South China Morning Post ngày 23/3 đưa tin, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa lên tiếng yêu cầu Trung Quốc hành động ngay lập tức để giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại trong quan hệ song phương đang gia tăng và làm rối loạn thị trường.
Phát biểu tại Nhà Trắng trước khi ký sắc lệnh mới của Tổng thống Mỹ về thuế, ông Donald Trump cho hay, ông đã yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải cắt giảm 100 tỉ USD thặng dư thương mại của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ.
"Chúng tôi đang gặp phải tình trạng bị ăn cắp trí tuệ diễn ra tại Trung Quốc.
Chúng tôi muốn có qua có lại. Nếu họ buộc chúng tôi phải chịu tổn thất, chúng tôi sẽ tính sổ với họ một cách tương đương.
Tôi thực sự tin rằng họ không thể tin họ đã đi quá xa trong chuyện này."
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và cộng sự, ảnh: SCMP. |
Tổng thống Donald Trump tuyên bố, gói thuế đánh vào các sản phẩm Trung Quốc sẽ có giá trị 60 tỉ USD, cao hơn dự toán từ các quan chức chính quyền Nhà Trắng đưa ra trước đó là 50 tỉ USD.
Các khoản thuế này sẽ được áp dụng cho các sản phẩm hàng hóa Trung Quốc được hỗ trợ bởi sáng kiến "Made in China 2025" của Bắc Kinh, bao gồm công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo, điện tử, rô bốt, hàng không và hàng không vũ trụ, theo Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer sẽ tham vấn các cơ quan chính phủ khác về danh sách khoảng 1300 loại mặt hàng từ Trung Quốc để phê duyệt, và mức thuế trừng phạt sẽ có hiệu lực sau một thời gian thông báo.
Ông Peter Navarro cho hay:
"Trung Quốc nói với cả thế giới rằng, họ sẽ chiếm ưu thế về công nghệ và sở hữu trí tuệ như là cách để làm cho Trung Quốc thịnh vượng, hiện thực hóa nó qua nhiều chính sách công nghiệp;
Nhưng nhiều chính sách trong số đó là sự phủ nhận một hệ thống thương mại tự do toàn cầu.
Trung Quốc hưởng lợi nhiều hơn Mỹ trong mối quan hệ thương mại Trung - Mỹ.
Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001, nền kinh tế của nước này đã tăng từ 1 ngàn tỉ USD lên 8 ngàn tỉ USD.
Đồng thời nền kinh tế Hoa Kỳ đã bị xì hơi."
Trung Quốc đang trên đường thống trị công nghệ toàn cầu và bài học cho Việt Nam |
Theo các quan chức chính quyền Mỹ, giá trị gói thuế trừng phạt Trung Quốc tương đương với doanh thu mà các công ty Hoa Kỳ làm ăn ở Trung Quốc bị mất mỗi năm do phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác địa phương.
Gói thuế mới sẽ được công khai xem xét trong 15 ngày, trong thời gian đó các công ty Mỹ có thể cân nhắc, trước khi sắc lệnh có hiệu lực.
Sắc lệnh của ông Donald Trump cũng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong vòng 60 ngày phải có hành động hạn chế đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc ở Mỹ để tìm kiếm các công nghệ Mỹ có thể cung cấp cho Trung Quốc một lợi thế quân sự.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã tham vấn đại diện các ngành công nghiệp Mỹ và giới chuyên gia từ tháng Tám năm ngoái.
Đó là thời điểm Mỹ bắt đầu điều tra xác minh các chiến thuật bất công với doanh nghiệp Mỹ mà Trung Quốc đã sử dụng, để ép doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ cho Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch "Made in China 2025" vào tháng Năm 2015, xác định 10 lĩnh vực ưu tiên bao gồm rô bốt, internet vạn vật, hàng không và y sinh học.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã chỉ trích kế hoạch này, nhấn mạnh tài sản trị giá 2,2 ngàn tỉ nhân dân tệ (318 tỉ USD) và một loạt các quy định an ninh quốc gia liên quan đến chương trình này, đang làm lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc như nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi Corp. [1]
Trong một diễn biến mới khác có liên quan, các đồng minh của Mỹ bao gồm EU, Australia, Brazil và Hàn Quốc sẽ được Mỹ tạm hoãn đánh thuế 25% với các sản phẩm thép và 10% với nhôm, sau 2 nước Canada và Mexico, nhưng trừ Trung Quốc.
Kế hoạch của ông Donald Trump đánh thuế 25% với thép và 10% với nhôm nhập khẩu để trừng phạt Trung Quốc vì làm thế giới "ngập lụt" với thép, nhôm giá rẻ. [2]
Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải, ảnh: Wikipedia. |
Vài giờ sau phát biểu của Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ra tuyên bố cho biết:
"Trung Quốc không muốn có một cuộc chiến thương mại với bất cứ ai.
Nhưng Trung Quốc không sợ và sẽ không đầu hàng trong cuộc chiến tranh thương mại, Trung Quốc tự tin mình có khả năng đối mặt với bất kỳ thách thức nào.
Chúng tôi thúc giục Mỹ chấm dứt kế hoạch trừng phạt Trung Quốc về những hạn chế với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.
Nếu một cuộc chiến tranh thương mại được Mỹ khởi xướng, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình bằng mọi biện pháp cần thiết."
Người Trung Quốc đang lập kế hoạch phản công bằng cách đánh thuế cao một loạt các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Mỹ như đậu nành, lúa mạch và thịt lợn.
Năm 2017 giá trị xuất khẩu của 3 mặt hàng này từ Mỹ sang Trung Quốc đạt 13,3 tỉ USD. [3]
Động thái mới từ Nhà Trắng đã lập tức ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Mỹ, Australia...và gây ra những dư luận khác nhau từ chính nội bộ nước Mỹ.
Trung Quốc cứu chiến lược "Made in China 2025" trước nguy cơ phá sản |
Còn phía Trung Quốc lập luận rằng ông Donald Trump đã "bóp méo" về thâm hụt thương mại của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc qua ví dụ về chiếc iPhone.
Tổng thống Donald Trump thường xuyên viết thông điệp của mình lên Twitter thông qua chiếc iPhone về việc gây sức ép với Trung Quốc để giải quyết khoản thặng dư thương mại trị giá 375 tỉ USD với Mỹ.
Thâm hụt thương mại lớn là trung tâm của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, phần lớn là do hàng điện tử và công nghệ, mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Mỹ từ Trung Quốc.
Tuy nhiên quy trình làm 1 chiếc iPhone của Apple cho thấy phần lớn sự mất cân bằng đó là do nhập khẩu các linh kiện để tạo ra sản phẩm có thương hiệu Mỹ.
Linh kiện của iPhone chủ yếu đến từ các nhà cung cấp toàn cầu, Trung Quốc chỉ lắp ráp rồi vận chuyển đi khắp thế giới.
Ví dụ chiếc iPhone X, IHS Markit ước tính có chi phí sản xuất tổng cộng 370,25 USD, trong đó 110 USD phải trả tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc để mua màn hình, 44,45 USD trả Toshiba của Nhật Bản và SK Hynix của Hàn Quốc cho các con chíp.
Các nhà cung cấp khác từ Đài Loan, Mỹ và châu Âu chiếm các linh kiện còn lại của iPhone, còn việc lắp ráp được thực hiện bởi các doanh nghiệp hợp đồng Trung Quốc như Foxconn, chỉ chiếm khoảng 3-6% chi phí.
Apple đã vận chuyển 61 triệu chiếc iPhone tới Mỹ năm ngoái, chi phí trung bình để sản xuất 1 iPhone 7 hoặc iPhone 7 Plus là 258 USD.
Tính đơn giản thì iPhone 7 đã bổ sung thêm 15,7 tỉ USD vào thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong năm 2017, chiếm 4,4% tổng số thâm hụt thương mại.
Kế "ve sầu thoát xác" của Trung Nam Hải có thể phá hoại kinh tế toàn cầu |
Tương tự, điện thoại di động và hàng gia dụng Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 22% trong tổng giá trị nhập khẩu 70 tỷ USD của 2 mặt hàng này.
Đây là lý do quan trọng giải thích tại sao một cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc sẽ gây ra thiệt hại cho các nước khác, nhất là các quốc gia châu Á.
Về phần mình, Apple đã trả lời những lo ngại của ông Donald Trump bằng cam kết sẽ sử dụng các nhà cung cấp linh kiện Hoa Kỳ. Tháng Giêng 2018, Apple cho biết hãng đã lên kế hoạch chi 55 tỉ USD cho các nhà cung cấp linh kiện Mỹ trong năm nay.
Theo hãng nghiên cứu Strategy Analytics, trong thập kỷ qua Apple đã bán ra 373 triệu iPhone trị giá 101 tỉ USD theo giá trị sản xuất tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, giá trị sản xuất không bao gồm giá trị sở hữu trí tuệ mà Apple bổ sung thông qua công việc thiết kế và kỹ thuật được thực hiện tại trụ sở chính ở Cupertino, California cũng như lợi nhuận các nhà phân phối thu được.
Ví dụ iPhone X có chi phí sản xuất khoảng 400 USD, giá bán buôn 800 USD và giá bán lẻ không được hỗ trợ là 1.200 USD.
Vì vậy, nếu hỏi giá trị của iPhone đến từ đâu, ngay cả khi nhà máy lắp ráp, sản xuất đặt ở Trung Quốc, thì câu trả lời từ trợ lý kỹ thuật số của Apple, Siri, là:
"Trên vỏ hộp có ghi: iPhone này được Apple thiết kế tại California." [4]
Tài liệu tham khảo:
[3]http://www.businessinsider.com/china-previews-trade-war-trump-tariffs-2018-3