Những ngày qua, thông tin về sự việc nam sinh nhảy lầu tại Trường Trung học sơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến để tự tử đã khiến nhiều phụ huynh phải bàng hoàng.
Hơn hết, nhiều phụ huynh có con học trong Trường Nguyễn Khuyến lại càng lo lắng hơn.
Để giải tỏa sự lo lắng của phụ huynh, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chị Phạm Tú Anh (ngụ quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) từng có con học tại trường này.
Chị Phạm Tú Anh. (Ảnh: H.L) |
Chị Tú Anh trải lòng, lúc đầu, chị rất muốn con gái được học ở Trường Nguyễn Khuyến với kỷ luật rất nghiêm và hà khắc.
Chị Tú Anh chỉ nghĩ việc kỷ luật hà khắc nhằm áp dụng để cho trẻ con có tính kỷ luật, để học tập và trưởng thành là điều tốt.
Nhưng việc kỷ luật quá “hà khắc” đến mức “phản giáo dục” nên mới phản ứng. Khi con vào học và tiếp xúc với giáo viên, chị ngỡ ra nhiều điều. Kỷ luật của trường “khắc nghiệt” đến từng hành vi, việc làm, lời nói và ánh mắt.
Chị Tú Anh vẫn đánh giá cao tính kỷ luật trong nhà trường. Song, trường hợp của con chị Tú Anh lại hoàn toàn khác.
Cách đây 3 năm, con chị nghỉ Tết nên đặt mua vé máy bay để về quê ở Hà Nội. Việc di chuyển bằng các phương tiện vào mỗi dịp Tết rất khó khăn nên phải đặt vé máy bay từ lúc trường chưa có lịch cho nghỉ.
Đến khi trường có lịch nghỉ Tết âm lịch, lịch trình vé máy bay lại vào Thành phố Hồ Chí Minh trễ hơn 1 ngày.
Trước khi nghỉ Tết, chị Tú Anh đã đến trường để làm việc với Ban Giám hiệu, với giáo viên Quản nhiệm để xin phép cho con được nghỉ.
Mọi chuyện tưởng chừng đã xong nhưng ngày vào học lại, con chị Tú Anh vẫn bị nhà trường xử phạt. Chị Tú Anh bức xúc vì đây là hành vi của người lớn, có xin phép nhà trường nhưng con trẻ vẫn bị trường xử phạt.
Chị Tú Anh nói, việc xử phạt là không cần thiết và quá cứng nhắc. Không những vậy, nhà trường còn đòi chuyển con chị sang lớp khác.
Chị không đồng ý vì cháu học ở lớp đã quen với các bạn và chuyển sang một lớp mới sẽ chậm thích nghi để làm quen với các bạn mới.
Chị Tú Anh chấp nhận nhà trường có một kỷ luật nghiêm dành cho học sinh nhưng không cần thiết phải cứng nhắc như vậy.
Thời điểm này, chỉ còn vài tháng nữa là hết năm nhưng cháu bị các thầy cô đay nghiến khiến cháu phải đòi chuyển trường. Chị động viên con cố gắng học hết năm học vì chỉ thì gian nghỉ hè cũng đã cận kề.
Sau này, cháu chuyển sang một ngôi trường khác và học tập vẫn giữ phong độ như từng ở Trường Nguyễn Khuyến. Nhờ có nền tảng tốt từ những năm học trước đó, cháu theo đà phát triển và tốt nghiệp cấp 3 đã đậu vào một trường Đại học tại Thụy Sỹ.
Trường Trung học Cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến. (Ảnh: H.L) |
Chị Tú Anh thừa nhận, những thành công của cháu ngày hôm nay là nhờ nền tảng, kiến thức của các giáo viên đã dạy dỗ ở năm cuối cấp II và đầu cấp III.
Khi ở ngôi trường mới, từ những kiến thức đã được thầy cô Trường Nguyễn Khuyến truyền đạt, cháu đã nhanh chóng nắm bắt, theo kịp và trở thành “tâm điểm” thu hút giáo viên và bạn bè.
Chị Tú Anh cho biết, chị có người cháu từng học hết cấp III ở ngôi trường này và đã thành công trên con đường Đại học và ở trường đời nhờ được rèn luyện tính kỷ luật ở đây.
Nam sinh trường Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự tử là học sinh xuất sắc |
Điều tiếc nuối của vị phụ huynh, Trường Nguyễn Khuyến cần “nhân văn” hơn trong kỷ luật sẽ làm giảm đi áp lực cho cả phụ huynh và các em.
Chị Tú Anh rút ra kinh nghiệm, một khi con đã bị áp lực từ việc học hành, từ nhà trường mà cha mẹ tiếp tục làm áp lực thì con trẻ sẽ không có lối thoát.
Vị phụ huynh chia sẻ, đối với những em học sinh khi theo học tại Trường Nguyễn Khuyến cần có “tinh thần rắn” nhất định sẽ thành công. Với những em học sinh có “thần kinh yếu” dễ dẫn đến trầm cảm và sẽ xem cuộc sống xung quanh không có… lối thoát.
Sự việc diễn ra ở Trường Nguyễn Khuyến là một tổ hợp của rất nhiều vấn đề, cả giáo viên và phụ huynh phải hiểu được học sinh thì sẽ không dẫn đến những bi kịch đáng tiếc.
Trường hợp của con chị Tú Anh là học bán trú, buổi tối còn được sinh hoạt bên gia đình, được tâm sự cùng phụ huynh để chia sẻ việc học.
“Những học sinh nội trú, thiếu thốn tình cảm của gia đình, của cha mẹ sẽ dễ bị trầm cảm hơn”, chị Tú Anh nói.