Học giả Đài Loan bàn về thách thức chiến lược của Việt Nam trên Biển Đông

08/04/2018 07:03
Hồng Thủy
(GDVN) - Mua vũ khí Mỹ là một giải pháp, nhưng không làm giảm gánh nặng tài chính. Các siêu cường đang theo dõi đặc biệt nhất cử nhất động của Việt Nam ở Biển Đông.

Tiến sĩ Wu Shang-Su, nghiên cứu viên Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, từng làm việc tại Đại học Quốc phòng Đài Loan và Viện Lập pháp Đài Loan, ngày 8/4 có bài phân tích về những thách thức của Việt Nam trên Biển Đông.

Bài viết có tiêu đề: "Để tìm cách ngăn chặn (sự bành trướng của) Trung Quốc, Việt Nam phải đối mặt với những lựa chọn phòng thủ khó khăn" đăng trên tờ Today Online, Singapore. 

Nhận thấy bài viết này có thể cung cấp một góc nhìn đáng chú ý từ bên ngoài, chúng tôi xin giới thiệu nội dung này để hầu bạn đọc. Trong bài, phần chú thích nào in nghiêng là của người viết.

"Ngày 5/3, tàu sân bay USS Carl Vinson đã cập cảng Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Việt Nam (cách gọi của người Mỹ, hoặc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo cách gọi của người Việt Nam), một tàu sân bay Hoa Kỳ đến neo đậu trên một vùng biển Việt Nam bằng lời mời thăm chính thức.

Cuộc viếng thăm của USS Carl Vinson nhắc nhở chúng ta rằng, so với những nỗ lực hàng thế kỉ của Việt Nam để cân bằng với quyền lực Trung Quốc, sự đối kháng của Việt Nam với Hoa Kỳ tương đối ngắn ngủi;

Và mong muốn của Hà Nội về sức mạnh ngăn chặn để quản lý những yếu tố chiến lược bất định của mình, liên quan đến bạn bè mới và kẻ thù cũ.

Việc thiết lập thế đứng quân sự của Việt Nam từ lâu đã được tiến hành dưới cái bóng của các siêu cường.

Thủy thủ Mỹ và sĩ quan trẻ của Hải quân Việt Nam trên tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng, ảnh: Today Online.
Thủy thủ Mỹ và sĩ quan trẻ của Hải quân Việt Nam trên tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng, ảnh: Today Online.

Trong 30 năm qua, Việt Nam đã phải đối mặt với 2 thách thức lớn: sự sụp đổ của Liên Xô và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Mặc dù hai diễn biến này diễn ra qua các thế hệ lãnh đạo khác nhau của Việt Nam, nhưng cả hai đều nằm trong kế hoạch quốc phòng của Hà Nội.

Giống như hầu hết các quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo, trong Chiến tranh Lạnh, Việt Nam đã nhận được một khoản viện trợ quân sự lớn từ Liên Xô.

Do môi trường chiến lược của Việt Nam bị gián đoạn bởi cuộc Chiến tranh Trung - Việt năm 1979 (Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 và kéo dài các hoạt động gây hấn đến năm 1989), Moscow đã chọn tập trung vào việc tăng cường lực lượng lục quân cho Việt Nam.

Mặc dù có yêu cầu từ phía Việt Nam, nhưng hải quân đã bị gạt ra ngoài lề, không có tàu ngầm nào được chuyển từ Liên Xô về cho Hà Nội.

Sau khi chấm dứt viện trợ của Liên Xô năm 1992, nền kinh tế Việt Nam đã thực hiện một bước chuyển đổi lớn lao qua chính sách Đổi mới, và việc duy trì đội quân hiện có đã trở thành gánh nặng.

Nhờ cải cách kinh tế, các nguồn lực hiện đại hóa đã xuất hiện từ giữa những năm 1990. Sự phân bố các nguồn lực được xác định bởi các yếu tố bên ngoài, đó là Trung Quốc.

Trong những năm 1990, mối quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh đã được cải thiện sau khi giải quyết xong vấn đề biên giới trên đất liền và phân định vịnh Bắc Bộ.

Học giả Đài Loan bàn về thách thức chiến lược của Việt Nam trên Biển Đông ảnh 2

Trung Quốc tập trận bất hợp pháp ở Hoàng Sa và thông điệp đến quan hệ Việt - Mỹ

Nhưng trong lúc quan hệ chính trị ấm lên, thì quân đội Trung Quốc lại nhanh chóng hiện đại hóa còn quân đội Việt Nam vẫn có nhiều mặt yếu kém và lạc hậu.

Các yêu sách hàng hải tranh chấp (trên Biển Đông) là nguyên nhân có thể nhất để xảy ra xung đột Trung - Việt.

Hiện nay, Việt Nam đang tập trung nguồn lực vào hiện đại hóa hải quân và không quân. Đó là những gì diễn ra trong một thập kỷ qua.

Từ năm 2008 đến 2012, Việt Nam đã ký kết các hợp đồng mua vũ khí lớn như tàu ngầm, tàu khu trục nhỏ và máy bay chiến đấu cũng như các thiết bị quân sự khác, từ Nga, Canada, Hà Lan, Mỹ và Nhật Bản.

Nhưng chủ nghĩa phiêu lưu của Bắc Kinh trên Biển Đông (theo tên gọi Việt Nam) từ cuối những năm 2000 rõ ràng là một yếu tố trong việc đổi mới tập trung vào chiến lược biển của Hà Nội, tăng cường đầu tư cho hải quân, không quân.

Sau khi mua các vũ khí trang bị hải quân, không quân tiên tiến này, vị thế của Việt Nam ở Biển Đông so với Trung Quốc ít bị tổn thương hơn trước đây.

Tuy nhiên, cách tiếp cận không đồng đều đối với hiện đại hóa có thể tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Hà Nội:

Việt Nam có nên tiếp tục đầu tư tập trung vào hải quân, không quân hay đầu tư cho toàn quân?

Cấu trúc của quân đội Việt Nam là di sản của Chiến tranh Lạnh, đang bị lãng quên do khả năng chiến tranh mặt đất thấp.

Một cuộc xâm lược trên đất liền từ Trung Quốc không thể bị loại trừ hoàn toàn, nhưng rất khó để tưởng tượng rằng Trung Quốc phá vỡ các hiệp ước biên giới đã ký kết, vì có nguy cơ phản ứng từ các cường quốc khác ở châu Á.

Việt Nam vẫn duy trì một hệ thống bảo vệ lãnh thổ bao gồm lục quân, biên phòng và dân quân.

Tuy nhiên, nếu không có những đổi mới đáng kể, quân đội Việt Nam sẽ ngày càng mất cạnh tranh so với Trung Quốc, đó là một nguy cơ chiến lược đối với Việt Nam.

Sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan 981 bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014 không chỉ để nghi binh cho hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa, mà còn là một phép thử phản ứng của Việt Nam. Ảnh: Reuters.
Sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan 981 bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014 không chỉ để nghi binh cho hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa, mà còn là một phép thử phản ứng của Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Bắc Kinh có thể phơi bày những điểm yếu và sự sẵn sàng của Việt Nam thông qua việc triển khai các cuộc tập trận gần biên giới mà không gây ra xung đột. Hiện đại hóa quân đội Việt Nam sẽ mang lại hiệu quả ngăn chặn.

Sức mạnh của hải quân và không quân Việt Nam có thể chưa đủ trong các sự kiện khẩn cấp ở Biển Đông. Hà Nội thiếu nguồn lực để cạnh tranh trực tiếp với Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Trung Quốc.

Trong khi đó, các hoạt động triển khai sức mạnh quân sự (bất hợp pháp) của Bắc Kinh trên các đảo nhân tạo mới sẽ làm tăng áp lực lên chiến lược của Hà Nội.

Tuy nhiên, tham vọng chiến lược của Bắc Kinh không cho phép tập trung nhiều lực lượng, vì vậy Hà Nội đã làm việc để tăng cường quan hệ với New Delhi, Tokyo và Washington.

Ví dụ được công bố rộng rãi nhất trong số này là Tổng thống Barack Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương của Mỹ cho Việt Nam trong năm 2016.

Trong tháng 11/2017, Việt Nam đã ký hiệp định quan hệ đối tác chiến lược với Australia. Cho dù mối quan hệ phi liên minh này sẽ có tác động ngăn chặn, nhưng không chắc chắn;

Và việc bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông sẽ trở nên phức tạp hơn khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không sẵn lòng chống lại chủ nghĩa bành trướng từ Trung Quốc.

Mặc dù có sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong 3 thập niên qua, nhưng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam thiếu nguồn lực để đáp ứng việc hiện đại hóa lục quân, hải quân, bởi các dự án cơ sở hạ tầng trong nước cũng đang thiếu kinh phí.

Học giả Đài Loan bàn về thách thức chiến lược của Việt Nam trên Biển Đông ảnh 4

Trung Quốc sẽ không dừng lại trên Biển Đông, Mỹ đã tính kéo tên lửa đến khu vực

Cải thiện quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ đưa ra nhiều lựa chọn thay thế cho di sản của Liên Xô cũ với quân đội Việt Nam, đặc biệt là giám sát hàng hải, nhưng sẽ không làm giảm gánh nặng tài chính của Việt Nam.

Tư thế phòng thủ của Việt Nam đối mặt với một tương lai khó khăn, các nhà hoạch định chính sách có trách nhiệm nặng nề.

Với những bằng chứng ngày càng tăng về sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, chính sách quốc phòng của Việt Nam sẽ được thực hiện dưới sự theo dõi chặt chẽ của các siêu cường quyền lực."

Chúng tôi xin không bàn đến phương diện chiến lược quân sự mà tác giả Wu Shang-Su đề cập, chỉ xin cung cấp như một tài liệu tham khảo để quý bạn đọc có thêm thông tin và tự đánh giá.

Người viết cho rằng, trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông hiện nay, đối ngoại luôn đóng vai trò quan trọng, nhưng quyết định nằm ở đối nội.

Sửa sang nội trị, quét sạch nội xâm, tinh giản bộ máy và phát huy hết khả năng tiềm ẩn của con người Việt Nam trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh để gầy dựng nội lực mới là then chốt.

Bởi lịch sử các cuộc chiến chống ngoại xâm phương Bắc hàng ngàn năm về trước, cũng như trong giai đoạn cận hiện đại đều cho thấy, khi nào nội bộ có vấn đề, chia rẽ mất đoàn kết, ấy là lúc sẽ có nguy cơ nước mất nhà tan.

Bài học của Đổi mới cho thấy, nguồn lực Việt Nam cần khai thác không phải là tiền mà là chính sách và chất xám, cùng lòng tự tôn, tự hào dân tộc.

Tuy nhiên, chúng tôi thiết nghĩ các nhà hoạch định chính sách cũng cần lưu ý tới thủ đoạn tạo sự đã rồi mà Trung Quốc sử dụng trong cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012, xây đảo nhân tạo 2013.

Thế và lực của Trung Quốc về kinh tế, quân sự trên Biển Đông nay đã khác trước rất nhiều;

Họ có thể liều lĩnh tạo ra các sự kiện đã rồi như vậy trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông, bao gồm Việt Nam, nếu họ cảm thấy có thể lấn lướt mà không bị phản ứng mạnh mẽ.

Nguồn:

http://www.todayonline.com/commentary/seeking-deterrence-against-china-vietnam-faces-difficult-defence-choices

Hồng Thủy