LTS: Liên quan đến Dự thảo xây dựng Dự án Luật thuế tài sản của Bộ Tài chính, Đại tá Nguyễn Huy Viện cho rằng các nhà làm chính sách nên bao quát đến sự ổn định của đời sống xã hội chứ không dừng lại ở vấn đề thu tiền.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngày 13/4/2018, Bộ Tài chính công bố Dự thảo Tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Dự án Luật thuế tài sản.
Theo đó, đối tượng chịu thuế tài sản ở Việt Nam gồm đất ở (cả nông thôn và đô thị), đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; máy bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.
Trong đó, thuế nhà ở đang là vấn đề bị báo chí và các chuyên gia phản biện, phê phán mạnh mẽ.
Bộ Tài chính nghiêng về phương án đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Ảnh: VnEconomy |
Cụ thể với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án:
Phương án thứ nhất: Thu thuế nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên;
Phương án thứ hai: Thu thuế nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Theo Tờ trình, Bộ Tài chính nghiêng về phương án đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.
Lý giải cho đề xuất Dự luật thuế trên đây, Bộ Tài chính, cho rằng “phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước”, nhằm “khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo thuế tài sản là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước... điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất; góp phần đảm bảo công bằng xã hội”.
Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, dân mệt lấy sức đâu mà đẩy? |
Riêng thuế nhà, người viết bài ở xin có đôi điều thưa với Bộ Tài chính.
Với thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay, để có một căn nhà thì hầu hết cư dân đều phải bỏ ra khoản tiền trên 700 triệu đồng (thuộc mức tính thuế theo Phương án 1 của Bộ Tài chính).
Nhưng với căn nhà có khoản tiền như vậy, ở các đô thị cũng như ở nông thôn phần lớn người dân phải vay mượn (trả lãi).
Với đồng lương của công chức, viên chức và thu nhập của người dân lao động nước ta thì họ phải chắt bóp hàng chục năm mới trả xong khoản nợ mua nhà nói trên.
Như vậy nếu phương án thu thuế nhà của Bộ Tài chính được chấp thuận, thì một bộ phận rất lớn cư dân vừa phải lo trả nợ làm nhà vừa phải gom góp đóng thuế nhà.
Ngay cả những người không còn nợ nần tiền làm nhà, với thu nhập như hiện tại thì thuế nhà cũng là một khoản tài chính rất lớn ảnh hưởng tới đời sống của họ.
Với thực trạng như vậy, Bộ Tài chính có nên đề xuất “khai thác tốt nguồn thu từ thuế …” nhà để “đảm bảo thuế tài sản là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước” hay không?
Thử hỏi trên thế giới có ai “điều tiết thu nhập” của những người phải cố vay mượn để có một chỗ ở không?
Nếu thu thuế đối tượng này thì có đảm bảo “công bằng xã hội” như quý Bộ lý giải hay đây là một chủ trương gây bất công lớn trong xã hội?
Đánh thuế nhà ở trên 700 triệu, gánh nặng kinh tế lại dồn lên vai người dân |
Hơn nữa, người dân đã gánh rất nhiều khoản thuế, phí liên quan đến nhà đất như tiền chuyển mục đích sử dụng đất; phí trước bạ (0,5%); thuế thu nhập từ việc chuyển nhượng nhà đất (2%), thuế giá trị gia tăng…
Như vậy, để có một căn nhà người dân đã phải đóng bao nhiêu loại thuế, nay lại thêm thuế nhà thì phải chăng các loại thuế đang chồng đống lên nhau và cùng đè lên vai người dân. Thử hỏi cuộc sống của họ sẽ ra sao đây?
Bộ Tài chính còn dẫn dụ nhiều nước trên thế giới cũng thu thuế tài sản (trong đó có thuế nhà).
Nhưng quý Bộ có biết, rằng thu nhập của hầu hết người dân Việt Nam kém xa thu nhập trung bình của Thế giới không?
Vì vậy áp dụng thu thuế nhà của các nước trên thế giới vào Việt Nam ở thời điểm hiện tại liệu đã phù hợp chưa?
Hơn nữa, hầu hết các nước trên thế giới họ chỉ thu thuế nhà của những người có căn nhà thứ hai trở đi và thu theo luỹ tiến.
Ở Hàn Quốc thuế nhà thu đến 4%, thậm chí Vương quốc Anh đến 7,5% (1).
Phải chăng cách thu thuế nhà như vậy mới điều tiết được thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội và mới chống được đầu cơ nhà?
Từ những vấn đề đặt ra trên đây cũng như kinh nghiệm của thế giới, trong điều kiện đa số người dân Việt Nam hiện nay thu nhập chỉ đủ để trang trải cuộc sống thì đối với thuế nhà trong Dự án Luật thuế tài sản nên chăng Bộ Tài chính cần tham khảo các nước, chỉ thu thuế nhà đối với những người có hai căn hộ trở lên và thu theo luỹ tiến như các nước nêu trên.
Mặt khác, Bộ Tài chính phải thấy được rằng nguyên nhân cơ bản dẫn đến bội chi trong chi tiêu công và áp lực nợ công của Việt Nam hiện nay là do bộ máy Nhà nước và bộ máy hệ thống chính trị quá cồng kềnh; là do tình trạng tham ô, lãng phí còn phổ biến; là do các chế độ công vụ đối với cán bộ, công chức đang bị lạm dụng.
Vì vậy đồng thời với đề xuất cải cách thuế, quý Bộ cần phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Đảng, Chính phủ thực hiện các giải pháp dưới đây:
1. Kiên quyết tinh giản bộ máy Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội theo quan điểm Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương (Khoá XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia có đội ngũ cán bộ, công chức (hưởng lương từ ngân sách) đông nhất thế giới.
Nước Mỹ có diện tích gần: 10 triệu km2 (gấp 33 lần Việt Nam), dân số: 320 triệu (gấp khoảng 3,5 lần Việt Nam) nhưng viên chức, công chức của họ chỉ có: 2.1 triệu người.
Trong khi đó, viên chức và công chức của Việt Nam: 2,8 triệu người.
Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước (2).
Bộ máy Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội ở Việt Nam càng ngày càng phình to; tình trạng lạm phát cấp phó, cán bộ lãnh đạo đông hơn nhân viên phổ biến ở các ngành và các địa phương.
Không những thế, một loạt tổ chức chính trị, xã hội cũng có bộ máy từ trung ương tới cơ sở, gồm: Mặt trận Tổ quốc (đến xã phường); Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân (đến tổ dân phố, thôn bản); Liên đoàn lao động (đến cấp cấp quận, huyện).
Theo Dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2016 được Bộ Tài chính công khai trên website của bộ này thì, tổng chi cho các cơ quan trung ương của 6 tổ chức chính trị - xã hội trên đây lên tới 1.503,740 tỉ đồng (3).
Ở các bộ ngành, hệ thống của một số tổ chức chính trị, xã hội này cũng được tổ chức tương ứng từ cấp bộ ngành đến cấp cơ sở.
Tất các thành viên trong bộ máy của các tổ chức chính trị, xã hội trên đây đều được trả lương từ ngân sách (do dân đóng thuế).
Không những vậy, hàng năm Nhà nước phải cấp một khoản ngân sách rất lớn cho hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Và theo nhiệm kỳ (5 năm một lần), phải cấp một khoản ngân sách khá lớn cho các tổ chức này tổ chức đại hội từ cấp cơ sở tới cấp trung ương.
Theo một thống kê được đăng tải trên Báo VietNamNet.vn, chi phí cho hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và các hội đặc thù dao động trong khoảng từ 45,6 đến 68,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP của cả nước, trong đó phần lấy từ ngân sách khoảng 14 nghìn tỷ đồng (4).
2. Chống tham ô, lãng phí ở tất cả các cấp, các ngành.
Mặc dù trong thời gian vừa qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử nhưng tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn khá phổ biến.
Đề xuất đánh thuế dồn dập như Bộ Tài chính thì sẽ "vắt kiệt" túi người dân |
Các vụ án tham nhũng làm thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng vẫn cứ diễn ra, mức độ càng ngày càng trầm trọng, đang ngốn một khối lượng ngân sách khổng lồ.
Hàng chục dự án do các bộ, ngành làm chủ đầu tư với số vốn nghìn tỷ, chục nghìn tỷ đồng làm ăn thua lỗ thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
Nếu không khắc phục được tình trạng này thì dù có tăng thuế, mở thêm bao nhiêu dòng thuế thì ngân sách Nhà nước cũng không gánh nổi.
3. Thắt chặt các khoản chi tiêu công vụ, nhất là ô tô công và đi công tác nước ngoài.
Tình trạng lạm dụng trong mua sắm, sử dụng ô tô công; lợi dụng danh nghĩa đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm nhưng thực chất là thăm quan, du lịch vẫn chưa được khắc phục.
Đây là hai lĩnh vực mà hàng năm ngân sách nhà nước lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng và đều là tiền thuế đè lên vai người dân.
Từ ba vấn đề trên đây, cho thấy để khắc phục tình trạng bội chi trong chi tiêu công hiện nay thì trước hết cần tập trung tinh giản bộ máy Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội.
Riêng bộ máy Đảng và Nhà nước cần tiến tới nhất thể hoá. Xây dựng pháp luật nghiêm minh để khắc tình trạng tham nhũng, lãng phí; quản lý chặt chẽ chi tiêu công để tập trung ngân sách đầu tư cho các dự án phục vụ cho quốc kế dân sinh.
Từ phân tích trên đây có thể rút ra một định đề quan trọng, đó là chính sách thuế khoá không bao giờ dừng lại ở ý nghĩa kinh tế, tài chính mà luôn có tác động và có ý nghĩa to lớn đối với đời sống chính trị, xã hội cho nên mỗi khi Bộ Tài chính đề xuất chủ trương, chính sách của ngành mình cần phải có tầm tư duy bao quát, toàn diện.
Có như vậy mới góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nước.
Tài liệu tham khảo:
(1). Chương trình Thời sự Chào Buổi sáng của VTV1 ngày 17/4/2018
(2),(3),(4). http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bo-bien-che-de-giam-ganh-nang-11-trieu-nguoi-an-luong-309270.html