Ngày 26/03, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố và thực hiện lệnh bắt nhiều bị can là cán bộ, nhân viên của Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh.
Các bị can bị điều tra về hành vi cố ý làm trái trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhân viên ngân hàng Eximbank bị bắt giữ, áp giải ra xe để về nơi tạm giam. (Ảnh: H.L) |
Văn phòng cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra lệnh truy nã quốc tế đối với Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Từ năm 2014 đến 2016, Hưng đã làm giả giấy ủy quyền để rút tiền từ tài khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng là bà Chu Thị Bình khoảng 245 tỷ đồng. Đến tháng 02/2017, Hưng xin nghỉ việc và bỏ trốn ra nước ngoài.
Ngoài trường hợp trên, tháng 03/2018, Công an tỉnh Nghệ An đã có kết luận liên quan đến vụ án xảy ra tại ngân hàng Eximbank Đô Lương.
Nguyễn Thị Lam – nhân viên ngân quỹ được giao nhiệm vụ thu, chi tiền mặt, kiểm tra hồ sơ thế chấp vay vốn của khách hàng, huy động vốn và cho vay theo chỉ tiêu.
Từ năm 2012 đến 2016, Lam lừa hàng chục khách hàng ký lệnh chi, ký khống chi ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền. Mỗi lần cần chữ ký khách hàng, Lam dùng thủ đoạn trả tiền lãi suất, tiền thưởng cho khách hàng và trộn lẫn các thủ tục vào các chứng từ:
Lam đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, lòng tin của đồng nghiệp và của khách hàng chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng của 6 khách hàng VIP gửi vào ngân hàng Eximbank.
Từ 2 sự việc trên, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng Eximbank là người chịu thiệt hại đầu tiên và nhân viên đã “cao chạy, xa bay”. Khả năng thu hồi số tiền thất thoát là thấp.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thạc sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Bộ môn Bảo hiểm Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, khi giao dịch với ngân hàng, khách hàng không được ký khống dù nhân viên ngân hàng nại lý do gì.
Khách hàng ký vào văn bản phải là văn bản phải có nội dung, tránh trường hợp ký khống vào tờ giấy trắng. Như trường hợp nhân viên ngân hàng tên Lam là một ví dụ điển hình của việc “ký khống” đã tiếp tay cho hành vi lừa đảo.
Nhân viên ngân hàng sẽ yêu cầu ký xác nhận khống và cũng là kẽ hở để nhân viên hay lãnh đạo ngân hàng trục lợi.
Thạc sĩ Hùng đánh giá, ngoài việc ký khống, khách hàng còn phải nắm rõ quy trình, quy định của ngân hàng cho loại dịch vụ mà mình sử dụng.
Bất kỳ ngân hàng nào cũng có quy định về gửi tiền, rút tiền, chuyển khoản, ủy nhiệm chi... Khách hàng cần tiếp cận và làm đúng theo quy trình của ngân hàng đã ban hành.
Nhiều khách hàng thường làm sai quy trình dẫn đến dễ bị nhân viên hay lãnh đạo “cấp trung” của ngân hàng chiếm đoạt tài sản, đẩy khách hàng vào thế bất lợi.
Thạc sĩ Nguyễn Tiến Hùng cảnh báo, trường hợp nhân viên ngân hàng đến giao dịch ở nhà khách hàng chứ không phải ở điểm giao dịch thì cần kiểm tra tư cách đại diện cho ngân hàng của nhân viên đó.
Khách hàng phải yêu cầu nhân viên ngân hàng xuất trình giấy giới thiệu ghi rõ nội dung đến để làm việc.
“Đặt trường hợp, nhân viên ngân hàng vừa mới bị sa thải, mang thẻ đến nhà khách hàng với mục đích xấu thì khó có căn cứ để ràng buộc trách nhiệm của ngân hàng”, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Hùng khẳng định.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chỉ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam nói, khi gửi tiền vào với giá trị lớn, một nhân viên ngân hàng chuẩn mực bao giờ cũng khuyên khách hàng sử dụng dịch vụ kèm thêm như InternetBanking và SMSBanking.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thu giữ nhiều tài liệu có liên quan đến vụ án tại Eximbank, chi nhánh thành phố Hồ Chí MInh. (Ảnh: H.L) |
Tức là, khách hàng có thể giám sát được biến động số tiền trong tài khoản thông qua kết nối mạng hoặc tin nhắn điện thoại. Đây là những ngân hàng minh bạch, muốn công khai biến động trong tài khoản để cho khách hàng kiểm soát.
Ngay từ đầu, các nhân viên không tư vấn cho khách hàng sử dụng các dịch vụ cùng giám sát tài khoản đã thể hiện dấu hiệu của sự gian dối và mờ ám.
Vẫn theo quy trình gửi tiền, dù gửi với số tiền bao nhiêu thì nhân viên ngân hàng phải bắt buộc người gửi ghi rõ số tiền bằng chữ và số.
Luật sư Hậu bình luận, ở một số ngân hàng, nhân viên đã làm thay cho khách hàng động tác này bằng hình thức đánh máy sẵn nên dễ dẫn đến hành vi trục lợi.
Đối với chữ ký, bộ hồ sơ hợp lệ phải có chữ ký và ghi rõ họ tên của khách hàng để thể hiện ý chí của người gửi tiền. Biến động tài khoản của khách hàng còn phải được phân cấp, giám sát giữa nhân viên và lãnh đạo ngân hàng.
Luật sư Hậu đưa ra ví dụ khi đã từng đi giao dịch ở một ngân hàng. Với số dư biến động vài chục triệu, khách hàng có thể được giao dịch trực tiếp với nhân viên.
Khách hàng Eximbank bị "bốc hơi" 245 tỷ đồng, Phó Thống đốc nói gì? |
Nhưng biến động gửi hoặc rút số tiền hàng trăm, hoặc hàng tỷ đồng thì cấp từ Trưởng phòng đến Giám đốc chi nhánh gọi điện thoại xác minh và trực tiếp giao dịch với khách hàng.
Quy trình giao dịch của khách hàng với ngân hàng được cụ thể hóa và minh bạch sẽ phòng ngừa được những trường hợp trục lợi từ nhân viên.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, theo thông lệ quốc tế về ngân hàng, khi khách hàng gửi tiền mà xảy ra sự cố thì ngân hàng chịu trách nhiệm đền tiền cho khách hàng ngay lập tức.
Sau đó, ngân hàng mới tính đến động thái xem xét hành vi của các nhân viên. Trừ trường hợp, khách hàng cấu kết với nhân viên ngân hàng nhằm trục lợi từ ngân hàng thì không khó để cơ quan chức năng nước sở tại phát hiện.
“Một vấn đề cần phải xác định rõ, khách hàng giao dịch với nhân viên ngân hàng để gửi tiền là đang gửi cho đại diện của ngân hàng”, luật sư Nguyễn Văn Hậu kết thúc vấn đề.