Thiếu chia sẻ là nguyên nhân lớn gây bạo lực học đường

25/04/2018 08:59
Trinh Phúc
(GDVN) - Ngày xưa học sinh ít khi chia sẻ với thầy cô, các em thường giữ kín trong lòng, không tâm sự thì bây giờ học trò có khúc mắc gì các em sẽ gọi điện giải bày.

Ngày 20/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam và Trường Trung học Phổ thông Võ Thị Sáu (tỉnh Vĩnh Phúc) tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” với sự tham gia của học giả, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng.

Tại hội thảo lần này phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cơ hội để trao đổi với giáo viên trường Võ Thị Sáu về công tác giáo dục học sinh trong bối cảnh bạo lực học đường đang có biểu hiện phức tạp.

Bày tỏ quan điểm về các vụ việc bạo lực học đường xảy ra gần đây, đa số giáo viên khi được hỏi đều cho rằng những sự việc đáng tiếc như cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, cô giáo “quyền lực” im lặng không giảng bài suốt 3 tháng trời, trò đâm thầy giáo nhập viện có nguyên nhân từ việc thiếu sự chia sẻ giữa thầy và trò.

Cô Nguyễn Thị Dung cho rằng: "Ngày xưa học sinh ít khi chia sẻ với thầy cô, các em thường giữ kín trong lòng, không tâm sự thì bây giờ học trò có khúc mắc gì các em sẽ gọi điện cho cô và tâm sự, giãi bày" (ảnh Trinh Phúc).
Cô Nguyễn Thị Dung cho rằng: "Ngày xưa học sinh ít khi chia sẻ với thầy cô, các em thường giữ kín trong lòng, không tâm sự thì bây giờ học trò có khúc mắc gì các em sẽ gọi điện cho cô và tâm sự, giãi bày" (ảnh Trinh Phúc).

Từ thực tế giảng dạy và công tác chủ nhiệm tại trường, cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A4, người có hơn 10 năm làm công tác chủ nhiệm cho rằng thực tế công tác giáo dục hiện nay có nhiều thuận lợi hơn trước.

Phân tích sâu hơn về nhận định của mình, cô Dung chia sẻ, trước đây học trò nhút nhát, ít cởi mở với thầy cô nhưng càng ngày tác phong, thái độ của học trò lại mạnh dạn hơn.

Ngày xưa học sinh ít khi chia sẻ với thầy cô, các em thường giữ kín trong lòng, không tâm sự thì bây giờ học trò có khúc mắc gì các em sẽ gọi điện cho cô và tâm sự, giãi bày.

Giờ điện thoại thông minh các em chia sẻ trực tiếp trên mạng xã hội, kết bạn với cô giáo, nhờ cô gỡ rối khi gặp vấn đề.

Theo cô giáo Dung: “Việc học sinh ngày càng cởi mở hơn trong tâm tư, tình cảm là điều kiện để giáo viên hiểu các em hơn.

Có vấn đề gì phát sinh cũng dễ dàng chia sẻ với phụ huynh thông qua sổ liên lạc điện tử”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói chuyện về "Khỏi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0" với học sinh trường Trung học Phổ Thông Võ Thị Sáu (ảnh Trinh Phúc).
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói chuyện về "Khỏi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0" với học sinh trường Trung học Phổ Thông Võ Thị Sáu (ảnh Trinh Phúc).

Bàn về tình trạng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng cô Dung nhận định: “Bản thân ai cũng có khúc mắc, ngay cả bản thân mỗi người cũng có khúc mắc với chính mình chứ chưa nói với người khác.

Để xảy ra bạo lực là do giáo viên và học sinh chưa tìm được điểm chung để giải quyết được những khúc mắc đó.

Theo tôi nghĩ cái gì cũng có nguyên nhân nhất định nên cần tìm ra nguyên nhân để giải quyết điểm chung.

Để không có hành động đáng tiếc xảy ra trong thời gian vừa qua giữa học trò với giáo viên và ngược lại thì cần thiết phải tăng cường nhận thức những vấn đề xã hội.

Bản thân là giáo viên chủ nhiệm cũng thế thôi, nhiều khi một vấn đề tôi trao đổi 10 học sinh nhưng chỉ có 9 học sinh hiểu được và sẽ vẫn có một học sinh không hiểu được.

Thiếu chia sẻ là nguyên nhân lớn gây bạo lực học đường ảnh 3Cách mạng 4.0, nhà văn có bị thất nghiệp?

Khi không hiểu được mà không được thầy cô trao đổi, giải đáp thì trở thành mâu thuẫn, đến khi mâu thuẫn đạt tới đỉnh điểm nhẹ thì cô trò hiểu lầm lẫn nhau và có thể dẫn tới hành động đáng tiếc”.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm giáo dục học trò cá biệt, cô giáo Dung cho rằng: “Học sinh cá biệt thì mỗi em đều có biểu hiện riêng.

Tuy nhiên, điểm chung của tất cả học sinh cá biệt đó là khi mắc lỗi thường hay đổ lỗi cho người khác và không biết nhận lỗi về mình.

Đến khi giáo viên xử lý thì luôn có động thái gần như đối kháng lại với giáo viên. Kinh nghiệm để giáo dục những học sinh này cần thiết phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao các em lại có hành vi cá biệt như vậy.

Có những em xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, tôi đã từng gặp những học sinh bố mẹ bỏ nhau, tị nhau không ai nuôi con.

Khi xin tiền mẹ đi học thì mẹ bảo là xin tiền bố. Nhưng khi xin tiền bố thì bố nhất quyết không cho. Do đó, học sinh này luôn có mặc cảm, hay chán nản và dễ bộc phát.

Với những học sinh có hoàn cảnh như vậy, tôi gặp riêng để động viên an ủi. Thậm chí, nói lên nhiều tấm gương trong xã hội biết vượt qua khó khăn bằng con đường học tập.

Để đồng hành với em, tôi đã kêu gọi phụ huynh trong lớp chung tay giúp đỡ em”.

Cô giáo Dung nhấn mạnh: “Quan trọng nhất với học sinh các biệt là giáo viên phải dành thời gian gặp gỡ, động viên các em thường xuyên.

Còn cứ làm căng quyết liệt, hết hạn nộp tiền rồi sao em không nộp thì học sinh chắc chắn tự động nghỉ học. Lương tâm nghề nghiệp sẽ không chấp nhận để những chuyện đó xảy ra”.

Tâm sự thêm về một trường hợp học sinh cá biệt nữa, cô Dung kể: “Bây giờ, tôi gặp học sinh cá biệt bị ảnh hưởng giới tính.

Khi em này đang ở lớp 10 thì em vẫn bình thường như các bạn nữ khác, xinh và nữ tính. Nhưng sang lớp 11 đến lớp 12 thì em này có xu hướng chuyển giới”.

Thiếu chia sẻ là nguyên nhân lớn gây bạo lực học đường ảnh 47 nguyên nhân dẫn đến việc cô giáo bắt trẻ uống nước vắt từ giẻ lau bảng

Theo đó, học sinh này sau khi nghỉ hè lớp 10 thì cắt tóc ngắn như con trai và ăn mặc, đi đứng làm kiểu theo đúng tác phong con trai. Rồi em cố xăm hoa chân, hoa tay, vòng cổ, vòng tay để biểu lộ cá tính mạnh mẽ.

Không chỉ thế, em còn có biểu hiện bắt đầu chống đối giáo viên. Những điều trước đây em thực hiện tốt thì giờ cố tình không thực hiện.

Như việc thích bỏ học không phép thì em bỏ, thích không đi học đúng giờ thì thực hiện. Gần như em cố tổ ra  cá tính mạnh mẽ như các bạn nam, không sợ gì ai.

Đối với những học sinh này mình cũng có phương hướng gặp để trao đổi trực tiếp về vấn đề giới tính của em.

“Tôi gặp gỡ, trao đổi để xem do tự em như thế hay đang cố tình tạo cho mình võ bọc do xu hướng bạn bè.

Tôi đã định hướng cho em, nếu thực tế giới tính của em như vậy thì mình cũng cần kín đáo. Tuy rằng, xã hội đã thừa nhận giới tính thứ 3, không lên án gắt gao như thời xưa nữa nhưng xã hội nào cũng phải giữ ranh giới nhất định của mình.

Nếu em đua đòi theo bạn bè, thích ăn mặc như bạn nam thì mình cần chấn chỉnh lại và thực tế mình đã thành công đã đưa em này quay trở lại từ bạn nữ thích trở thành tomboy nhưng điều đó không phù hợp”.

Bày tỏ quan điểm về giáo viên quyền lực, im lặng không giảng bài suốt 3 tháng trời cô Dung có ý kiến cho rằng: “Giáo viên mà gặp học trò cãi lại vài câu rồi để bụng, ai mà như vậy thì làm nghề không được đâu.

Nếu giáo viên có khúc mắc gì đó với học sinh mà chọn con đường im lặng là sai lầm đầu tiên. Sai lầm này nó sẽ dẫn đến hậu quả khác nhau. Đóng vai trò là nhà giáo dục, định hướng cho các em, nắn chỉnh từ cái sai đến cái đúng cho các em.

Nếu nhận thức ra cái sai điều chỉnh các em còn nếu chọn con đường im lặm thì bản thân học sinh không nhận thức được vấn đề, cứ nghĩ các em đúng. Mà đến khi các em nhận thức không đúng sẽ có phản ứng nhất định với giáo viên.

Cần giải quyết rõ ràng, tìm hiểu, còn nếu giáo viên im lặng học trò nghĩ nó đúng, không sai gì ở đây”.

Ngày 20/4, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam kết hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, Trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, hội thảo đã thu hút hơn 500 học sinh cùng cán bộ, giáo viên của trường trung học phổ thông Bình Sơn.

Tại hội thảo lần này, các em học sinh được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777, Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả. 

Trinh Phúc