Trao đổi tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các đại học Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay:
Trong một thời gian dài, nhiều trường đại học được thành lập. Với một quốc gia có 94-95 triệu dân, số lượng đó không đáng ngại, song nếu xét về chất lượng cụ thể lại rất đáng ngại.
Trong đó nhiều trường không ra trường, mà nói như nhiều người là chất lượng còn "vàng thau lẫn lộn". Đặc biệt vào mùa tuyển sinh, trường nào cũng ra sức ca ngợi trường mình tốt khiến Bộ rất vất vả kiểm soát về chất lượng...
Ông Nhạ cũng nói điều ông lo lắng là nhiều trường đại học suốt ngày lo bài toán đào tạo, tuyển sinh, xoay xở với cơm áo gạo tiền.
Đáng lẽ với trường đại học, nghiên cứu và đào tạo là hai chân song hành, thậm chí nghiên cứu phải là chân phải được coi trọng hơn.
"Nhưng nhiều trường chân phải lại lùi phía sau..." – Bộ trưởng Nhạ thừa nhận.
Đánh giá vị thế các trường đại học Việt Nam trong những bảng xếp hạng uy tín thế giới, ông Nhạ cho rằng các nước đã có nền tảng đáng kể nhưng "chúng ta vẫn gần như trắng về xếp hạng".
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng, tới đây Bộ sẽ đưa việc xếp hạng đại học thành một trong những nhiệm vụ ưu tiên.
“Mục đích không phải là xếp hạng. Mục đích là nâng cao chất lượng. Nhưng chất lượng gắn với xếp hạng giữa chúng ta và quốc tế, để thấy chúng ta đạt đến đâu về mặt chất lượng.
Mục đích còn là nâng cao trách nhiệm của đại học với cộng đồng, của đại học trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ trưởng Nhạ cũng thông tin, Bộ dự định thành lập một nhóm, bao gồm cả chuyên gia nước ngoài và trong nước, để hỗ trợ kỹ thuật các trường đang phát triển ở mức cao và có quyết tâm cao lọt vào các bảng xếp hạng thế giới.
Về vấn đề này, tại buổi thông tin với báo chí về hội thảo “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”, Phó giáo sư Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận được câu hỏi: “Xếp hạng có phải là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy chất lượng giáo dục đại học hay không?”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình (Ảnh: quochoi.vn) |
Giải đáp băn khoăn này, ông Bình nhận định, nền tảng của quá trình xác định chất lượng giáo dục đại học cần trải qua 3 giai đoạn.
Đầu tiên, phải đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn mực của chúng ta. Bước tiếp theo là kiểm định các trường có đạt hay không và bước thứ ba mới là xếp hạng.
“Xếp hạng là bước cuối cùng để biết ai khỏe hơn ai, nhưng trước hết là phải khỏe.
Cụ thể, quá trình xác định chất lượng giáo dục đại học cũng giống như việc tập thể dục trước tiên là để có một thân thể khỏe mạnh, sau đó mới nói đến sức khỏe đạt chuẩn cỡ nào và cuối cùng mới đi thi đấu” – ông Bình so sánh.
Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đi theo hướng 3 bước trên theo tinh thần chất lượng và kiểm định là cực kỳ quan trọng. Sau đó là xếp hạng trong nội bộ, và một số cơ sở giáo dục đại học sẽ bước ra thế giới.
Phó giáo sư Phan Thanh Bình cũng nhắc lại một báo cáo tại hội thảo về giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức vào tháng 9/2017.
Báo cáo này đã phân tích khi Việt Nam tham gia bảng xếp hạng giáo dục phổ thông quốc tế là PISA thì kết quả đạt được rất khả quan; nhưng “nếu chúng ta không có được chất lượng và nền tảng thì không cẩn thận lại dễ sa vào việc chạy theo tiêu chí của bảng xếp hạng mà lại không nghĩ tới chất lượng thật.
Quan trọng của giáo dục là chất lượng thật đứng sau những tiêu chí của bảng xếp hạng”, ông Bình nhấn mạnh.