Đề xuất đánh thuế dồn dập như Bộ Tài chính thì sẽ "vắt kiệt" túi người dân

17/04/2018 06:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Bộ Tài chính - cơ quan vừa đề xuất thu thuế với giá trị nhà ở trên 700 triệu đã từng đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lên kịch trần.

Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án về ngưỡng chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng trở lên. Đồng thời, Bộ cũng đưa ra 2 phương án về thuế suất là 0,3% hoặc 0,4%. Cùng với đó, những người sở hữu sẽ phải nộp thuế 0,3% đến 0,4% đối với toàn bộ giá trị đất.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng chịu thuế với nhà là 700 triệu đồng trở lên.

Như vậy, nếu theo dự thảo, chung cư có giá trị 1,7 tỷ đồng, người sở hữu phải đóng thuế của phần trị giá 1 tỷ đồng (tức là khoảng 4 triệu đồng mỗi năm).

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khi đưa ra dự thảo Bộ Tài chính chắc chắn đã nghiên cứu, tham khảo một số quốc gia. Họ cũng đánh thuế vào các loại tài sản như vậy.

Khi chúng ta đang đẩy nhanh việc tham gia vào sân chơi chung của thế giới thì việc tính toán đánh thuế tài sản là cần thiết. Tuy nhiên, thời điểm này là không hợp lý.

Giáo sư Đặng Đình Đào cho rằng, áp dụng thu thuế nhà ở của người dân vào lúc này là không phù hợp. Ảnh: Tạp chí Bất động sản.
Giáo sư Đặng Đình Đào cho rằng, áp dụng thu thuế nhà ở của người dân vào lúc này là không phù hợp. Ảnh: Tạp chí Bất động sản.

Theo Giáo sư Đào thì Bộ Tài chính đang chọn phần dễ về mình khi đề xuất đánh thuế tài sản căn nhà ở phần trên 700 triệu, chứ không phải là đề xuất đánh thuế từ căn nhà thứ hai.

Giáo sư Đào phân tích thêm, ngay cả giá trị tài sản ở mức 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng trở lên thì đánh thuế cũng phải xem lại.

“Ở Việt Nam chúng ta ai cũng có cái nhà là tài sản và nếu đánh thuế ở mức như dự thảo thì sẽ phủ khắp tất cả thành phố, thị xã, thị trấn. Thuế VAT đã tăng và hiện Bộ Tài chính cũng đang đề xuất tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu… các loại thuế dồn dập khiến người dân gặp nhiều khó khăn và sẽ dẫn tới phản ứng”, ông Đào nói.

Đề xuất đánh thuế dồn dập như Bộ Tài chính thì sẽ "vắt kiệt" túi người dân ảnh 2Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 4,8%/năm

Giáo sư Đặng Đình Đào nhận định, nhiều cán bộ về hưu, người thu nhập thấp tích cóp, vay mượn mua được căn nhà ở xã hội, có khi còn nợ hàng trăm triệu phải nhiều năm mới trả hết được.

Đã khó khăn như thế, còn phải vất vả nuôi con cái ăn học, mà bây giờ mỗi năm còn chịu thêm mức đánh thuế 0,3 – 0,4% thì sẽ là gánh nặng với nhiều người.

Chưa kể tại thời điểm này có nhiều loại thuế, phí đi vào thực thi, cho nên dự thảo này bị phản đối gay gắt cũng là dễ hiểu, vì nó sẽ góp thêm phần "vắt kiệt" túi người dân.

Suy cho cùng vấn đề đặt ra là khi đánh thuế như vậy thì ngân sách nhà nước sẽ thu thêm được một khoản tiền lớn mỗi năm và theo Giáo sư Đặng Đình Đào thì giải pháp ưu tiên cần hướng tới là tiếp tục siết chặt chi tiền ngân sách, đó chính là tiền thuế của dân đóng góp.

Hiện nay việc quản lý chi tiêu ngân sách dù đã được chấn chỉnh nhưng vẫn còn lỏng lẻo ở nhiều nơi, vì thế mới xảy ra các vụ án lớn tham nhũng, thất thoát tài sản đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trong khi chưa thực sự quản lý tốt được khoản thuế mà dân đã đóng góp, Bộ Tài chính lại ra sức đề xuất thêm thuế nọ, thuế kia để tăng ngân sách nên người dân phản ứng là điều dễ hiểu.

“Ngân sách phải dành cho chi thường xuyên nuôi bộ máy quá lớn. Các dự án dùng tiền ngân sách đầu tư không hiệu quả, bị đắp chiếu. Các vấn đề này bao năm qua vẫn vậy. Thay vào đó, Bộ Tài chính chọn cách dễ nhất là thêm loại thuế để tăng thu ngân sách, đó là việc dễ cho cơ quan quản lý nhưng khó cho người dân”, ông Đào nói.

Theo vị chuyên gia này, “điệp khúc” của các cơ quan khi đề xuất thuế, phí so sánh với nước nọ, nước kia, nhưng đó đều là các nước phát triển.

"Chúng ta so sánh mức thu của họ nhưng lại quên so sánh mức chi, đầu tư trở lại cho vấn đề an sinh xã hội của họ. Họ chi đầu tư cho an sinh xã hội rất lớn và hiệu quả chứ không như chúng ta", ông Đào nói.

Đề xuất đánh thuế dồn dập như Bộ Tài chính thì sẽ "vắt kiệt" túi người dân ảnh 3Doanh nghiệp giỏi "thần thông biến hoá" hay do cán bộ quá yếu kém?

Cũng theo Giáo sư Đào, đáng lẽ khi hội nhập thì người dân phải được hưởng lợi nhiều hơn, nhưng thời gian qua lại xuất hiện nhiều đề xuất các loại thuế, phí mới, khiến nhiều người nghĩ rằng cơ quan quản lý đang tìm cách "tận thu" để bù vào việc giảm thuế nhập khẩu.

Cùng bàn về câu chuyện thuế tài sản, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, một chính sách thuế khi được ban hành phải dựa trên hai nguyên tắc:

Thứ nhất là đánh thuế trên bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng tới việc người dân mua nhà ở; Thứ hai là phải đảm bảo công bằng.

Về nguyên tắc thứ nhất, hiện tại, Nhà nước đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua nhà và nhiều người có thu nhập thấp đang cần chỗ ở.

Vì thế khi đề xuất đánh thuế nhà ở, cần phải xem việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách hỗ trợ người dân mua nhà hay không.

Với nguyên tắc đảm bảo công bằng, có nghĩa là đánh thuế tài sản thì những người giàu thì phải chịu một mức thuế cao hơn những người thu nhập thấp.

Với cơ sở là hai nguyên tắc trên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nên đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi là hợp lý.

Đỗ Thơm