Theo giáo sư Phạm Gia Khải, giá như có thông báo trước về sự gắt gao trong việc yêu cầu minh chứng chi tiết về giờ giảng, ông tin nhiều người sẽ không làm hồ sơ ngay từ đầu chứ không phải đợi đến lúc rà soát.
Đến lúc này, uy tín của Hội đồng xét duyệt cũng mất, ứng viên không được cũng bị ảnh hưởng.
Giáo sư Phạm Gia Khải cho rằng, quan niệm: “Một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người.
Nếu Bộ trưởng, Thứ trưởng mà lại là giáo sư thì uy tín, sự nổi tiếng càng cao vì vừa là tri thức, vừa là quản lý.
Nhưng giờ quan điểm nhìn nhận thực tế hơn là không thể vừa làm quản lý, vừa làm công tác giảng dạy được. Các quan chức không được công nhận không phải vì kém mà là thực tế thời gian chỉ có vậy sao làm được nhiều việc.
Giáo sư Phạm Gia Khải. (Ảnh: VOV) |
Chúng ta không cấm người vừa làm quản lý vừa tham gia làm khoa học nhưng thực tế là không thể thực hiện được.
“Nếu lãnh đạo đi công tác, kiểm tra các địa phương không lẽ sinh viên lùi thời gian học để chờ vị đó về? Việc giảng dạy như vậy không được”, giáo sư Khải nêu.
Giáo sư chia sẻ, trước đây, việc các ứng viên bị rà soát và bị loại chưa từng sảy ra nhiều như vậy một phần là do Hội đồng xét duyệt có “châm chước” hơn.
Theo đó, số giờ giảng hầu hết ứng viên khai thế nào thì đồng ý như vậy. Hiện nay, chủ trương Nhà nước siết chặt lại. Bây giờ ứng viên tham gia giảng dạy là phải minh chứng kỹ càng hơn.
“ Khẩu hiệu là như nhau nhưng cách thực hiện thì có khác nhau”, giáo sư Khải nói.
Ông nêu thực tế, những cán bộ làm quản lý, thời gian đâu mà giảng dạy.
“Tôi là người làm nghề giảng dạy tôi biết, điều này là rất khó”, giáo sư Khải nêu.
Vị giáo sư ngành y học phân tích, quan điểm của xã hội về người làm lãnh đạo quản lý đã thay đổi.
Đánh giá một Bộ trưởng, Thứ trưởng cần xem là ở vai trò đó họ làm công tác quản lý mà Chính phủ giao có hoàn thành chứ không phải chuyện giảng bài tốt hay không.
Chính vì thế, bây giờ có lẽ đúng hơn các vị làm lãnh đạo quản lý hãy làm tốt công tác này thay vì cố gắng để được phong giáo sư, phó giáo sư.
Theo giáo sư, những thay đổi về quan điểm đánh giá kỹ càng trên có đột ngột nhưng dần dần nó sẽ tốt với những người làm quản lý. Các vị làm quản lý nên chuyên tâm vào công việc của mình thay vì cố thêm một học hàm.
Vì sao 41 người không được công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017? |
Giáo sư Khải chia sẻ, bản thân ông từng ở trong Hội đồng xét duyệt nên ông chia sẻ áp lực với các thành viên tham gia hội đồng xét duyệt các vị quan chức.
“Nếu mình không xét duyệt ai cũng phiền lắm. Ví dụ như nếu ứng viên đó là thủ trưởng của mình, không bỏ phiếu có khi lại khó cho chính thành viên hội đồng xét duyệt.
Các thành viên hội đồng chắc chắn không thích thú gì khi xét duyệt một vị lãnh đạo để được công nhận là giáo sư, phó giáo sư đâu”, giáo sư Khải nói.
Để lọt 41 ứng viên không đạt chuẩn công nhận giáo sư, phó giáo sư, theo giáo sư Phạm Gia Khải là trách nhiệm của cả Hội đồng và ứng viên.
“Nhưng trách nhiệm lớn nhất là thuộc về Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước”, giáo sư Phạm Gia Khải nêu quan điểm.
Giáo sư Khải nhấn mạnh, đã đến lúc, chúng ta cần mạnh dạn đoạn tuyệt với quan niệm lãnh đạo quản lý phải có học hàm cao. Và xã hội hãy đánh giá họ ở vai trò quản lý để họ toàn tâm toàn ý.