Đừng xem Việt Nam là "miếng bánh"

09/04/2018 07:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Nga bán vũ khí cho cả Việt Nam lẫn Trung Quốc, tự tin sẽ tiếp tục vai trò nhà cung cấp chủ đạo của Việt Nam trước cạnh tranh từ Mỹ, vì giá rẻ, tương thích cao.

Ngày 3/4 nhà nghiên cứu Nate Fischler từ thành phố Hồ Chí Minh có bài phân tích đăng trên Asia Times với tiêu đề: "Mỹ sẽ không dễ phá vỡ những gì Nga đang nắm giữ ở Việt Nam".

Chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài viết này và sau đó có đôi lời bình luận. Tiêu đề phụ trong bài do người viết đặt để quý bạn đọc tiện theo dõi.

"Khi mối quan hệ giữa Nga với phương Tây xấu đi, Việt Nam sẽ thấy ngày càng khó khăn để cân bằng các mối quan hệ chiến lược đa dạng của mình.

Trong khi nhiều nhà quan sát nhìn nhận chuyến viếng thăm trung tâm Đà Nẵng của tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson là một bước đột phá mang tính biểu tượng, Nga vẫn là đối tác ưu tiên của Việt Nam.

Học giả Nga và tâm tư "miếng bánh thị phần vũ khí" 

Bất chấp sức mạnh đáng kể của tàu sân bay Hoa Kỳ, các hoạt động chung tại Việt Nam chỉ mang màu sắc sức mạnh mềm hơn là sức mạnh cứng, với hoạt động chơi bóng, giao lưu âm nhạc, thăm trại trẻ mồ côi chứ không phải tập trận.

Thủy thủ tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson giao lưu với sĩ quan, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam trong dịp thăm Đà Nẵng. Ảnh: Today Online.
Thủy thủ tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson giao lưu với sĩ quan, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam trong dịp thăm Đà Nẵng. Ảnh: Today Online.

Mặc dù đây là hoạt động công khai hơn là một đối thoại chiến lược, nhưng chuyến thăm vẫn là nỗ lực xây dựng lòng tin có hiệu quả cao trong bối cảnh cả Mỹ lẫn Việt Nam phải đối mặt với sự leo thang ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông chiến lược có nhiều tranh chấp.

Nhưng việc Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc chỉ là một phần câu chuyện đối với Việt Nam. Trong khi Mỹ duy trì lệnh cấm vận kéo dài hàng thập kỷ, thì Nga đã cung cấp các vũ khí phong phú cho Việt Nam.

Từ năm 2011 đến 2015, 93% vũ khí Việt Nam mua sắm do Nga cung cấp. Việt Nam hiện là thị trường vũ khí lớn thứ 3 của Nga, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc.

Sự tin cậy của Việt Nam vào vũ khí trang bị của Nga bắt nguồn từ quan hệ đồng minh trong Chiến tranh Lạnh giữa 2 nước.

Tuổi thọ của quan hệ quốc phòng Hà Nội - Moscow tiếp tục là điểm mạnh, kể cả về tính tương thích lẫn sự quen thuộc.

Điều này đã củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai bên, một chỉ dấu quan trọng của mối quan hệ hàng đầu trong chính sách đối ngoại, quốc phòng đa chiều của Việt Nam.

Ngược lại, Hoa Kỳ và Việt Nam lại có mối quan hệ đối tác toàn diện hơn, một thuật ngữ được sử dụng lần đầu tiên sau khi nâng cấp quan hệ song phương năm 2013.

Việt Nam có quan hệ "hợp tác toàn diện" song phương với 11 quốc gia khác.

Trong khi sự kiện Tổng thống Barack Obama nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam từ 2016 và chuyến thăm của USS Carl Vinson là những cột mốc quan trọng trong hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ, Nga sẽ vẫn tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Việt Nam trong tương lai gần.

Việt Nam là nước nhập khẩu vũ khí lớn để đáp ứng quy mô lẫn nhu cầu hiện đại hóa quân sự, đây có thể vẫn là một ưu tiên chính sách trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông mà chưa rõ khi nào kết thúc.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng ngày 31/5/2017, ảnh: NurPhoto / Cheriss May.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng ngày 31/5/2017, ảnh: NurPhoto / Cheriss May.

Việt Nam vẫn chưa thực sự mua sắm bất kỳ vũ khí trang bị nào đáng kể từ Hoa Kỳ, mặc dù Tổng thống Donald Trump đã vận động hành lang vào tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nhắc lại tháng Giêng năm nay.

Sự quen thuộc của Việt Nam với vũ khí Nga có nghĩa là các đơn hàng từ Hoa Kỳ có chi phí cao hơn, ngoài ra còn quá trình phối hợp phức tạp hơn với hệ thống vũ khí hiện có.

Nhưng quan trọng hơn, có lẽ là vì mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên bang Nga không kèm theo hành lý tư tưởng.

Trong khi Hoa Kỳ liên tục thúc đẩy cải cách trong nước ở Việt Nam, bao gồm cả các khoản trợ cấp cho các liên đoàn lao động độc lập, Nga không nhấn mạnh vấn đề dân chủ, nhân quyền như một phần cam kết.

Sự thúc đẩy của Hoa Kỳ với các nguyên tắc này vẫn là nguồn gây lo lắng cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, đặc biệt là mối quan hệ chiến lược ấm áp hơn nằm trong nỗ lực chung để (Việt Nam) đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông.

Do đó, Nga sẽ vẫn là một sự cân bằng quan trọng trong khi Việt Nam hiệu chỉnh quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thăm Hà Nội vào tháng Giêng để tham dự các cuộc họp cấp cao với Đại tướng Ngô Xuân Lịch, chào xã giao Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tiếp ông Shoigu cho thấy vị thế hàng đầu của Nga trong các chính sách hiện đại hóa quốc phòng và an ninh của Việt Nam.

Trong chuyến thăm của ông Shoigu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga vẫn là ưu tiên hàng đầu, vẫn coi Nga là đối tác quan trọng nhất trong hợp tác quân sự.

Khái niệm như vậy chắc chắn đã trở nên phổ biến trong các tương tác quốc phòng giữa 2 bên từ lâu.

Đáng kể hơn, chuyến thăm của ông Sergei Shoigu làm dấy lên các thỏa thuận mới cho các cuộc tập trận quân sự chung vào năm 2020, cùng như đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình và thực thi pháp luật.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Sergei Shoigu duyệt đội danh dự trong chuyến thăm Việt Nam tháng Giêng 2018. Ảnh: Wikipedia.
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Sergei Shoigu duyệt đội danh dự trong chuyến thăm Việt Nam tháng Giêng 2018. Ảnh: Wikipedia.

Nga và Việt Nam đã ký thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD trong chuyến thăm Nga năm 2009 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để mua 6 tàu ngầm Kilo có khả năng tấn công, trang bị các tên lửa từ trường do Nga sản xuất với tầm bắn 300 km.

Cả 6 chiếc này đều đã được bàn giao, trong khi hải quân Nga đang tập huấn cho các thủy thủ Việt Nam.

Năm ngoái Nga cũng đã đưa các trạm kiểm soát tên lửa, tên lửa phòng không đến Việt Nam, giúp Việt Nam thiết kế và chế tạo tàu quân sự trong nước.

Tháng 6/2015 Việt Nam công bố một số tàu hộ tống lớp Tarantul tự đóng trong nước với tên lửa có tầm bắn 130 km.

Nhờ có Nga, (nguyên) Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Trương Quang Khánh tuyên bố, Hải quân Việt Nam giờ đây có thể nắm vững công nghệ và kỹ thuật đóng tàu quân sự hiện đại, tăng cường đáng kể năng lực tác chiến trên Biển Đông.

Việt Nam đã mua tổng cộng 129 hệ thống tên lửa, 36 máy bay và 8 tàu hải quân của Nga từ năm 2011.

Khách hàng là "thượng đế"

Mặc dù Moscow có thể được hưởng những quyền lợi đặc biệt vì là đối tác quân sự hàng đầu của Hà Nội, nhưng chính sách đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam vẫn là 3 không:

Không liên minh quân sự với nước nào, không cho quốc giao nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, không liên kết với nước này chống lại nước khác.

Phù hợp với chính sách đa dạng này, cảng Cam Ranh mà Việt Nam cho Nga thuê trong 25 năm đã hết hiệu lực từ 2004. Hoa Kỳ rất quan tâm đến khả năng truy cập thường xuyên vào cảng chiến lược này.

Mối quan hệ xấu hơn với phương Tây đã khiến Nga phải cân bằng lại mối quan hệ với Trung Quốc, giảm phần nào sự ủng hộ quân sự mà Nga mong muốn giúp Việt Nam có thêm lợi thế ở Biển Đông.

Đừng xem Việt Nam là "miếng bánh" ảnh 4

Học giả Đài Loan bàn về thách thức chiến lược của Việt Nam trên Biển Đông

Trong khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam đã thúc đẩy Hà Nội hướng về phía Mỹ, Nga đã đảm bảo không làm mất ổn định bằng cách cung cấp vũ khí cho Việt Nam.

Điều này sẽ không làm thay đổi cân bằng sức mạnh trên Biển Đông và không chọc tức Bắc Kinh.

Trong khi Hoa Kỳ muốn Việt Nam  giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí Nga và nổi lên các thông tin Hà Nội ngày càng không đánh giá cao các vũ khí do Nga sản xuất, Moscow cũng đang chào bán vũ khí cho Bắc Kinh, mối quan hệ chiến lược chặt chẽ giữa 2 nước (Nga - Việt) sẽ không bị thay thế bởi Mỹ trong tương lai gần."

Chúng tôi cho rằng, đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ quốc tế cùng chính sách "3 không" của Việt Nam là đúng đắn, cần thiết để bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh quốc gia và hòa bình, ổn định trong khu vực.

Các mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, Nga hay Trung Quốc cũng đều không nằm ngoài mục đích nói trên.

Tuy nhiên, việc mua sắm vũ khí trang bị và tăng cường phòng thủ dựa trên nhiều yếu tố chiến lược phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Chúng tôi không phủ nhận vai trò to lớn của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay đối với sự nghiệp hiện đại hóa quốc phòng của Việt Nam.

Nhưng dựa hoàn toàn vào một nguồn cung cấp luôn luôn là lựa chọn có nhiều rủi ro. Thứ nhất là độc quyền sẽ sinh ra làm giá, thứ hai chính tác giả cũng thừa nhận:

Đừng xem Việt Nam là "miếng bánh" ảnh 5

Trung Quốc tập trận bất hợp pháp ở Hoàng Sa và thông điệp đến quan hệ Việt - Mỹ

Nga vừa bán vũ khí cho Việt Nam, vừa bán vũ khí cho Trung Quốc, và Trung Quốc lại mua được nhiều vũ khí tiên tiến hơn trong bối cảnh 2 nước có mâu thuẫn, tranh chấp trên Biển Đông (do Trung Quốc đơn phương tạo ra).

Nếu nhìn ở góc độ thương mại thuần túy, thì Nga hay Mỹ đều chỉ đang xem Việt Nam như một miếng bánh thị trường vũ khí của họ, mặc dù mỗi nước có một cách tiếp thị, chào hàng khác nhau.

Đây cũng là mặt trái cần tính đến, bởi rất có thể đằng sau những tuyên bố hợp tác nhân danh những điều tốt đẹp là những đơn hàng họ đang muốn đẩy về phía chúng ta. 

Chúng tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam hiểu rất rõ điều này, và sẽ có quyết sách phù hợp nhất với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bài viết của tác giả Nate Fischler đứng trên quan điểm lợi ích của Nga và phản ánh xung đột Nga - Mỹ nhiều hơn là quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa Nga và Việt Nam.

Vũ khí rẻ không phải lúc nào cũng là một lợi thế, bởi khi lựa chọn những gì để tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia, thì hiệu quả cao mới là ưu tiên số 1.

Ngược lại, nếu có các lựa chọn tương đương mà một nguồn cung làm giá, thổi giá thì không có lý do gì khách hàng lại lựa chọn nhà cung cấp ấy.

Nguồn:

[1]http://www.atimes.com/article/us-wont-easily-break-russias-hold-vietnam/

Hồng Thủy