5 gánh nặng đè bẹp học trò thời nay

20/04/2018 06:46
THIÊN ẤN
(GDVN) - Trong thực tế còn có nhiều em học sinh của chúng ta đã, đang phải gánh chịu nhiều căng thẳng, áp lực từ học tập, thi cử, từ mong muốn của gia đình, nhà trường.

LTS: Chỉ ra những tác nhân chính gây nên tình trạng quá tải, áp lực trong quá trình học tập và thi cử của các em học sinh, tác giả Thiên Ấn đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Mới đây, vụ nam sinh lớp 10 của Trường trung học cơ sở - trung học phổ thông tư thục Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) vì quá mệt mỏi bởi áp lực học tập và không thể đáp ứng kỳ vọng của gia đình nên đã nhảy lầu tử tự.

Trong thực tế còn có nhiều em học sinh của chúng ta đã, đang phải gánh chịu nhiều căng thẳng, áp lực từ học tập, thi cử, từ mong muốn của gia đình, nhà trường…

Học sinh trước áp lực học tập, thi cử (Ảnh minh họa: TTXVN).
Học sinh trước áp lực học tập, thi cử (Ảnh minh họa: TTXVN).

Vậy đâu là những tác nhân chính gây nên tình trạng quá tải trong quá trình học hành của các em?

Thứ nhất, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành quá dàn trải, ôm đồm với hàng chục môn học trên 1 lớp học ở bậc trung học cơ sở - trung học phổ thông, có nhiều đơn vị kiến thức hàn lâm, xa rời thực tế.

Học sinh bị bội thực, nhồi nhét trong một trời kiến thức như thế.

Mặc dù cách đây 8 năm Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương giảm tải chương trình, cắt giảm những bài, nội dung khó, không cần thiết, ban hành Chuẩn kiến thức - kỹ năng các môn học nhưng vẫn không thể nào khắc phục được lỗi gốc của cách thiết kế chương trình chỉ tập trung vào cung cấp kiến thức cho người học.

Thứ hai, hầu hết các nhà trường, thầy cô giáo bị cuốn vào ma trận mang tên thành tích  và ứng thí.

Nam sinh trường Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự tử là học sinh xuất sắc

Áp đặt ra các chỉ tiêu, kết quả trên trời, bắt buộc người dạy và học sinh cuối kỳ, cuối năm phải đạt được bằng mọi giá, kể cả cho khống, cho ảo.

Các kỳ thi, cuộc thi cứ vây bủa, hành hạ giáo viên và học sinh quanh năm.

Đêm ngày luyện thi, bồi dưỡng học sinh giỏi, “gà nòi” để đem thật nhiều thành tích, giải cao cho nhà trường, địa phương.

Nhiều em bây giờ không còn mặn mà, hứng thú với các kỳ thi chọn học sinh giỏi nữa là do căn nguyên ấy.

Thứ ba, phương pháp dạy học của người thầy chậm được đổi mới, cải tiến. Tình trạng đọc - chép, dạy - học chay vẫn phổ biến.

Học sinh chán chường, mệt mỏi, ít năng động, hoạt bát với những giờ dạy của giáo viên cứ thao thao bất tuyệt.

Học sinh còn bị khổ, bị áp lực với những thầy cô giáo năng lực chuyên môn hạn chế, thiếu tâm huyết với nghề, tình thương với con trẻ.  

Thứ tư, dạy học thêm trái phép, tràn lan cũng là thủ phạm chính gây nhiều hệ lụy cho nền giáo dục nói chung và học sinh nói riêng.

Từng ngày tăng áp lực, căng thẳng, mỏi mệt đến bơ phờ lên đầu các em qua vô vàn câu hỏi, bài tập khó .

Thầy cô giáo dùng “chiêu” thêm những bài tập khó, bài tập nâng cao để kích thích học sinh khá, giỏi, để các em và phụ huynh nể phục tài năng của mình nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong dạy thêm so với các giáo viên khác.

Con quay như chong chóng, tối mắt tối mũi vì lịch học, có cha mẹ nào biết không?

Thứ năm, nhận thức của không ít phụ huynh về kết quả học tập, về thành đạt của con em sau này có phần lệch lạc, quá đà.

Bệnh thành tích, thích khoe mẽ, háo danh, ganh đua, luôn bắt ép con em phải học thật nhiều để trước mắt không bị lôi kéo, bị hư hỏng, sau đó là thành đạt, làm ông này, bà kia, thiếu quan tâm, thấu hiểu đến mong muốn, tâm lý, sức khỏe, năng lực, sở trường hiện có của con em, áp đặt ý chí của mình vào ý chí của con cái…là những biểu hiện thường thấy ở các bậc phụ huynh.                 

Tôi cho rằng, cả ngành giáo dục cùng các bậc phụ huynh cần phải chung tay, hành động quyết liệt, thường xuyên  để khắc phục, đẩy lùi 5 tác nhân nêu trên thì thế hệ con em của chúng ta mới thoát khỏi cảnh bị áp lực, mỏi mệt bởi học tập, thi cử quá mức như hiện nay.

THIÊN ẤN