Theo dự kiến, từ năm học 2019-2020, Hà Nội sẽ thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10.
Theo đó, thay vì chỉ thi hai môn Toán, Văn, kết hợp với xét điểm học bạ bậc trung học cơ sở như hiện nay, học sinh sẽ phải thi ba bài thi gồm hai bài thi độc lập Toán, Ngữ văn và một bài thi tổ hợp.
Có hai bài thi tổ hợp. Tổ hợp 1 gồm các môn Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân. Tổ hợp 2 gồm các môn Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố chọn bài thi tổ hợp vào cuối tháng Ba hàng năm.
Môn Toán, Văn thi theo hình thức tự luận. Bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm với nhiều mã đề khác nhau.
Thông tin này đã ngay lập tức khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng và cho rằng sẽ gây áp lực và khiến học sinh phải học thêm nhiều hơn.
"Chúng tôi sẽ tính toán để đề thi không có những câu hỏi quá khó, mục tiêu là để giảm áp lực dạy thêm, học thêm đối với người học", ông Chử Xuân Dũng cho hay. (Ảnh: Thùy Linh) |
Trong buổi họp báo ngày 10/4, nhiều câu hỏi đã được các phóng viên đặt ra với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội như việc cơ sở nào để xác định hai tổ hợp môn thi trên, mỗi tổ hợp gồm cả môn tự nhiên và xã hội?
Việc công bố môn thi mới trước một năm có kịp để học sinh chuẩn bị?
Phải dự thi đến 6 môn liệu có gây áp lực lớn cho học sinh và làm nặng thêm tình trạng dạy thêm học thêm?
Hà Nội đã lấy ý kiến người dân chưa trước khi quyết định triển khai?...
Về những vấn đề này Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội - Lê Ngọc Quang cho biết toàn bộ nội dung kiến thức thi sẽ nằm trong chương trình bậc trung học cơ sở.
Sẽ có đề thi minh họa "bài thi tổ hợp tuyển sinh lớp 10" vào tháng 9/2018 |
“Trước khi đưa ra phương án này, chúng tôi cũng đã xin ý kiến người dân, cha mẹ học sinh, tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các hiệu trưởng trường trung học phổ thông, trưởng các phòng giáo dục đào tạo, hiệu trưởng các trường trung học cơ sở.
Có hơn 700 phiếu khảo sát đã được phát ra. Hầu hết lãnh đạo các trường, sở đều đồng tình,” ông Quang cho biết.
Về vấn đề liệu có nảy sinh dạy thêm học thêm, ông Quang cho rằng dạy thêm học thêm là việc bình thường vẫn diễn ra.
“Học sinh yếu học thêm để đạt trung bình, học sinh trung bình học thêm để đạt khá, em khá muốn học thêm để đạt loại giỏi.. Không nên cảm giác phương án thi này sẽ làm tình trạng học thêm nhiều lên.
Đề thi chỉ trong chương trình và các em sẽ học toàn diện hơn chứ không chỉ chú trọng vào một vài môn,” ông Quang nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định:
Hà Nội giải thích lý do đưa bài thi tổ hợp vào tuyển sinh lớp 10 |
"Đề thi sẽ chỉ yêu cầu học sinh học từ chăm chỉ những bài học trong chương trình, sách giáo khoa trung học cơ sở, chủ yếu là chương trình lớp 9 hiện hành là có thể làm bài tốt mà không cần phải đi học thêm, dạy thêm, giải quyết được hài hòa bài toán mà xã hội lo lắng giữa thi cử và học thêm tràn lan.
Đặc biệt, đề thi sẽ không có phần câu hỏi mang tính “đánh đố” học sinh, đưa ra ma trận với những mức độ, yêu cầu của đề thi phù hợp hơn.
Hiện nay, đề thi toán ở các kỳ thi quan trọng đều có một số câu hỏi rất khó để phân hóa học sinh.
Nhưng nhiều khi chính chỉ vì 1-2 câu hỏi rất khó ấy lại gây sức ép cho việc phải đi học thêm mới làm được bài, cha mẹ nào cũng muốn con đạt điểm cao nên nhiều khi dồn sức lực, thời gian quá nhiều cho phần kiến thức khó, kiến thức nâng cao ấy trong khi lại chủ quan không học những phần cơ bản.
Chúng tôi sẽ tính toán để đề thi không có những câu hỏi quá khó như vậy, mục tiêu là để giảm áp lực dạy thêm, học thêm đối với người học".