Các cụ xưa có câu: “muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, thế nhưng thật buồn là trong khi đời sống ngày càng văn minh hơn thì lại có những người ứng xử với thầy, cô giáo thô bạo.
Vừa mới bước vào những ngày đầu năm 2018 đã xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc: Học sinh hơn thua với cô giáo vì bênh bạn gái; phụ huynh đánh thầy vì con mình bị phạt; cô giáo đã phải quỳ xuống trước mặt phụ huynh…
Rõ ràng những chuyện như vậy cho thấy một bộ phận phụ huynh, học sinh không coi trọng các thầy cô giáo.
Sự việc mới nhất xảy ra ngày 14/3, tại Nghệ An, học sinh Nguyễn Văn Phong (lớp 9D, Trường Trung học cơ sở Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Yên Thành), bị thầy giáo phạt cảnh cáo và mời người nhà lên giải quyết sự việc. Thay vì hợp tác với thầy giáo trong việc giáo dục con em thì người nhà Phong lại hành hung thầy giáo.
Thầy giáo Đặng Minh Thủy bị người nhà học sinh đánh đang điều trị tại bệnh viện, đây chỉ là một trong nhiều vụ giáo viên bị hành hung trong thời gian gần đây. Ảnh: Báo An ninh Thủ đô. |
Trước đó, ngày 2/3, tại Trường Trung học cơ sở Tân Thạch, huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre đã xảy ra sự việc học sinh bóp cổ cô giáo ngay trong lớp học. Điều đáng nói, nam sinh này hành hung cô giáo chỉ vì... bênh bạn gái.
Chuyện xảy ra trong giờ học Tiếng Anh, cô C.T.N phát hiện nữ sinh lớp 8 mang vở của môn khác ra học. Cô N. yêu cầu nữ sinh cất vở đó đi để chú tâm vào học môn Tiếng Anh. Nữ sinh không làm theo nên cô N. thu giữ quyển vở. Lúc này, nam sinh N.V.M.T (học cùng lớp) ngồi phía sau đứng dậy, có lời lẽ thách thức, xúc phạm, sau đó có hành động bóp cổ cô giáo N.
Sự việc gây nhiều sự chú ý nhất trong những ngày đầu năm 2018 xảy ra tại Trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An). Cô giáo Thanh Nhung, giáo viên lớp 4/3 quỳ gối tại văn phòng trường để xin lỗi phụ huynh.
Những sự việc làm xấy hình ảnh giáo dục vừa qua diễn ra cách nhau chỉ vài ngày. Cho dù có nhiều mức độ khác nhau, nhưng với tần suất dày đặc khiến nhiều người nghe tin đang không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong trường học.
Sau sự việc, vẫn có những tranh cãi khác nhau về nguyên nhân xảy ra. Thế nhưng, dù lý giải thế nào thì việc thì những vụ việc xảy ra một cách có hệ thống như vậy, những người có trách nhiệm cần phải suy nghĩ khi những chuẩn mực sư phạm đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Giáo dục là nền tảng của xã hội, thế nhưng nền tảng ấy đang có nguy cơ bị lung lay dữ dội khi những chuẩn mực sư phạm đã không còn được tôn trọng, nâng niu, giữ gìn.
Một bộ phận phụ huynh sẵn sàng chà đạp, xâm hại giáo viên. Sự liên kết giữa nhà trường và gia đình đã xuất hiện những vết rạn nứt có nguy cơ khó lành.
Vì đâu những hình ảnh, những sự việc phản cảm như vậy cứ tiếp diễn liên tục như vậy?
Muốn chấm dứt những hình ảnh đáng buồn trong trường học, trước hết người lớn hãy làm gương cho con trẻ đã thì mới mong gia phong, xã hội có một nề nếp tốt. (Ảnh minh họa chưa rõ nguồn) |
Dân gian có câu ca dao: “Người trên ở chẳng chính ngôi/ Khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào/Người trên ở chẳng được cao/Khiến cho kẻ dưới lộn nhào lên trên”, câu ca dao này không chỉ đúng trong đời sống xã hội mà ở góc độ nào đó còn đúng trong môi trường sư phạm.
Nghề giáo vốn luôn được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, thế nhưng dường như để giữ được nét đẹp cao quý ấy thì mỗi ngày người giáo viên phải vượt qua rất nhiều áp lực, từ bài giảng cho tới quản lý học sinh.
Giáo viên không chỉ là người khai tâm mở trí, mà còn là những người định hướng, giáo dục nhân cách cho học trò.
Thế nhưng trong nghề giáo nhiều năm nay đã có không ít câu chuyện không “chính ngôi” đã làm xã hội lo lắng, thậm chí có cái nhìn méo mó về trường học.
Đó là các khoản thu trong trường học thiếu minh bạch, chuyện phong bì cho thầy cô giáo… đã khiến niềm tin của phụ huynh vơi đi ít nhiều.
Tháng 2/2018, dư luận lại ồn ào về câu chuyện phong hàm giáo sư, phó giáo sư. Chuyện phong ồ ạt khiến xã hội tưởng chừng như có một “chuyến tàu vét” giáo sư, phó giáo sư.
Sau sự kiện đó, ngành giáo dục đã phải rà soát lại, sau đợt rà soát, đã có gần trăm hồ sơ phải xem xét…
Đây là những điều làm cho xã hội lo lắng bởi chính những người đào tạo ra người thầy còn chưa trung thực, giữa danh và thực còn nhiều khập khiễng thì sao có được thế hệ kế nghiệp thực sự vừa hồng – vừa chuyên?
Chuyện tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm cũng đang tạo những lo ngại cho xã hội. Ngành sư phạm những năm gần đây bị ghẻ lạnh một cách đáng buồn khi phải vơ vét sinh viên cho đủ lớp dù rằng năng lực học hành hạn chế.
Những nhà sư phạm đó sẽ được đào tạo ra sao khi nền tảng quá thấp. Thầy cô còn đứng được không khi đầu vào chỉ có 9 điểm cho 3 môn?
Cô giáo bị phụ huynh ép phải quỳ vì đã từng xử phạt như vậy với con họ; học sinh sẵn sàng bóp cổ cô giáo vì những lí do không đâu; thầy giáo bị đánh nhập viện khi mời người nhà lên cùng giáo dục con cái…
Thực tế này đang khiến những người làm cha, làm mẹ có con đi học vô cùng lo lắng về môi trường sư phạm. Vậy làm sao để chấm dứt nó?
Thiết nghĩ, muốn chấm dứt những hình ảnh đáng buồn trong trường học, trước hết người lớn hãy làm gương cho con trẻ đã thì mới mong gia phong, xã hội có một nề nếp tốt.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc, đã từng nói trên tờ Đời sống và Pháp luật rằng: “Thầy cô giáo muốn đứng trên giảng đường làm nhiệm vụ giảng dạy trước hết phải nhìn lại mình. Nghề giáo là một nghề cao quý, lúc nào cũng phải thương yêu học trò như con của mình. Ngoài cái thương yêu còn phải có phép hành xử theo đúng pháp luật”.
Nói về các biện pháp để hạn chế tình trạng bạo lực trong học đường, Giáo sư Phạm Minh Hạc cũng đã thẳng thắn chỉ ra: "Những biện pháp chúng ta đang thực hiện chỉ là hô hào, hình thức, không có gì cụ thể. Ngoài những biện pháp giáo dục, chắc chắn phải có biện pháp trừng phạt".
Giáo viên, phụ huynh, những người lớn cần phải xử lý mọi tình huống, mọi vấn đề phải đúng pháp luật, có văn hóa, đúng với văn hóa truyền thống "tôn sư, trọng đạo" của dân tộc.
Ngày 26/2/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư quy định chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm áp dụng với giảng viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngoài các tiêu chí về một giảng viên sư phạm "chuẩn", thông tư này còn đưa ra quy trình đánh giá, xếp loại
Đây là việc làm cần thiết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hy vọng rằng sau quy định “chuẩn” nghề nghiệp này thì môi trường sư phạm trở về với những hình ảnh đẹp, từng là niềm tự hào của nhiều thế hệ.
* Tài liệu tham khảo
1. http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nam-dam-voi-thay-co-su-hu-hong-cua-cac-ong-bo-ba-me-post180103.gd
2. https://vov.vn/blog/co-giao-quy-goi-truoc-phu-huynh-loi-he-thong-trong-hanh-xu-736253.vov
3. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/co-giao-bi-hoc-sinh-chui-bop-co-ngay-tai-lop-434432.html
5. http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/8-diem-yeu-cua-giao-duc-Viet-Nam-post99986.gd