Trong những năm qua, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam đã được mở rộng về quy mô đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân, bước đầu hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong giai đoạn sắp tới, nhiều yếu tố sẽ tác động đến hệ thống giáo dục đại học, đỏi hỏi những đổi mới sâu sắc và toàn diện.
Chính vì vậy ngày 29/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ngân hàng thế giới cùng các chuyên gia quốc tế tổ chức hội nghị tham vấn xây dựng chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035.
Đây là hội nghị đầu tiên trong chuỗi các hội nghị tham vấn để cùng thảo luận, trao đổi, đưa ra các ý kiến đóng góp từ chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà tuyển dụng, các thầy cô giáo, sinh viên...
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Giáo dục đại học đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp nguồn nhân lực bậc cao và đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Giáo dục đại học cần phát huy tốt kết quả của nền giáo dục phổ thông để đào tạo được một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, có các kỹ năng mềm, có tư duy sáng tạo và khả năng học tập suốt đời để đáp ứng và thích nghi với sự thay đổi liên tục của thị trường lao động toàn cầu”.
Ông Nhạ cũng thông tin thêm, trong những năm qua, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước thông qua việc mở rộng về quy mô, đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng và bước đầu hội nhập quốc tế.
Mặc dù đạt được một số thành tựu, kết quả đáng ghi nhận, giáo dục đại học của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém.
Mặc dù đạt được một số thành tựu, kết quả đáng ghi nhận, giáo dục đại học của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. (Ảnh; Thùy Linh) |
Bộ trưởng Nhạ chỉ rõ, chất lượng của lực lượng lao động được đào tạo trình độ đại học vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta;
Thiếu các nghiên cứu khoa học có chất lượng quốc tế từ các cơ sở giáo dục đại học; hạn chế về tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình;
Thiếu chính sách tạo động lực hiệu quả đối với đầu tư của xã hội, doanh nghiệp cho giáo dục đại học; cơ chế tài chính cho giáo dục ở cấp quốc gia lẫn cấp cơ sở chưa hiệu quả và thiếu bền vững.
6 vấn đề Thủ tướng giao Bộ Giáo dục cần khắc phục càng sớm càng tốt |
“Những hạn chế này sẽ trở nên thách thức hơn khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu;
Khi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những thay đổi sâu sắc về cơ cấu ngành/nghề lao động và những yêu cầu mới về năng lực và kỹ năng của người học;
Khi nhiều công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi căn bản về mô hình đào tạo, phương thức dạy và học với sự phát triển của đào tạo mở trực tuyến;
Và khi tự do thương mại, dịch vụ sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt về cung, cầu nguồn nhân lực bậc cao giữa các quốc gia, trước mắt là trong cộng đồng ASEAN”, Tổng tư lệnh ngành giáo dục nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Ju-Ho Lee - Ủy viên và nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc; Ông Javier Botero Alvarez – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Colombia, chuyên gia giáo dục hàng đầu ngân hàng quốc tế... cùng một số chuyên gia quốc tế khác đã chia sẻ và quan điểm, ý kiến về giáo dục đại học ở quốc gia của họ.
Được biết, trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ rõ những yếu tố sẽ tác động đến hệ thống giáo dục đại học trong thời gian tới. Đó là:
Thứ nhất, phát triển nền kinh tế trí thức và năng lực cạnh tranh để có vị thế cao trong khu vực và trên thế giới khi Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng trong chuỗi sản xuất toàn cầu đòi hỏi hệ thống giáo dục đại học có khả năng cung cấp một lực lượng lao động chất lượng cao cho thị trường lao động.
Thứ hai, tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc về cơ cấu ngành/nghề lao động và những yêu cầu mới về năng lực và kỹ năng của người học.
Luật giáo dục đại học cần làm rõ khái niệm “trường đại học không vì lợi nhuận” |
Thứ ba, sự phát triển của nhiều công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin sẽ tạo ra những thay đổi căn bản về mô hình đào tạo và phương thức dạy và học (sự phát triển của đào tạo mở trực tuyến với các trường đại học ảo và các khóa học trực tuyến mở).
Thứ tư, tự do chuyển dịch lao động xuyên quốc gia tạo ra sự cạnh tranh về cung nguồn nhân lực bậc cao, trước hết trong ASEAN.
Đồng thời, tự do thương mại dịch vụ giáo dục đại học toàn cầu tạo ra cạnh tranh giữa các trường đại học trong và ngoài nước trong thu hút sinh viên.
Trước bối cảnh mới này, Đảng và Nhà nước đã có những định hướng lớn về đổi mới giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng trong đó bao gồm: định hướng về vai trò của nhà nước từ kiểm soát trực tiếp sang kiến tạo, giám sát; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, trách nhiệm giải trình cao đối với cơ sở giáo dục đại học; đổi mới quản trị đại học theo hướng hội nhập với thế giới.
Được biết, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn và tạo điều kiện cho một số chuyên gia uy tín, các nhà thực tiễn và nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng Khung đề cương Chiến lược và tiến hành một số khảo sát đánh giá về quản trị đại học, cơ chế phân bổ tài chính và đầu tư và cơ chế đối tác công tư trong giáo dục đại học.
Theo đó, chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 là đến 2030, tầm nhìn 2035, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức;
Tiên phong và dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập toàn diện với hệ thống giáo dục đại học thế giới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của quốc gia...
Trong chương trình xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035, các nhóm nghiên cứu được Bộ giao nhiệm vụ đã phối hợp với Ngân hàng thế giới để hoàn thành báo cáo tổng quan về ba trụ cột chính trong chiến lược là:
(1) Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình;
(2) Tài chính và đầu tư trong giáo dục đại học;
(3) Kết nối cung cầu và cơ chế đối tác công tư trong giáo dục đại học.