LTS: Xã hội ngày càng phát triển, các phương pháp giáo dục cũng được đổi mới hàng ngày. Vậy tương lai nào cho giáo dục trong thời đại thế giới “ảo”?
Với những quan sát của mình, nghiên cứu sinh về giáo dục Hoa Kỳ, Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ với bạn đọc một số thực trạng về việc phát triển giáo dục trên thế giới trong thời đại công nghệ 4.0.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Thú thật với các bạn, nếu tôi biết được tương lai nào của giáo dục trong thời đại công nghệ 4.0, thời đại của thế giới “ảo” (do sử dụng internet và trí tuệ thông minh), có lẽ tôi sẽ đoạt được một giải thưởng toàn cầu nào đó và chỉ đi diễn thuyết để chia sẻ về tương lai này.
Tương lai nào của giáo dục trong thời đại công nghệ 4.0? (Ảnh: schedule.sxsw.com) |
Thực tế là chúng ta đang sống trong một thời kỳ rất bất ổn và không hề rõ ràng để có thể chỉ ra đâu là tương lai, đâu là con đường của giáo dục tương lai.
Trong khuôn khổ bài viết này, với hiểu biết hạn hẹp của mình về thế giới xung quanh, dựa trên một triết lý mà tôi tâm phục “Giáo dục phản chiếu xã hội và ngược trở lại, giáo dục dẫn dắt sự phát triển và tiến bộ của xã hội”, tôi mong được chia sẻ một số quan sát cá nhân về tương lai của giáo dục trong những thập kỷ tới.
Để mở đầu, câu hỏi về vai trò của giáo dục trong thời kỳ công nghệ mới có lẽ là cần thiết đặt ra.
Ở Mỹ gần đây có một video clip có tên, “Tôi kiện Nền Giáo dục” [1], lên án nền giáo dục “cũ kỹ”, khi tất cả đều đang phải thay đổi rất nhanh chóng, thì trường học, phương pháp dạy và học, giáo trình, cách chúng ta “sản xuất” học sinh, học và thi vẫn “cũ”.
Clip hiện đang được truyền tải với tốc độ chóng mặt, bởi nội dung của clip phản ánh chính xác những vấn nạn của giáo dục.
Clip “Tôi kiện Nền Giáo dục” đang được nhiều người quan tâm. |
Quý vị và các bạn có thể xem link video clip tại đây phần tài liệu thảo khảo cuối bài.
Một câu hỏi rất “đắt” trong clip này là: Với một hệ thống giáo dục sản xuất hàng loạt và tạo ra nhiều triệu học sinh robot như hiện nay, đâu là tương lai của thế hệ trẻ?
Theo tôi, câu hỏi này không chỉ dành cho học sinh (đã được biến thành robot), mà cho cả giáo viên và hệ thống giáo dục kiểu “đồng phục” trên thế giới.
Có lẽ để tìm kiếm câu trả lời, chúng ta nên đặt tiếp một câu hỏi khác là ở thời kỳ công nghệ 4.0 này, khi hầu hết mọi việc xã hội có thể được tự động hóa và do robot làm việc, giáo dục (gồm cả giáo viên, nhà quản lý giáo dục, học sinh) sẽ làm gì?
Nhiều bạn sẽ cười về sự lo lắng của tôi trước thế giới internet và công nghệ hiện nay… nhưng có mấy thông số sau đây chúng ta nên quan tâm:
Thứ nhất, trong hai thập kỷ sắp tới, hầu hết các công việc đều có thể được tự động hóa và robot sẽ làm việc thay thế chúng ta ở mức độ cao [2].
Báo cáo về “Tương lai công việc” của Davos chỉ ra rằng 65% công việc chuyên môn cao (ví dụ như giáo viên, luật sư, bác sỹ…) sẽ thay đổi về bản chất công việc từ nay đến 2025.
Và khoảng 65% học sinh tiểu học hiện nay sẽ làm những việc mà chưa hề tồn tại trong 10 năm sắp tới, khi các em tốt nghiệp cấp 3.
Thứ hai, các khóa học MOOCs (khóa học online dành cho số đông), với xuất phát điểm vào năm 2008 và mục đích là cung cấp cơ hội học tập bình đẳng (miễn phí) cho tất cả mọi người trên toàn cầu, đang tiến dần đến mô hình “franchise” hóa nội dung, bằng ngôn ngữ địa phương và có tính tiền cho từng chứng chỉ.
Thị trường học online đang được tính đến hàng chục tỷ đô la hàng năm và trong năm 2015, hơn 35 triệu người đang theo học, theo báo cáo của ICEF Monitor [3].
Thị trường này đang là cuộc chạy đua cạnh tranh khốc liệt với các phương thức học truyền thống, đặc biệt ở các nước có nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Nga, Ấn độ, Indonesia, Việt Nam và Châu Phi.
Chỉ riêng ở Trung Quốc, trong 2 năm 2014-2015, số người học online tăng từ 1,5 triệu lên 10 triệu [4], trong khi Trung Quốc chỉ có khả năng đáp ứng 5% số này.
Xin hãy thuê tôi, Amherst 2007 Cử nhân Sinh học. Ảnh từ The Atlantic. |
Thứ ba, mặc dù mới đang là xu hướng về tự động hóa, tỷ lệ thất nghiệp ở những ngành lao động phổ thông có tay nghề và bao gồm cả ở những ngành đào tạo bậc cao như kỹ sư, nghiên cứu sinh (PhD), giáo viên đại học… đang ngày càng là vấn đề của việc đào tạo.
Nỗi khổ của “học vượt quá nhu cầu” (“overeducated”) [5], khi sinh viên tốt nghiệp đại học, sau đại học mong tìm được việc bán thời gian và có thể không đúng với ngành mình học đang gia tăng đáng kể ở các nước phát triển và đang phát triển.
Vậy, với thực trạng trên, giáo dục buộc phải thay đổi, nhưng sẽ thay đổi thế nào?
Khi chuyển đổi từ mô hình học đại học “đại trà” sang “toàn cầu”, với những chương trình học online, mà không đảm bảo được chất lượng và kỹ năng lao động mà tương lai yêu cầu, liệu với thế giới học “ảo” có là một khủng hoảng nữa của xã hội, mà bản chất nảy sinh từ khủng hoảng kinh tế?
Và nếu muốn biến từ khủng hoảng sang thành cơ hội hữu ích cho tất cả, đặc biệt cho những nhóm người “thiểu số”, "yếu thế" và không có đủ cơ hội học tập đầy đủ, đâu sẽ là cách chúng ta cam kết cung cấp giáo dục chất lượng cho họ?
Quay về với câu hỏi, vậy giáo dục sẽ đóng vai trò gì trong thời đại mà lớp học có thể “ảo”, bạn học “ảo”, các nguồn học mở, gồm cả giáo trình và sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, luôn có sẵn trên internet.
Thầy cô có bị mất việc khi robot đang dần làm mọi thứ thay con người? |
Bất kỳ câu hỏi nào bạn có đều sẽ có câu trả lời trên Google hoặc một kênh tìm kiếm, không dễ trả lời.
Câu hỏi học cái gì có lẽ giờ này không quan trọng bằng học để làm gì và bằng cách nào.
Nhu cầu học tập luôn và vẫn sẽ là nhu cầu tự thân cá nhân trong mọi xã hội.
Tuy nhiên, với công nghệ giáo dục, với trí tuệ thông minh, khi một giáo viên có thể tham gia dạy và tương tác với hàng nghìn học sinh ở mọi nơi trên thế giới, điều gì sẽ xảy ra cho nền giáo dục “ảo” này?
Liệu việc học “mô hình toàn cầu” của MOOCs có giúp người học nâng cao thêm kỹ năng, có thêm kiến thức cần thiết và có khả năng tham gia vào thị trường lao động phù hợp hay không?
Quan trọng hơn thế, giáo viên của chúng ta hiện nay sẽ đi về đâu? Tương lai của nghề giáo sẽ như thế nào?
Những kỹ năng và kiến thức nào có thể giúp giáo viên đứng vững trong nghề nghiệp của mình, mà không sợ “robot” giáo viên thay thế vào một ngày nào đó?
Những câu hỏi như trên, hiện nay chưa có trả lời.
Ở cuộc họp Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (Davos 2017), vì chưa thể tìm ra phương thức phát triển xã hội hài hòa trong thế giới công nghệ 4.0, Giáo sư Klaus Schwab đã phải khuyến nghị về việc “sử dụng công nghệ để phục vụ con người, để hạn chế bất bình đẳng xã hội về thu nhập, về cơ hội học tập và phát triển năng lực” [6].
Để hiện thực hóa việc này, có vô số việc cần làm ở các cấp độ: toàn cầu - khu vực - quốc gia - thành phố - đại học và các nhóm đại diện cho quyền lợi của nhân dân.
Mô hình quản lý xã hội bởi các tổ chức xã hội, ví dụ như trong giáo dục đại học, trường học được quản lý và kiểm soát trực tiếp bởi (cựu) sinh viên và giáo viên (như Harvard) đang là một mẫu hình nên được quan tâm nghiên cứu.
Tôi muốn gửi chia sẻ của một người có uy tín trong cộng đồng học thuật Mỹ và thế giới, Giáo sư Phillip Altbach, về tương lai của giáo dục đại học, như một lời gửi gắm cho tất cả chúng ta về việc, lựa chọn tương lai nào cho giáo dục Việt Nam, tất cả đều cần dựa trên mục tiêu “Đào tạo cho những con người tốt đẹp hơn, cho một xã hội tốt đẹp hơn và vì con người hơn”.
Giáo sư Altbach – Những xu hướng toàn cầu về tương lai của giáo dục đại học [7]:
“Những gì tôi chia sẻ với các bạn về tương lai của giáo dục cũng giống như một ông thầy mù sờ voi, và mô tả được phần nào mà tôi biết được.
Cách mạng trong thế giới giáo dục ở thế kỷ 21 thực sự rất phức tạp, mà nhiệm vụ của mỗi chúng ta là việc phải tìm được chiến lược cho từng quốc gia, cho từng đại học, từng mục tiêu trong hoạt động… trong tình huống mọi thứ đang suy thoái.
Giáo dục, theo quan điểm của tôi, những đại học hàng đầu vẫn sẽ ở vị trí của họ hàng trăm năm nay, và tập trung vào các đại học nghiên cứu.
Các mô hình đại học và chương trình online là một xu hướng, mà với mục tiêu cung cấp cơ hội học tập cho tất cả là một ý tưởng tốt. Nhưng để đi xa hơn thế, thực sự tôi không thể biết điều gì sẽ xảy ra.
Tuy nhiên tôi tin tưởng rằng các đại học truyền thống sẽ không thể biến mất, do bởi các hoạt động giáo dục không chỉ thuần túy là việc chuyển giao kiến thức.
Chúng ta tham gia vào giáo dục với nhiều mục tiêu, mà cơ bản là để phục vụ cho một xã hội và con người tốt đẹp hơn”.
Tài liệu tham khảo:
[2] http://reports.weforum.org/future-of-jobs-2016/
[3] http://monitor.icef.com/2016/01/mooc-enrolment-surpassed-35-million-in-2015/
[4] http://thepienews.com/news/chinese-mooc-learners-top-10-miilion-year-end/
[5] http://www.usatoday.com/story/money/personalfinance/2014/10/19/cnbc-overeducated-underemployed/17390047/; https://www.theatlantic.com/business/archive/2015/05/the-new-normal-for-young-workers/393560/; https://www.theatlantic.com/business/archive/2012/04/53-of-recent-college-grads-are-jobless-or-underemployed-how/256237/
[6] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bon-nguyen-ly-lanh-dao-cho-Cach-Mang-Cong-nghiep-40-post173490.gd
[7] https://www.youtube.com/watch?v=dKWbx9rR6S8