Thanh tra ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đang ở đâu?
Thật chua xót khi hàng chục cựu kế toán huyện Như Thanh (Thanh Hóa) bất ngờ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đẩy ra đường sau nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục huyện.
Nỗi vất vả và sự tổn thất về mặt tinh thần của những người lao động chưa biết bao giờ mới kết thúc khi mà một bộ phận cựu quan chức, quan chức đương nhiệm của huyện thờ ơ, lạnh lùng đẩy họ đến bước đường cùng…
Đây có thể coi là hệ quả tất yếu từ cách làm thiếu khoa học, thiếu thực tiễn của một số cựu quan chức, quan chức đương nhiệm của huyện Như Thanh trong việc tuyển, sử dụng lao động hợp đồng trong vụ việc nói trên.
Trong câu chuyện này, người đáng trách và cần phải xử lý nghiêm minh là những người được giao nhiệm vụ quản lý và điều hành theo pháp luật nhưng đã cố ý làm trái các quy định trong quá trình sử dụng lao động.
Thế nhưng, cả chục năm nay, đã có ai nhận trách nhiệm hoặc bị xử lý trách nhiệm khi sử dụng lao động trái luật hay chưa? Xin thưa: “Chưa ai cả”.
Hàng chục lá đơn khiếu nại đã được gửi đi, nhưng quyền lợi của người lao động thì vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, đúng quy định pháp luật. Ảnh: DU THIÊN. |
Bên cạnh đó, không thể không đề cập tới trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra cấp trên trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động mà trực tiếp ở đây là Thanh tra ngành lao động thương binh, xã hội Thanh Hóa, thậm chí là cả tổ chức công đoàn cơ sở.
Họ đã ở đâu trước và sau khi người lao động rơi vào cảnh sa cơ lỡ vận?
Hàng chục năm trời chắc cũng không ít lần các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật... tại sao vẫn không phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng lao động của cựu Chủ tịch, Chủ tịch huyện Như Thanh?
Người lao động khắc khoải vì mất việc, huyện Như Thanh trả lời vô cảm |
Từ những băn khoăn trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đi tìm câu trả lời từ những người có trách nhiệm trong vụ việc này.
Tuy nhiên, thay vì nêu hướng giải quyết, xử lý vụ việc, đảm bảo lợi quyền cho người lao động thì đại diện cơ quan có thẩm quyền lại kêu khó vì thiếu nhân lực.
“Cả Sở chúng tôi được có 8 thanh tra viên, trong đó, có 4 thanh tra về chính sách, 4 thanh tra về lao động, nên chưa tiếp cận được các đơn vị sử dụng lao động trong khối hành chính nhà nước.
Việc này thuộc thẩm quyền của Sở Nội vụ”, ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa nói với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 12/4.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Định – Chánh thanh tra Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, thẩm quyền thanh tra, kiểm tra các vấn đề liên quan tới việc chấp hành pháp luật về chế độ (tiền lương, bảo hiểm) của người sử dụng lao động và người lao động thuộc thẩm của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội, chứ không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Sở Nội vụ.
Rõ ràng, trong khi cơ quan có thẩm quyền còn tranh cãi về chức năng nhiệm vụ trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra thì người chịu thiệt không ai khác chính là lao động.
Cần xử lý trách nhiệm của người đứng đầu
Trả lời về việc đơn vị sử dụng lao động không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chế độ (tiền lương, bảo hiểm) cho người lao động trong nhiều năm tại huyện Như Thanh, ông Lưu Quang Hùng, Trưởng phòng kiểm tra Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơ quan có thẩm quyền sẽ vào cuộc làm rõ vụ việc khi người lao động có đơn phản ánh, đồng thời khẳng định:
“Dù đơn vị sử dụng lao động dưới hình thức văn bản nào đi nữa thì cũng phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Việc đưa ra quy định người lao động tự chịu trách nhiệm về bảo hiểm là không đúng với quy định của pháp luật”, ông Hùng khẳng định.
Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội. Ảnh của truyền hình Quốc hội. |
Bình luận về vụ việc nói trên, hôm 14/4, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, cần làm rõ những dấu hiệu vi phạm của đơn vị sử dụng lao động trong vụ việc này ở hai khía cạnh.
"Do người sử dụng lao động sơ xuất trong việc không đảm bảo tiền lương, bảo hiểm cho người lao động, hay người sử dụng lao động bắt lao động bỏ tiền đóng bảo hiểm hiểm để tham ô số tiền bảo hiểm, mà đáng ra phần bảo hiểm đó người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động?
Nhưng dù sự việc theo hướng nào đi nữa thì người sử dụng lao động trong trường hợp này đều vi phạm. Như vậy, trong vụ việc này, Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm, chứ không ai chịu thay ông ấy được", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhận định.
Cựu kế toán Mầm non đề nghị xử lý trách nhiệm của Chủ tịch huyện Như Thanh |
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền trước hết cần làm rõ vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở - đơn vị thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động.
"Tổ chức công đoàn có đứng ra tố cáo, hay giám sát việc người sử dụng lao động thực hiện quyền lợi cho người lao động hay không? Nếu không thường xuyên kiểm tra, giám sát thì anh quan liêu quá!
Việc này cũng cần có ý kiến, sự vào cuộc của Liên đoàn Lao động tỉnh; ngành Lao động, Thương binh và xã hội", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Từ những phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng: "Ngoài việc xử lý trách nhiệm của người sử dụng lao động trái luật, cơ quan có trách nhiệm cần phải đưa ra biện pháp khắc phục vi phạm gây ra đối với người lao động", Tiến sĩ Tùng Lâm cho biết.