Việc giáo viên mầm non có năng lực ngoại ngữ sẽ góp phần tích cực giúp mỗi giáo viên nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, giúp cơ sở giáo dục mầm non và toàn ngành nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.
Đây là khẳng định của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Trinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khi trao đổi về những tiêu chuẩn về năng lực ngoại ngữ trong dự thảo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Trinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Trinh, sự cần thiết về năng lực ngoại ngữ với giáo viên mầm non được thể hiện ngay tại Thông tư số 20 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là cơ sở pháp lí cho việc đưa ra các chuẩn năng lực ngoại ngữ sắp tới.
Cụ thể, yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với người có trình độ trung cấp sư phạm mầm non: Người tốt nghiệp trình độ trung cấp sư phạm mầm non phải có kết quả học tập đạt chuẩn đầu ra, trong đó phải đáp ứng được yêu cầu năng lực Ngoại ngữ trong Chương trình đào tạo.
Ngay tại các trường có đào tạo giáo viên mầm non như: Cao đẳng sư phạm Nha Trang; Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh; Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Cao đẳng Sư phạm Trung ương) thì tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác được thiết kế thành 1 học phần (gồm 3 hoặc 4 tín chỉ) hoặc 2 học phần (mỗi học phần gồm 3 tín chỉ tương đương 45 tiết chuẩn).
“Như vậy, năng lực tiếng Anh của người có trình độ trung cấp sư phạm mầm non không thể thấp hơn mức 1/6 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Còn người có trình độ cao đẳng sư phạm Mầm non trở lên, đạt chuẩn đầu ra của Chương trình đào tạo, chắc chắn năng lực ngoại ngữ không thể thấp hơn 2/6 của Khung năng lực nói trên”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trinh cho hay.
Yêu cầu về ngoại ngữ trong Dự thảo chuẩn giáo viên là không khả thi |
Thực tế, trong Thông tư số 20 như nói ở trên thì giáo viên mầm non được xếp hạng 3 từ thấp đến cao, trong đó giáo viên mầm non thấp nhất thì yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ bậc 1 trong Khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Với cơ sở như vậy, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Trinh cho rằng nhất thiết chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non phải đạt năng lực ngoại ngữ nhất định như trong dự thảo.
Ở điều kiện thực tế cho thấy, có một số cơ sở để thấy rằng các chuẩn năng lực ngoại ngữ trong dự thảo là điều cần thiết.
Ví như hiện nay số lượng và trình độ đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non chưa được đào tạo bài bản về ngoại ngữ.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn ngành hiện có 440.275 cán bộ quản lí và giáo viên mầm non, trong đó 294.655 người là giáo viên mầm non.
Số giáo viên mầm non có trình độ đào tạo đạt Chuẩn trở lên chiếm 98,7%, trong đó 65,1% số giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên. Còn một bộ phận nhỏ, chiếm 33,6% giáo viên mầm non ở trình độ trung cấp sư phạm.
“Nếu bộ phận này được đào tạo bài bản chắc chắn đáp ứng ở mức khá yêu cầu về năng lực ngoại ngữ theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, nếu đào tạo chưa bài bản, trong giai đoạn tới họ cần tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực ngoại ngữ theo quy định của Thông tư liên tịch số 20, qua đó, đồng thời đáp ứng yêu cầu theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non mới”, bà Trinh nhấn mạnh.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Trinh còn khẳng định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay thì yêu cầu nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non là hết sức cần thiết, cần thiết cho chính bản thân các giáo viên.
Được biết, Chương trình giáo dục mầm non hiện hành cho phép các trường xây dựng Chương trình giáo dục nhà trường phù hợp, khuyến khích giáo viên linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện Chương trình qua việc chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, thiết kế các hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ, trường, lớp và địa phương...
Yêu cầu chuẩn giáo viên mầm non có chứng chỉ bậc 2, bậc 3 ngoại ngữ để làm gì? |
Việc giáo viên mầm non có năng lực ngoại ngữ sẽ góp phần tích cực giúp mỗi giáo viên nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, giúp cơ sở giáo dục mầm non và toàn ngành nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.
Ngoài ra, hiện nay nhu cầu tổ chức làm quen với tiếng Anh/ngoại ngữ của trẻ Mầm non Việt Nam trong các cơ sở giáo dục mầm non ngày một tăng.
Trong một nghiên cứu mới đây tại đề tài: “Cơ sở khoa học của việc cho trẻ Mầm non làm quen với tiếng Anh” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện, thấy rằng trẻ mẫu giáo Việt nam có nhu cầu và có khả năng to lớn trong học tiếng Anh, hay ngoại ngữ khác nếu chúng được hướng dẫn làm quen trong môi trường thuận lợi, điều kiện giáo dục phù hợp, dưới hình thức “học qua chơi” và trải nghiệm tích cực.
Thực tế, từ năm 2015 -2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thí điểm cho trẻ Mầm non làm quen với tiếng Anh, năm 2017 đã tổ chức Hội thảo tổng kết.
Theo lộ trình, trong giai đoạn sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo triển khai cho trẻ Mầm non làm quen với tiếng Anh, chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào học tiếng Anh ở phổ thông.
“Rõ ràng, việc giáo viên mầm non có được năng lực tiếng Anh hay ngoại ngữ khác càng thành thạo thì càng hỗ trợ tích cực cho việc làm quen với ngoại ngữ của trẻ Mầm non trong cơ sở giáo dục mầm non”, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Trinh khẳng định.