn cầu.

Bởi đơn giản, là giờ này, chúng ta chỉ còn tiếp tục hy vọng vào những mặt tích cực, những điều có thể phục vụ cho con người được thực sự coi trọng.

Tuy nhiên, trước khi nói đến điều tích cực, có lẽ những điều tiêu cực hay mặt trái của nó buộc chúng ta cần có trách nhiệm hơn nữa về những gì chúng ta đang và sẽ đối mặt với giáo dục toàn cầu.

Ngày hôm nay ở Việt Nam, cơ quan chức năng đã chính thức đưa tin về vụ việc đánh bạc xuyên quốc gia (bản chất là toàn cầu hóa!, mỉa mai thay), do một cán bộ chuyên trách thực hiện việc này ở một cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao [1]. 

Điều này buộc tôi phải lên tiếng cảnh báo, không phải chỉ trong vấn đề của đánh bạc, mà ở hầu hết các dịch vụ “đen” qua mạng hay sử dụng mạng như công cụ hỗ trợ, đều đang xảy ra trên quy mô toàn cầu, theo báo cáo của Diễn Đàn Kinh tế Thế giới 2017 [2]. 

Những trang web đen và giá trị thương mại, nguồn: Economist
Những trang web đen và giá trị thương mại, nguồn: Economist

Câu hỏi ở đây là liệu những dịch vụ đen ấy thì liên quan gì đến giáo dục toàn cầu hay mạng kết nối toàn cầu về giáo dục?

Xin được cho phép tôi kể một số quan sát từ những trải nghiệm thực tế của gia đình và bản thân từ 2014-2018 vừa qua, với hy vọng rằng có ai đó, những người lãnh đạo đất nước này, những người lãnh đạo thế giới này, sẽ thực sự phải xem xét và đánh giá lại rủi ro cho thế hệ tương lai:

1. Những thư điện tử chào mời đánh bạc đã được gửi đến email cá nhân tôi từ những năm 2016 hoặc sớm hơn, với xuất xứ từ một trang website của Anh, chuyên rao vặt.  

Điều đáng nói là tôi không có bất kỳ liên hệ hay giao dịch gì với bất kỳ tổ chức nào của Anh (trừ 1 tổ chức British Council). 

Vậy, ai đã bán email của tôi cho những dịch vụ “đen” đó? 

Khi rà soát lại hệ thống email và quan hệ cá nhân, tôi nhận ra, chỉ có trong danh sách các tư vấn giáo dục du học nước ngoài, tổ chức BEO ở Việt Nam, một hệ thống chi nhánh của một công ty tư vấn du học toàn cầu, thậm chí một chuyên gia cao cấp ở BEO là người chào chương trình tiếng Anh online Wall Street với tôi, có kết nối với giáo dục ở Anh và có thể xa hơn thế…

Từ đánh bạc online đến mặt trái của giáo dục toàn cầu ảnh 2Chúng ta đang là "vật tế thần" cho các hãng dịch vụ, công nghệ

Điều tôi nhắc đến ở đây không phải là để chỉ ra việc đó là do kết nối với BEO hay ai đó trong hệ thống liên hệ của cá nhân tôi.

Bởi thực tế hiện tại của Việt Nam hiện nay, thông tin cá nhân, bao gồm cả điện thoại và email được rao tặng công khai, thậm chí từ những tổ chức có uy tín, trong một tài liệu quảng bá chương trình tư vấn du học [3]. 

Câu hỏi là, ai chịu trách nhiệm về việc này? CHƯA THẤY AI CẢ.

2. Nghiêm trọng hơn thế, một ngày đẹp trời, tôi ngỡ ngàng nhìn thấy một trang website giới thiệu về dịch vụ sex online trong một thư của bạn con tôi gửi đường link đến, với tiêu đề “Phương pháp học gấp hình kiểu…”.  

Tại Mỹ, điều này được coi là vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư khi anh tự động gửi đến email cá nhân những quảng cáo như vậy, cho trẻ em dưới 18 tuổi, và vào thời điểm đó, cả bạn con tôi và con tôi đều là học sinh cấp 3 ở South Texas, Mỹ. 

Khi tôi hỏi chuyện con tôi, cháu bảo là nó không quan tâm đến những thứ đó, nên nó kệ bỏ qua.

Tôi có liên hệ với nhà trường để hỏi về việc này, họ có nói rằng việc gửi thư qua lại giữa các học sinh là chuyện của các học sinh, họ cũng không thể quản lý hết. 

Với thế hệ trẻ, dưới 18 tuổi (được hiểu là chưa đủ tuổi thành niên), những trang website được bao phủ bởi những tên và nội dung như vậy được gửi qua lại, ai quan tâm, ai chịu trách nhiệm?

KHÔNG AI CẢ, trừ những ai như tôi, buộc phải đi tìm hiểu và dặn con cài đặt chế độ lọc…(mà khổ nỗi, nếu gửi trực tiếp từ bạn bè, thì ai sẽ lọc tin?)

3. Với xu hướng toàn cầu hóa về thương mại kéo dài hơn 15 năm qua, cùng với công nghệ trong giáo dục và mạng xã hội ngày được mở rộng nhằm thu hút người dùng, chúng ta không thể phủ nhận những gì là tích cực của công nghệ, đặc biệt nhất là vấn đề kết nối.

Tuy nhiên, cá nhân tôi tin là không ai không biết những mặt trái, thậm chí phải gọi là mặt đen tối của cái gọi là hệ lụy từ công nghệ và kết nối.  

Lấy ví dụ, nước Mỹ phải trả giá rất lớn khi toàn bộ dữ liệu về nhân sự quốc gia bị hack [4], hay bầu cử dân chủ nhất thế giới bị “gây ảnh hưởng” bởi một nước khác do bởi sử dụng mạng xã hội, bởi chính các công ty Mỹ quản trị [5]. 

Từ đánh bạc online đến mặt trái của giáo dục toàn cầu ảnh 3Chúng ta đang không thể chỉ ra đâu là con đường cho giáo dục tương lai

Tôi rất tán đồng quan điểm mà Hillary Clinton nêu ra sau bầu cử, sự quan ngại sâu sắc về việc, xã hội Mỹ là xã hội mở, chúng ta xây dựng dựa trên nền tảng dân chủ và tin tưởng vào cá nhân con người, và chính vì thế, chúng ta đã bị lợi dụng bởi những kẻ dùng những thiết chế dân chủ để đánh cắp dữ liệu, gây chia rẽ và tạo ra những nghi ngờ về giá trị của dân chủ…[6].

Từ những ví dụ thực tế được trải nghiệm trên đây, và cùng với quan sát về kết nối dành cho giáo dục toàn cầu, với những mô hình như giáo dục online, giáo dục TNE… câu hỏi không phải là tôi đặt ra, mà do Chủ Tịch, CEO của Diễn Đàn Kinh tế Thế giới nêu ra vào tháng 1/2017 về việc:

1. Hệ thống chạy và cung cấp các mạng xã hội, họ có quyền sở hữu và mua bán thông tin cá nhân của những người dùng trên đó không? Nếu có thì là sao, và nếu không thì là sao?

2. Việc một ngân hàng, một báo chí hay một chương trình có kết nối với hàng triệu các nhà cung cấp khác, họ có quyền dùng thông tin của khách hàng để bán cho bên thứ 3 có liên kết với mình, nhằm thúc đẩy quảng cáo và chia sẻ dữ liệu khách hàng hay không?

Và thực tế là đã xảy ra việc này, vậy quyền của người tiêu dùng, quyền tự do cá nhân, quyền minh bạch thông tin cá nhân và quyền riêng tư khi người tiêu dùng không còn sự lựa chọn nào khác, sẽ được bảo vệ như thế nào?

3. Nói về giáo dục toàn cầu, kết nối toàn cầu, hệ thống thông tin học sinh sinh viên đã và đang trở thành một “món hàng” béo bở cho tất cả các dịch vụ cung ứng online, bao gồm cả trò chơi, dịch vụ đánh bạc hay thậm chí cả sex...và có lẽ còn nhiều nữa, đặc biệt là mua bán trẻ em và phụ nữ.  

Là một người nghiên cứu giáo dục, để vào đọc trang Lịch Sử Quân đội Mỹ và cựu chiến binh, tôi phải “vượt qua” 4 quảng cáo nhảy ra liên tục trước mặt.

Câu hỏi tôi rất muốn hỏi với quan chức chịu trách nhiệm về việc này ở Việt Nam cũng như thế giới (như Chủ Tịch WEF đã nêu ra), thông tin của 60 triệu tài khoản cá nhân của người dùng Việt Nam trên các mạng xã hội, các kênh internet truyền thông hay địa chỉ email, ai quản lý và ai chịu trách nhiệm, khi hacker có thể lấy toàn bộ chỉ trong một click?  

Nếu dữ liệu cá nhân là hàng hóa, tại sao không phải là người cá nhân đó là chủ thông tin và được quyền quyết định về việc họ có cho phép hay không cho phép ai đó khai thác thông tin của họ?

Mà giờ này, tất cả chúng ta trở thành vật cầm cố và thế chấp trong một thế giới internet, bởi không chỉ những thông tin chúng ta muốn nhận, mà từ những website và dịch vụ “đen” cũng có thể xâm nhập và gửi đến hàng giờ?  

Hơn thế nữa, trước khi có thể học được điều gì qua mạng, ai chịu trách nhiệm dạy và đảm bảo học sinh sinh viên ý thức rõ được việc họ đang đi vào một khu rừng rậm, mà nếu không cẩn thận, họ sẽ bị “cầm tù” với những website đen và dịch vụ bẩn?

Từ đánh bạc online đến mặt trái của giáo dục toàn cầu ảnh 4Loay hoay quốc tế giáo dục ở Việt Nam

Với tư cách của chính phủ, ai sẽ phải làm gì để đảm bảo giảm thiểu tối đa những hệ lụy có thể xảy ra cho con trẻ, vì có ai có thể liệt kê, liệu có bao nhiêu đứa trẻ vị thành niên đã tham gia đánh bạc xuyên biên giới vừa qua?  

Với hệ thống xuyên quốc gia như vậy, có nghĩa là có hệ thống để tìm kiếm và mời chào chơi đánh bạc cũng cấp độ toàn cầu, và điều gì xảy ra với con em chúng ta nếu những kẻ này đã nhìn đến các hệ thống email và thông tin cá nhân học sinh sinh viên được tích hợp, không chỉ ở Mỹ, mà trên toàn cầu.

Điều có lợi, có thể là có lợi, bởi trong giáo dục, còn rất nhiều điều phải bàn và phải dựa trên những đánh giá, khảo sát thực nghiệm trong một thời gian dài. 

Nhưng những điều bất lợi thì nó diễn ra ngay trước mắt chúng ta, với ngay chính chúng ta và con em chúng ta, hàng ngày và hàng giờ, và không có luật pháp nào, hệ thống nào, bảo vệ một quyền rất cơ bản – quyền con người, quyền được tự làm chủ bản thân và những gì gắn với mình…

Liệu điều này có đúng hay không, khi chúng ta mải chạy đi lấy thêm dữ liệu, lấy thêm số lượng người kết nối toàn cầu, và để rồi, con cháu chúng ta trở thành thị trường online cho các dịch vụ bẩn, mà có khi được cung ứng bởi những tập đoàn, hay những cá nhân có sức mạnh, về cả tài chính, và quyền lực chính trị?

Hay ít nhất bị buộc phải xem quảng cáo liên tục online?

Tại sao trẻ em lại phải gánh chịu điều chúng không mong đợi: thông tin dữ liệu cá nhân của chúng được bán?

Tại sao chúng ta phải trở thành nạn nhân của những kẻ bán buôn “dịch vụ” (đen và xám) online khi chúng ta không hề quan tâm hoặc không mong đợi?

Câu hỏi tôi muốn hỏi với tư cách của nạn nhân [7]: Luật pháp nào, ai bảo vệ chúng ta, như một con người, trong hệ thống internet toàn cầu này?

Và nếu chưa có câu trả lời đầy đủ và giải pháp thích hợp, liệu chúng ta có nên đẩy nhanh tốc độ toàn cầu hóa trong giáo dục, với ý nghĩa là thu hút nhiều hơn nữa những người sử dụng mạng xã hội hay tài khoản kết nối hay chúng ta nên có giải pháp nào hiệu quả hơn, để bảo vệ học sinh sinh viên và hệ thống dữ liệu cá nhân cho tương lai của chúng?

Trước khi tìm ra bất kỳ giải pháp nào, tôi rất mong TẤT CẢ các bạn, dù là ở vai trò nào, học sinh sinh viên, giáo viên, cha mẹ hay bất kỳ ai trong xã hội, mà có kết nối với internet hay có tài khoản, hãy có trách nhiệm nghiêm túc với mình, gia đình mình, học sinh của mình và trong kết nối/chia sẻ trên mạng, về những gì cần phải lưu tâm khi kết nối. 

Đấy là con dao hai lưỡi, mà nếu sơ ý dùng sai, nó có thể giết người!

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Mot-cuu-Tuong-cong-an-bi-khoi-to-bat-giam-vi-To-chuc-danh-bac-post184369.gd

[2] https://www.weforum.org/agenda/2017/01/internet-freedom-censorship-regulation

[3] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chung-ta-dang-la-vat-te-than-cho-cac-hang-dich-vu-cong-nghe-post180352.gd

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Office_of_Personnel_Management_data_breach; https://www.theguardian.com/technology/2015/jun/04/us-government-massive-data-breach-employee-records-security-clearances

[5] https://www.cfr.org/backgrounder/russia-trump-and-2016-us-election

[6] “Now, I want to throw this into the future because, you know, the reason I wrote this book was not only to tell people what I believe happened, to explain the best I could, but also to point out some things that we have to as a country take seriously in order to avoid what happened ever happening in the future….They were successful, and they're going to keep at everything they can to destabilize and undermine our democracy.” [https://www.npr.org/2017/09/12/549430064/transcript-hillary-clinton-s-full-interview-with-npr-s-rachel-martin]

[7] http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/thu-ngo-ve-bao-tro-cho-quyen-cong-dan-va-nhan-than.html; http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tien-da-lo-xong-dat-cam-roi-thu-cua-mot-Nha-nghien-cuu-gui-lanh-dao-toan-cau-post180057.gd

NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG