Tại Điều 89 dự thảo Luật Giáo dục có nội dung đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí.
Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.
Về vấn đề này, theo báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Thường trực Ủy ban đưa ra 2 luồng ý kiến như sau:
Ý kiến thứ nhất tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chi trả chính sách đúng đối tượng làm việc trong ngành giáo dục, và đề nghị cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học; bổ sung quy định về việc hoàn trả học phí trong trường hợp người học tự đóng học phí.
Ý kiến thứ hai đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện rõ quan điểm ưu tiên, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
Theo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp (Ảnh minh họa: Vietnam+) |
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng:
“Dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp;
Sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào; nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, cùng với chính sách ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới”.
Trước đó, như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, theo số liệu thống kê, Việt Nam đầu tư 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đánh giá việc phân bổ ngân sách còn bất hợp lý, dẫn tới hiệu quả thấp.
Cụ thể, ngân sách được phân bổ cho các cơ sở đào tạo đại học tăng hàng năm 5%-10% tùy khả năng bố trí của ngân sách, phân bổ bình quân giữa các ngành đào tạo.
Nhiều ý kiến cho rằng, cách phân bổ này không tạo động lực cho các trường trong việc đầu tư nâng cao chất lượng.
Học xong mà thất nghiệp thì đời nào người giỏi lại vào sư phạm |
Được biết, tại hội thảo hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay diễn ra vào ngày 18/10/2017, Phó giáo sư Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính thông tin rằng:
Hiện ngân sách đang phân bổ trên số lượng sinh viên mà không quan tâm đến chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo đại học.
Thực tế như Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, ngân sách nhà nước phân bổ cho trường lên gần 50% và hầu như toàn bộ sinh viên sư phạm trên cả nước đều được miễn học phí.
Thế nhưng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, làm trái ngành rất nhiều, chỉ một phần nhỏ làm công tác giảng dạy.
Trong khi đó có rất nhiều ngành nghề xã hội đang cần thì lại chỉ được phân bổ ngân sách ở mức 12%-15%.
Từ đó, ông Giang đề nghị nên đổi mới mô hình phân bổ ngân sách, nâng mức học phí để bù đắp chi phí đào tạo. Cùng với đó là cân nhắc điều chỉnh chính sách miễn, giảm học phí đối với sinh viên sư phạm phù hợp với yêu cầu phát triển.
Khi nhu cầu giáo viên cơ bản được đáp ứng và chỉ một số ít sinh viên sư phạm được làm đúng nghề thì việc miễn, giảm học phí với sinh viên sư phạm không còn phù hợp.
Về vấn đề này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, đã đến lúc Nhà nước xác định số lượng sinh viên sư phạm cần thiết và đặt hàng cho các cơ sở đào tạo.
Bởi lẽ, theo ông Nhĩ, hiện nay ở nhiều nơi cha mẹ nuôi con đi học đại học rất khó khăn do đó Nhà nước nên đặt hàng cơ sở đào tạo, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của người học.