Đó là quan điểm của ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) với nhiều đề xuất mới về kiểm soát tài sản, thu nhập được đưa ra tại hội thảo:
“Góp ý hoàn thiện dự thảo luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi)” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua.
Sau khi chỉ ra những khiếm khuyết, hạn chế trong Luật phòng chống tham nhũng hiện hành, Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng đã “hiến kế” để việc kiểm soát tài sản, thu nhập đi vào thực chất.
Không thể kiểm soát hết 1 triệu người
Ông Đạt cho rằng, cần xác định rõ mục đích của việc kiểm soát tài sản, thu nhập là phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng cho rằng, cần thu hẹp diện kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng ưu tiên kiểm soát đối tượng có nhiều quyền lực, cơ hội tham nhũng cao. Ảnh báo Công an Nhân dân |
Nghĩa là thông qua hoạt động kiểm soát tài sản sẽ phải đạt được 3 mục tiêu cụ thể gồm: Qua kiểm soát tài sản, thu nhập, phải phát hiện xung đột lợi ích, góp phần phòng ngừa tham nhũng;
Thông qua các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập như thu nhập, phân tích, đánh giá về dòng tiền tích lũy và dịch chuyển phải phát hiện được tài sản, thu nhập bất hợp pháp để tiếp tục các biện pháp phát hiện hành vi tham nhũng;
Kiểm soát tài sản thu nhập góp phần thu hồi tài sản, thu nhập từ các hoạt động bất chính, trong đó có tài sản do tham nhũng.
Cũng theo Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng thì quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập mới (luật phòng chống tham nhũng sửa đổi) phải khắc phục hạn chế của quy định hiện hành.
Ông Phạm Trọng Đạt nêu nguyên nhân việc kê khai tài sản chỉ có tính hình thức |
Đó là quản lý tập trung bản kê khai và thành lập cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tập trung.
Nhằm tránh tình trạng quản lý các bản kê khai phân tán như hiện nay thì nên quản lý tập trung, quy về một mối. Qua đó, mới tạo nên hệ thống dữ liệu, dễ dàng theo dõi sự biến động về tài sản thu nhập.
Ông Đạt nói thêm, để đảm bảo theo dõi được biến động tài sản, thu nhập cá nhân, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bản kê khai tài sản là rất cần thiết. Tuy nhiên, với nguồn lực hiện nay không thể kiểm soát với quy mô lớn các bản kê khai.
“Theo ý kiến cá nhân tôi, trong điều kiện hiện nay, nên ưu tiên tăng cường chất lượng, hiệu quả kiểm soát và thu hẹp đối tượng kiểm soát.
Theo quy định hiện hành, hàng năm chúng ta có khoảng 1 triệu người phải kê khai tài sản.
Nếu kiểm soát toàn bộ tài sản, thu nhập của số người nói trên đòi hỏi phải đầu tư rất lớn về nguồn lực.
Do đó, cần thu hẹp diện kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng ưu tiên kiểm soát đối tượng có nhiều quyền lực, cơ hội tham nhũng cao”, ông Đạt nêu quan điểm.
Phải đồng bộ chế tài xử lý
Ông Đạt cũng đặt vấn đề là không nên giới hạn nội dung và đặt điều kiện xác minh tài sản thu nhập.
“Thực chất, hoạt động xác minh đối với bản kê khai chỉ là bước nghiệp vụ ban đầu để đảm bảo thông tin tài sản, thu nhập kê khai được đưa vào quản lý thực sự.
Nên coi việc xác minh tài sản, thu nhập là công việc nghiệp vụ thường xuyên của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và cần có quy định nhất định để đảm bảo rằng hoạt động đó không gây khó khăn cho người bị xác minh cũng như bảo vệ bí mật thông tin tài sản thu nhập cá nhân đã kê khai”, ông Đạt nói.
Thu hồi tài sản tham nhũng cần có thêm tội danh làm giàu bất hợp pháp |
Về chế tài xử lý, ông Đạt cho rằng cần phải được đồng bộ. “Hiệu lực, hiệu quả của việc minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập là việc kết nối sau xác minh với các chế định pháp luật khác để đi tới kết quả cuối cùng trong việc phát và hiện xử lý tham nhũng.
Bằng hàng loạt hoạt động kê khai, giải trình, theo dõi, xác minh, nếu kết quả cuối cùng kết luận người nào đó minh bạch về tài sản mà toàn bộ tài sản của người đó là hợp pháp. Tổ chức sẽ hoàn toàn yên tâm khi sử dụng, xã hội tin tưởng”.
Ông Đạt phân tích thêm, nhưng nếu kết quả của quá trình kiểm soát chỉ ra rằng người nào đó không minh bạch về tài sản (đã không trung thực trong kê khai tài sản hoặc không hợp lý khi giải trình về nguồn gốc tài sản) thì cần thiết phải chuyển tiếp về những chế tài tiếp theo trong hệ thống pháp luật để xử lý đến cùng.
Như áp dụng hình thức đưa ra khỏi bộ máy đối với người đã được kết luận, kê khai không trung thực.
Đồng thời, tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm tra, thanh tra, điều tra để làm rõ nguồn gốc tài sản để xử lý.
Nếu tài sản do hành vi phạm tội thì xử lý theo pháp luật hình sự. Nếu tài sản chưa chứng minh được do phạm tội mà cá nhân không giải trình được hoặc giải trình không hợp lý thì áp dụng biện pháp hành chính thu hồi – ông Đạt cho hay.