Hai nội dung được đặc biệt quan tâm trong tờ trình về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/3 là quy định về hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học và chính sách học phí đối với sinh viên sư phạm.
Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý đối với dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được ý kiến của 23 bộ, ngành.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/3 (Ảnh: quochoi.vn) |
Trong đó có 12/23 cơ quan đồng ý với dự thảo luật; có 11/23 đơn vị có ý kiến góp ý.
Xung quanh vấn đề Hội đồng trường, văn bản góp ý của Bộ Nội vụ đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về hội đồng trường trong dự án Luật để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học.
Về nội dung này, Bộ Tài chính góp ý: “Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu bổ sung:
- Quy định cụ thể về độ tuổi của Chủ tịch Hội đồng trường đại học công lập khi bổ nhiệm lần đầu phải đủ 01 nhiệm kỳ (5 năm).
- Về quyền hạn của Hội đồng trường: Việc giao cho Hội đồng trường tổ chức thực hiện quy trình bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng cần phù hợp với khả năng, mức độ tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục đại học.
Việc quyết định công nhận nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng xem xét gắn với cơ quan quản lý có thẩm quyền có đại diện tham gia thành viên Hội đồng trường.
Cần đưa ra nguyên tắc quy trình giới thiệu nhân sự, bầu hiệu trưởng: thẩm quyền đề xuất nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để bầu;
Quy hoạch nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; quy trình thực hiện cần có sự thống nhất với chủ trương, quy định chung của Đảng, Nhà nước để thống nhất quản lý.
- Về cơ cấu Hội đồng trường: Hội đồng trường không phải là hội đồng tư vấn, các thành viên bên ngoài khi tham gia vào Hội đồng trường quyết định sự phát triển của trường và gắn trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi đối với sự phát triển của trường.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa ra cơ sở khoa học và thực tiễn để quy định số lượng các thành viên bên ngoài trường thông qua việc đánh giá vai trò, trách nhiệm, đóng góp của các thành viên bên ngoài trường khi tham gia vào Hội đồng trường.
- Đại diện cơ quan quản lý có thẩm quyền: Đề nghị nghiên cứu để quy định:
“Cơ quan quản lý có thẩm quyền cử ít nhất 01 đại diện tham gia thành viên Hội đồng trường””.
Cũng tại văn bản góp ý, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu thể hiện rõ trong Luật sửa đổi thế nào là “cơ sở hoạt động không vì lợi nhuận”.
Hội đồng trường có tối thiểu 25% là giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo tiêu biểu |
Còn Bộ Nội vụ đề nghị, Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường tổ chức bầu hoặc thi tuyển và được cấp có thẩm quyền công nhận. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục do hội đồng quản trị quyết định.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 62, người học là sinh viên sư phạm, người học theo các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong cơ sở giáo dục đại học không phải đóng học phí.
Qua quá trình triển khai chính sách này, theo Bộ Tài chính chỉ ra một số bất cập như:
Một là, sinh viên sư phạm, sinh viên một số ngành chuyên môn đặc thù không phải đóng học phí trong quá trình đào tạo nhưng khi tốt nghiệp, nhà nước không sắp xếp được việc làm cho một bộ phận hay tất cả sinh viên cũng như nhiều sinh viên không kiếm được việc làm đúng ngành được đào tạo.
Điều này gây lãng phí về nguồn lực ngân sách nhà nước (nhà nước bảo đảm kinh phí đào tạo nhưng không được sử dụng kết quả đào tạo), lãng phí nguồn lực xã hội (sinh viên được đào tạo ngành sư phạm, ngành chuyên môn đặc thù nhưng không làm việc đúng chuyên môn được đào tạo).
Hai là, không thực hiện được quy định tại Điều 63 Luật giáo dục đại học về việc những người học này “sau khi tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc của nhà nước trong thời gian ít nhất là gấp đôi thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo…”
Ba là, sinh viên không học ngành sư phạm nhưng được tuyển dụng làm giáo viên, giảng viên không được hưởng chính sách miễn học phí; sinh viên không học các chuyên ngành đặc thù nhưng làm việc trong các chuyên ngành đặc thù cũng không được hưởng chính sách ưu đãi về học phí.
Trong khi đó những sinh viên được hưởng ưu đãi học phí nhưng sau khi ra trường không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo với chính sách ưu đãi về học phí.
“Do đó, đề nghị sửa đổi chính sách học phí đối với người học”, Bộ Tài chính đề nghị.
Đến nay (13/3), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được ý kiến của 23 Bộ, ngành, về dự thảo Luật giáo dục đại học trong đó: - Có 12/23 cơ quan đồng ý với dự thảo Luật, cụ thể: Ủy ban dân tộc, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công An. - Có 11/23 đơn vị có ý kiến góp ý, cụ thể: Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải. |