Đó là quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đưa ra tại hội thảo: “Góp ý hoàn thiện dự thảo luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi)” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua.
Truy thu thuế 45% không thuộc luật phòng chống tham nhũng
Theo ông Quyền, việc xử lý tài sản liên quan đến tham nhũng là vấn đề khó nhất của dự thảo Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này.
Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, cần có thêm tội danh làm giàu bất hợp pháp. Ảnh: AN |
Vì chúng ta phải nghiên cứu, quy định trong điều kiện mà cho đến nay Nhà nước chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội.
“Thực tế, tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng chống tham nhũng cho thấy việc thu hồi sản do tham nhũng mà có qua từng năm trên dưới chỉ khoảng 10% số tài sản của nhà nước bị thất thoát.
Do đó, việc nghiên cứu để có thể thu hồi được tài sản của Nhà nước đã mất qua hành vi tham nhũng mà có là rất cần thiết và bức xúc trong giai đoạn hiện nay”.
Ông Quyền nói thêm, riêng đối với tài sản mà cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn có được một cách bất thường không giải thích được hoặc giải thích không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp thì vẫn chưa có quy định, cơ chế để xử lý, gây bức xúc trong nhân dân.
Điển hình như trường hợp vụ nuôi lợn, bán chổi đót để xây biệt phủ ở Yên Bái.
Về quy định truy thu 45% thuế thu nhập đối với tài sản không giải trình được một cách hợp lý hoặc kê khai không trung thực (dự thảo Luật), ông Quyền nêu quan điểm:
Việc xem xét tài sản này dưới góc độ trốn thuế và phải truy thu thuế 45% là một việc làm bình thường.
Nhưng theo ông Quyền, đây là vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật quản lý thuế và các đạo luật về thuế khác.
Các đạo luật này cần quy định bổ sung đối tượng trốn thuế, truy thu thuế là những tài sản làm giàu bất hợp pháp, không giải trình được một cách hợp lý, kê khai không trung thực.
Vấn đề này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
“Luật phòng chống tham nhũng phải nghiên cứu để quy định cho được các tài sản có từ tham nhũng hoặc liên quan tới tham nhũng đều phải bị thu hồi.
Đối với các tài sản bất hợp pháp do phạm tội mà có hoặc do thông qua việc rửa tiền thì cũng đều không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này mà thuộc phạm vi của Bộ luật hình sự, Luật phòng chống rửa tiền”, ông Quyền chia sẻ.
Làm thế nào để Nhà nước có thể xử lý tài sản liên quan đến tham nhũng?
Trả lời câu hỏi này, ông Quyền cho rằng, tất cả biện pháp hành chính để xử lý vấn đề này đều không phù hợp với những nguyên tắc của hệ thống pháp luật.
Theo đó, bất luận thế nào thì việc thu hồi tài sản có liên quan đến tham nhũng phải thông qua con đường tư pháp tại Tòa án và phải thực hiện theo hai cơ chế sau đây:
1 triệu bản kê khai tài sản, chỉ phát hiện 5 người vi phạm, xử lý được 4 người |
Cơ chế thứ nhất: Chứng minh tài sản đó có quan hệ nhân quả với hành vi tham nhũng và từ hành vi tham nhũng có thể để thu hồi theo quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự.
Phương pháp này được thực hiện khá phổ biến ở các quốc gia mà nhà nước đã kiểm soát được tài sản, tham nhũng của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Cơ chế thứ hai: Cần nội luật hóa quy định tại điều 20 về làm giàu bất hợp pháp trong Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (mà nước ta là thành viên).
Trong đó nêu: “trên cơ sở Hiến pháp và luật pháp của mỗi quốc gia sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp cần thiết nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất hợp pháp;
Nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng lên đáng kể như vậy”.
Ông Quyền phân tích, bằng con đường này, Nhà nước cần nghiên cứu, bổ sung vào Bộ luật hình sự quy định một số tội danh làm giàu bất hợp pháp.
Và như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý rất căn cơ để xử lý vấn đề về thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng.
“Có ý kiến cho rằng, nghĩa vụ chứng minh vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc về Nhà nước. Cái đó đúng.
Và để giải quyết vấn đề đó, chúng ta cần quy định ngay trong cấu thành cơ bản của tội danh làm giàu bất hợp pháp về hành vi phạm tội: “không giải thích được một cách hợp lý về lý do tài sản sản tăng lên”.
Còn thế nào là hợp lý thì cần quy định rõ ngay trong luật, đồng thời sẽ được tranh tụng công khai, minh bạch trước phiên tòa – ông Quyền nói.