Quan chức bị vu vạ, tung tin thất thiệt chọn im lặng hay lên tiếng?

24/03/2018 07:42
QUỐC TOẢN (THỰC HIÊN)
(GDVN) - "Những tin đồn thất thiệt, bịa đặt tạo sự nghi ngờ trong dư luận đối với cán bộ thì cần thiết phải làm rõ, tránh hoài nghi dư luận".

LTS: Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, những tin đồn thất thiệt liên quan tới quan chức và “bồ nhí” gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín cán bộ và tình hình an ninh, chính trị địa phương. 

Việc kiểm soát, ngăn chặn những thông tin thất thiệt, xuyên tạc không hề đơn giản, cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ hơn nữa của cơ quan có thẩm quyền.

Cần xử lý đến nơi, đến chốn những thông tin vu khống quan chức

Phóng viên: Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất tích cực trong việc phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội. Việc làm này là hết sức cần thiết, nhưng đã đủ chưa, thưa ông? 

Đại biểu Trương Minh Hoàng: Thời gian qua, chúng ta đã rất quyết liệt trong việc ngăn chặn những thông tin xấu, độc lan truyền trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, cách làm của chúng ta chưa mang tính tổng thể, đồng bộ, mà cần phải làm tích cực hơn.

Theo tôi, để hạn chế những thông tin thất thiệt, trước hết cần đẩy mạnh hoạt động và công khai rộng rãi các nguồn thông tin chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng, để tạo lòng tin trong nhân dân.

Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội (ảnh Bạch Đằng/giaoduc.net.vn).
Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội (ảnh Bạch Đằng/giaoduc.net.vn).

Trên thực tế, có người chỉ lướt qua những thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, lập tức ngay tin đồn đó là sự thật. 

Có trường hợp nữ sinh đòi tự tử vì tin đồn trên mạng xã hội, cho thấy mức độ nguy hại của những thông tin thất thiệt, xuyên tạc.

Và nếu không ngăn chặn kịp thời, có thể ảnh hưởng tới tính mạng, uy tín danh dự của người khác. 

Cơ quan có thẩm quyền, báo chí cũng cần phát huy vai trò là kênh thông tin chính thống trong việc tuyên truyền, đấu tranh trước những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội, để định hướng dư luận một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thiết lập chương trình vận hành để kiểm soát, thậm chí chiêu mộ nhân lực có chất lượng, thành lập tổ nhóm “tác chiến” nhằm ngăn chặn những thông tin xuyên tạc lan truyền trên mạng.

Nếu cơ quan này không đủ thẩm quyền để xử lý những vi phạm trên mạng xã hội, thì các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc xác minh, làm rõ, xử lý thật nhanh, thật triệt để vi phạm nhằm ổn định tình hình và tạo sức răn đe. 

Trường hợp, các biện pháp xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe hành vi vi phạm thì có thể áp dụng hình phạt mạnh hơn.

Nếu không xử lý đến nơi đến chốn, hoặc việc xử lý không đồng bộ thì sẽ không giải quyết được căn bản vấn đề. "Dập" được vụ này thì sẽ phát sinh vụ khác.

Lấy ví dụ cụ thể về trường hợp ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa bị tung tin thất thiệt có “bồ nhí” gây hoang mang dư luận thời gian gần đây để thấy rằng, (phải chăng) trong vụ việc này, cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa chậm chạp công bố thông tin một cách chính thống khiến cán bộ chủ chốt tỉnh này bị “nổi tiếng” một cách “bất đắc dĩ”?

Đại biểu Trương Minh Hoàng: Nói chung, khi có tin đồn (thất thiệt) mà nó liên quan tới cán bộ cấp cao, do Ban Bí thư quản lý thì việc xác minh, công bố thông tin phải hết sức thận trọng.

Quan chức bị vu vạ, tung tin thất thiệt chọn im lặng hay lên tiếng? ảnh 2Phó Bí thư bị vu vạ có bồ nhí, không nên im lặng

Cơ quan có thẩm quyền cũng cần phải có thời gian để xác minh thông tin tới nơi, tới chốn.

Nếu làm vội vàng quá thì chưa hẳn đã đúng.

Nhưng điều quan trọng nhất, khi phát hiện những thông tin được cho là thất thiệt, xuyên tạc thì phải xử lý đến nơi đến chốn, tìm ra người tung tin xuyên tạc, xử lý nghiêm khắc, triệt để vi phạm mới đủ sức răn đe, đồng thời để "giải oan" cho cán bộ.

Tôi xin nhắc lại, các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò quan trọng trong việc đấu tranh, trước những thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội nhằm ổn định tình hình.

Không nên im lặng trước cái xấu

Có ý kiến cho rằng, người trong cuộc nên im lặng trước thông tin bị vu vạ, thất thiệt. Chính khách không có trách nhiệm đi giải trình với mạng xã hội. Cũng không có quy định nào bắt họ phải giải trình cả. Nếu lên tiếng, nhất là bằng văn bản, vô tình cơ quan có thẩm quyền, người trong cuộc đang hợp thức hoá tính pháp lý của những thông tin vỉa hè? Quan điểm của ông thế nào về việc này?

Đại biểu Trương Minh Hoàng: Vấn đề đặt ra là, những tin đồn thất thiệt, bịa đặt về cán bộ tạo sự nghi ngờ trong dư luận, có nguy cơ gây ảnh hưởng tới chính trị địa phương thì cần thiết phải làm rõ, tránh hoài nghi dư luận. 

Thời gian qua chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế những tin xấu độc lan truyền trên mạng xã hội nhưng chưa thể triệt để được.

Sau khi tin đồn Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa có “bồ nhí”, bản thân tôi cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại từ phía gia đình, bạn thân, chia sẻ sự băn khoăn xung quanh sự việc, rằng “thông tin này có đúng hay không?”. Điều này có thể thấy, không ít người dân "bán tín, bán nghi" trước những thông tin chưa được kiểm chứng. Vậy, qua những vụ việc nêu trên, ông có lời khuyên nào đối với người dùng mạng xã hội?

Đại biểu Trương Minh Hoàng: Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo, thận trọng trước những thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng.

Người dùng mạng xã hội khi phát hiện những thông tin chưa chính thống, hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm chứng thì không nên “nhân bản” nó.

Nếu ai cũng làm được như vậy thì thông tin xấu, thất thiệt trên mạng xã hội sẽ giảm đi rất nhiều.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

QUỐC TOẢN (THỰC HIÊN)