Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố cách thức tuyển sinh lớp 10 năm 2019 - 2020 theo hướng có thêm bài thi tổ hợp 4 môn bên cạnh thi Toán, Văn như trước đây.
Tổ hợp 1 gồm Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân hoặc Tổ hợp 2 gồm Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Sở sẽ công bố chọn bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3 hàng năm.
Với phương án thi mới này cho thấy, học trò lớp 9 lúc nào cũng phải sẵn sàng cho 9 môn (Văn, Toán, Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lí, Hóa học và Sinh học).
Hơn nữa, phương án tổ hợp chỉ được công bố cuối tháng 3 nên rất bị động cho cả trò và thầy.
Thi vào lớp 10 theo phương án 6 môn thì khả năng cao sẽ dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan bởi có thi, có cạnh tranh thì sẽ phải có ôn luyện. (Ảnh minh họa; Thùy Linh) |
Ngay sau khi ngành giáo dục Hà Nội công bố phương án thi, không chỉ lãnh đạo, giáo viên mà ngay cả các bậc phụ huynh có con đang học ở các trường trung học cơ sở đã có những ý kiến về vấn đề này.
Mặc dù, phương án thi vào lớp 10 của Hà Nội đưa ra có thêm tổ hợp là có ý muốn học sinh phải học toàn diện tất cả các môn, tránh tình trạng “học tủ, học lệch” để học sinh có khả năng thích ứng tốt với xã hội.
Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Mai Chi vừa là một chuyên gia tâm lý, vừa là phụ huynh có con sẽ thi vào lớp 10 vào năm 2019 bày tỏ:
“Tôi và nhiều phụ huynh khác có con sẽ thi vào lớp 10 năm 2019 đang rất lo lắng cho việc bổ sung kiến thức để làm bài thi tổ hợp.
Chưa biết bài thi sẽ ở dạng nào? Nếu muốn bổ sung thêm kiến thức thì chưa biết bằng cách nào và ở đâu để vừa giúp con có kiến thức, vừa không quá áp lực ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của con?
Đó là chưa kể việc bố trí sắp xếp cả thời gian và tiền bạc và điều không phải dễ dàng với nhiều gia đình”.
Ngoài những lo lắng này, thông qua việc học của con mình, chị Mai Chi nêu quan điểm “phương án tuyển sinh mà Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến thực hiện thi vào lớp 10 với 6 môn thi là chưa phù hợp.
Bởi lẽ, phương pháp dạy và lịch học ở trường hiện nay tập trung vào các môn văn, toán, ngoại ngữ còn các môn còn lại rất quan trọng trong đời sống nhưng chưa tạo được động lực học tập cho các em”.
Vị phụ huynh này nêu minh chứng: “Khi tôi cho con tham gia các khóa học ngoại khóa, hoạt động bên ngoài trường học về lịch sử, văn hóa, hội họa, thậm chí triết học… con đã có những tiến bộ rõ rệt về nhận thức và tư duy, con luôn đặt ra được các câu hỏi về đời sống xã hội xung quanh.
Vì vậy tôi tin nhà trường cần thay đổi phương pháp dạy và đối xử công bằng với các môn học thì học sinh sẽ học toàn diện.
Còn nếu phương pháp dạy không thay đổi mà đã thay đổi phương án thi thì chỉ gây thêm áp lực cho các con, bố mẹ và cả thầy cô giáo dạy trên trường.
Lịch học các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ đã gần như kín giờ học trong trường rồi thì học các môn khác cha mẹ phải lấy giờ nghỉ ngơi của con ra để bổ sung kiến thức thiếu hụt mới mong con có khả năng làm bài thi tổ hợp”.
Đa phần ý kiến phụ huynh bày tỏ băn khoăn chưa rõ sự hướng dẫn của Sở khi tổ chức thi vào lớp 10 có thêm bài thi tổ hợp và họ mong muốn không nên để học sinh căng thẳng trong học hành.
Nhiều chuyên gia, phụ huynh so sánh và cho rằng kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng hơn kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển vào đại học.
Và thi vào lớp 10 kiểu này thì khả năng cao sẽ dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan bởi có thi, có cạnh tranh thì sẽ phải có ôn luyện.
Một phụ huynh phải thốt lên rằng: “Tôi cảm tưởng, nếu cứ đuổi theo thi cử như hiện nay thì chả khác nào ném con vào chảo lửa.
Khi các con đang ở độ tuổi bắt đầu học làm người lớn, mặc dù kiến thức rất quan trọng nhưng các con cũng cần có thời gian để giao tiếp, tương tác với không gian ngoài trường học.
Nếu muốn thay đổi, tôi chỉ mong nhà trường dạy các con nửa ngày kiến thức “khoa bảng” “sách giáo khoa”, nửa ngày còn lại trả thời gian cho các con để tham gia hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ, đọc sách, thể thao….
Tôi tin chỉ cần dành thời gian đủ, đúng phương pháp và phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi thì các con sẽ vượt qua mọi kỳ thi mà không cần phải áp lực học thêm”.