Ở Thanh Hóa, sao cứ hay đè cổ dân ra mà thu tiền kỳ lạ thế nhỉ?

23/04/2018 08:58
DU THIÊN
(GDVN) - "Tại sao cứ "đè" dân để thu những thứ vô lý như vậy? Một xã nằm ngay trong thành phố Thanh Hóa tại sao lại xảy ra chuyện nghịch lý như thế?

Xung quanh câu chuyện chăn thả trâu, bò cũng phải đóng phí... cỏ, xảy ra tại Hợp tác xã Dịch vụ Minh Anh, xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa, một số ý kiến cho rằng, đây chỉ là hiện tượng cá lẻ, nhưng phải xử lý nghiêm khắc để tạo tính răn đe.

Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII nêu quan điểm với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trước vụ việc trên hôm 21/4:

"Thu phí chăn thả trâu bò là điều hết sức vô lý! Tại sao cứ "đè" dân để thu những thứ vô lý như vậy? Một xã nằm ngay trong thành phố Thanh Hóa tại sao lại xảy ra chuyện nghịch lý như thế?

Tôi chưa bao giờ thấy chuyện này xảy ra cả. Đây là sự ấu trĩ về mặt pháp luật của cán bộ hay họ cố tình thu sai như vậy?" Phó Giáo sư Bùi Thị An băn khoăn.

Theo bà An, vụ việc không chỉ đơn thuần là nộp phí đồng cỏ khi chăn thả trâu, bò, mà đó là tồn tại trong vấn đề quản lý nhà nước tại cấp cơ sở.

"Cơ quan có thẩm quyền chỉ được thu thuế, phí trong trường hợp những khoản thuế, phí được luật pháp quy định. Do đó việc thu thuế, phí không thể tùy tiện với dân được.

Trong trường hợp này, không phải cán bộ thu sai trả lại cho dân là xong, mà cần phải xử lý nghiêm người gây ra hành vi vi phạm và đơn vị quản lý trực tiếp Hợp tác xã dịch vụ này", Phó Giáo sư Bùi Thị An đề nghị.

Ở Thanh Hóa, sao cứ hay đè cổ dân ra mà thu tiền kỳ lạ thế nhỉ? ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (bên phải). Ảnh: TRINH PHÚC.

Trong khi đó, theo nhận định của Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội) câu chuyện chăn thả trâu, bò phải đóng phí đồng cỏ chỉ là hiện tượng cá lẻ chứ không phải phổ biến.

"Nếu lấy hiện tượng này để quy kết thành bản chất việc thu thuế, phí, tạo gánh nặng cho người dân thì tôi cho rằng không chính xác.

Trước đây, một số địa phương cũng xuất hiện tình trạng lạm thu ở nông thôn, tuy nhiên, hiện tượng này đã được chấn chỉnh bằng việc ban hành pháp lệnh, luật phí và lệ phí.

Cho nên việc thu thuế, phí phải theo quy định, chứ địa phương cấp xã không thể tự ý đặt ra", Đại biểu Bùi Văn Xuyền đánh giá.

Chủ tịch huyện Như Thanh sử dụng lao động trái luật, thanh tra đang ở đâu?

Từ những phân tích trên, Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vụ việc này.

"Hợp tác xã có thể người ta chưa biết hoặc lạm dụng để thu phí. Thế nhưng đã là đơn vị quản lý (cấp xã) thì anh phải biết sự việc.

Cho nên cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo xã Thiệu Dương khi để xảy ra vụ việc tiêu cực nêu trên", ông Xuyền nhận định.

Trước đó, theo phản ánh của người dân, từ năm 2017, Hợp tác xã Minh Anh đề ra các khoản thu như: thu phí 100.000 đồng/con/năm đối với trâu, bò của người dân chăn thả ngoài đồng trên địa bàn xã, gọi là phí đồng cỏ; thu 300.000 đồng/hộ nuôi từ 1 - 3 con trâu, bò; 500.000 đồng với hộ nuôi từ 4 - 5 con; 1.000.000 đồng với hộ nuôi từ 6 - 10 con; và 2.000.000 đồng với hộ nuôi từ 11 con trâu, bò trở lên, gọi là tiền thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm ngoài đồng.

Hợp tác xã Minh Anh còn thu tiền thế chấp máy cày, gặt lúa, làm đất của các hộ có máy với số tiền 5 triệu đồng/máy. Những hộ có máy gặt lúa khi đi gặt thuê phải nộp phí từ 10.000 - 20.000 đồng/sào.

DU THIÊN