Là một trong hai đội đại diện cho khu vực miền Trung tham dự vòng chung kết cuộc đua số do FPT tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5 tới, những thành viên của đội NII (Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng) đang ngày đêm luyện tập gian khổ với mục tiêu “giật giải vàng”.
Chung niềm đam mê
Giới thiệu về những thành viên của nhóm, đội trưởng Phan Duy Hùng (sinh viên năm 3 khoa PFIEV) tự hào nói:
“Đội của em gồm bốn thành viên: Trần Quang Huy, Trần Thị Thanh Hoa, Trần Gia Khang được thành lập từ tháng 11/2017. Mọi người học cùng một lớp, chơi với nhau khá thân nên có chung nhiều ý tưởng.
Tụi em đã ấp ủ lập trình một phần mềm xe tự hành hiện đại nên khi có cuộc thi ‘cuộc đua số’ dành cho sinh viên đại học thì mọi người đều hăng hái thăm dự, hy vọng rèn giũa thêm nhiều kinh nghiệm”.
Đội NII đã viết lại toàn bộ phần mềm xe tự hành để chuẩn bị cho cuộc tranh vàng tại Hà Nội vào tháng 5 tới. Ảnh: AN |
Vượt qua các vòng thi cấp trường, vòng loại khu vực Đà Nẵng rồi bán kết khu vực miền Trung và miền Nam, nhóm NII đã xuất sắc ghi tên mình vào chung kết.
Tiết lộ về phần mềm cho xe tự hành, Hùng nói: “Để chuẩn bị cho cuộc so tài sắp tới, đội đã lập trình hẳn một phần mềm mới, không sử dụng những dữ liệu, tham số của phần mềm cũ dự thi vòng loại, bán kết. Phần mềm này được lên ý tưởng và viết suốt nhiều ngày qua”.
Để hoàn thiện phần mềm, các thành viên trong nhóm được giao một nhiệm vụ chuyên biệt. Huy lo phần điện tử, Hùng lo phần mềm, Hoa và Khang phụ trách cơ sở Toán học (công thức, giải toán).
“Ăn bánh mỳ” để viết phần mềm cho xe tự hành |
“Trong ba phần này, thiếu bất kỳ một công đoạn nào cũng không được. Nhiều khi mọi người bất đồng quan điểm, tranh cãi nảy lửa. Nhưng rồi cũng thống nhất đưa ra một kết quả hợp lý và chính xác”, Hoa chia sẻ.
Thời gian đến vòng chung kết không còn nhiều nên mọi người phải tập luyện cật lực. Cứ sau mỗi giờ tan học, nhóm bạn lại mang theo mô hình xe tự lái, máy tính… ra sân tập thuần thục.
“Hầu như tụi em không có ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật vì ai cũng khát khao giành được chiến thắng”, Khang tâm sự.
Ứng dụng sản phẩm vào thực tiễn
Chia sẻ về công nghệ xe tự hành, Hùng cho biết, cái khó nhất là khâu nhận biết làn đường và vật cản. Đây là hai yêu cầu chính của cuộc thi.
Để giải được bài toán đó, có rất nhiều phương pháp, lựa chọn. Nhưng phải cho ra kết quả nhanh nhất và chính xác nhất để xe có thể vận hành với tốc độ cao, thực hiện những “cú đánh lái đẳng cấp”.
Đi tìm 8 đội bước vào chung kết "Lập trình xe tự hành" 2018 |
Ngoài những vật liệu, thiết bị nhà trường hỗ trợ, nhóm của Hùng phải bỏ tiền túi ra đầu tư thêm một số trang thiết bị phụ trợ như USB Wifi để kết nối máy tính với xe, sơn làn đường…
“Tác dụng của phần mềm này là nhận biết được làn đường, biển báo, vật cản, định hướng cho xe đi, tốc độ, cua bánh lái... Người lái xe không cần can thiệp vào mà xe sẽ tự xử lý qua phần mềm.
Khi gặp những vướng mắc, khó khăn về công nghệ thì tụi em nhờ các thầy, cô trong trường hướng dẫn thêm, chỉ cách tháo gỡ”, Hùng nói.
Không chỉ dồn sức nghiên cứu để mang phần mềm này đi so tài với bạn bè cả nước mà Hùng còn kỳ vọng sẽ phát triển sản phẩm, ứng dụng vào thực tiễn sau khi ra trường.
“Sau khi tốt nghiệp, nhóm chúng em vẫn sẽ tiếp tục cùng nhau phát triển phần mềm này lên một level (cấp độ) mới. Mong rằng, lúc đó, mọi người sẽ được làm việc trong môi trường công nghệ xe tự lái hiện đại”, Khang chia sẻ thêm.
Thầy Huỳnh Hữu Hưng, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng) cho biết, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cho sinh viên nghiên cứu khoa học, ứng dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn.
“Các thầy luôn có những trao đổi định kỳ với các em, để giúp xử lý những vấn đề khó. Nhất là các lĩnh vực xử lý ảnh và nhận dạng. Việc tiếp cận công nghệ mới từ lúc còn là sinh viên năm 3 giúp các em trưởng thành, tự tin và làm chủ được công nghệ.
Kết quả đạt được cũng sẽ là nguồn sinh khí, giúp các bạn có thêm đam mê nghiên cứu khoa học”, thầy Hưng chia sẻ.