Phó Bí thư bị vu vạ có bồ nhí, không nên im lặng

21/03/2018 07:06
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa chưa đưa ra một văn bản chính thức nào để minh xét cho ông Hưng. Rõ ràng, việc im lặng trong lúc này là không nên.

Có nên im lặng lúc này?

Câu chuyện một số cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao bị vu vạ có "bồ nhí", hoặc hàng loạt thông tin, hình ảnh về tài sản kếch xù của số ít quan chức được đăng tải trên mạng xã hội thời gian vừa qua không còn là điều mới mẻ. 

Trong bối cảnh "tranh tối, tranh sáng", và dư luận có thiên hướng suy nghĩ lệch lạc trước những thông tin tiêu cực, chưa được kiểm chứng, định hướng một cách bài bản, chính thống, thì sự im lặng của cơ quan có thẩm quyền trong thời điểm hiện tại lại càng kích thích tính tò mò của nhiều người.

Thay vào đó, không ít ý kiến có thiên hướng kích động, thậm chí bôi nhọ lãnh đạo tỉnh này dù nguồn tin chưa được kiểm chứng một cách rõ ràng, chứ chưa cần nói đến đó là những tin đồn thất thiệt.

Phó Bí thư bị vu vạ có bồ nhí, không nên im lặng  ảnh 1Cần nhanh chóng làm rõ ông Đỗ Trọng Hưng có oan, có bị người ta hãm hại không?

Về nguyên tắc, đối tượng tung những nguồn tin được cho là thất thiệt, vu khống nhằm mục đích hạ uy tín cá nhân hoặc của tổ chức Đảng thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật.

Dù vậy, việc cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa chậm trễ trong việc xử lý "khủng hoảng dư luận" đã tác động không nhỏ tới tâm lý số đông khi tiếp nhận thông tin theo kiểu 1 chiều này.

Cơ quan có thẩm quyền hoặc thậm chí là cả người trong cuộc có thể đưa ra lý giải, rằng, "miệng lưỡi thế gian, hơi đâu mà để ý cho mệt", nhưng im lặng trong lúc này chưa chắc đã là cách làm hay, trong khi dư luận vẫn còn thường trực suy nghĩ "có thật sự việc như thế không?", "chắc ông Phó Bí thư bị bôi nhọ", "không có lửa làm sao có khói"...

Và trong bối cảnh ấy, thứ mà người ta chờ đợi, tiếp nhận được chỉ là những câu trả lời không chính thống được đặt ở dạng... ẩn danh, hay thậm chí đó là sự im lặng từ những cuộc điện thoại không có hồi đáp.

Điều này thật sự khó hiểu, bởi có lẽ chẳng mất mát gì việc đưa ra một thông cáo báo chí hay chí ít là một bản tin ngắn trên cổng thông tin điện tử để minh xét cho lãnh đạo trước những tin đồn nhảm nhí, vu khống, ngày càng lan rộng trong dư luận, trong bối cảnh cơ quan báo chí, truyền thông, người dùng mạng xã hội, thậm chí ngay cả cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng là người bị động khi tiếp cận thông tin này. 

Cần giải quyết "khủng hoảng" trước mắt

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 20/3 về nội dung trên, Luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, để trấn an dư luận, cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ nguồn gốc, đối tượng, động cơ mục đích khi đăng tải thông tin có dấu hiệu vu khống nêu trên.

Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú. Ảnh do nhân vật cung cấp.

"Nhưng trước mắt, các cơ quan như thanh tra trong lĩnh thông tin và truyền thông, khoa học công nghệ, cần phải vào cuộc để kiểm tra nguồn phát tán thông tin.

Thông tin nếu được cho là thất thiệt, vu khống lãnh đạo tỉnh thì nên nhanh chóng công khai cho dư luận được biết để người đọc không bị tiêm nhiễm bởi những thông tin xấu, độc", Luật sư Trương Anh Tú phát biểu.

Đồng ý quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa cho rằng, những thông tin thất thiệt về cán bộ chưa được kiểm chứng, sẽ tác động tiêu cực về nhận thức của nhiều người, hoặc ít nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý cán bộ.

"Các cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc để làm rõ đối tượng đứng sau hành vi vu khống lãnh đạo", Đại biểu Mai Sỹ Diến nói.

Vị đại biểu cũng cho rằng, người dùng mạng xã hội cần cảnh giác trước những thông tin chưa được kiểm chứng, trái chiều. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cũng cần quyết liệt hơn nữa trong việc đưa ra các giải pháp nhằm loại bỏ những thông tin độc hại xuất hiện trên mạng xã hội.

"Thông tin trên mạng xã hội có tính đa chiều. Do đó, người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo phân tích, chọn lọc thông tin trước khi sử dụng thông tin. 

Phó Bí thư bị vu vạ có bồ nhí, không nên im lặng  ảnh 3
Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến, Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa. Ảnh: Quochoi.vn.

Hiện nay, một số đối tượng tung tin thất thiệt trong nước đã bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy việc quản lý thông tin từ bên ngoài (tin từ máy chủ nước ngoài) vẫn còn là thách thức không nhỏ với cơ quan có thẩm quyền.

Trong thời gian vừa qua Bộ thông tin truyền thông đã tích cực đưa ra nhiều giải pháp trong việc phối hợp, phòng ngừa, ngăn chặn những thông tin độc hại lan truyền trên mạng xã hội. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta cần quyết liệt hơn nữa trong việc này", Đại biểu Mai Sỹ Diến nói.

 Trước đó, 19/3, một tài khoản Facebook có tên "Sơn Thai" đăng tải thông tin được cho là liên quan đến ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa có “bồ nhí”.

Những hình ảnh tin nhắn riêng tư xen lẫn công việc qua lại và hình ảnh một cô gái trẻ được đăng tải khiến cộng đồng mạng chia sẻ một cách chóng mặt đi kèm các bình luận mang tính vu khống, gây ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân ông Hưng và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa,

QUỐC TOẢN