Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Trung học phổ thông Triệu Thái (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) diễn ra trong tuần qua đã thu hút sự tham gia của 596 học sinh và giáo viên, cán bộ của trường.
Sau những chia sẻ về khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, phần đối thoại với học sinh của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng được nhiều học sinh hào hứng tham gia.
Học sinh hào hứng đặt câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: Đỗ Thơm) |
Liên quan đến khởi nghiệp, một nữ sinh lớp 12 đặt câu hỏi: “Thưa Giáo sư, nhà văn có bị thất nghiệp trong thời đại cách mạng 4.0?”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, câu hỏi này khá thú vị. Và ông cũng bất ngờ khi nữ sinh này chia sẻ, ước mơ của bạn là trở thành nhà văn.
“Hãy thành một nhà văn giỏi, có nhiều tác phẩm hay, tác phẩm của em sẽ không chỉ được đọc ở Việt Nam mà trên toàn thế giới nhờ công nghệ số. Chúc em sẽ trở thành một nhà văn được yêu mến”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói.
Em Nguyễn Văn Quang, học sinh lớp 12 A1, hỏi Giáo sư: “Thưa Giáo sư, Giáo sư có tin vào số phận không?. Và liệu có số nghèo”.
Sinh viên yếu kỹ năng tin học cơ bản, thiếu tự tin và khả năng thuyết trình |
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, số phận là khái niệm mơ hồ. Số phận không bắt ai nghèo suốt đời cả. Chúng ta phải vượt lên số phận.
Ông dẫn chứng: “Ví dụ như trường hợp của nhà thơ Trần Hồng Giang (Nam Định), tuy liệt cả tứ chi nhưng đã từ chối số tiền viện trợ của đoàn chúng tôi.
Trần Hồng Giang nói rằng: “Tuy em tàn tật nhưng thu nhập của em còn đang cao hơn một thanh niên trong làng” (!).
Mặc dầu chưa bước chân đến trường bao giờ và chỉ đánh máy tính bằng nửa cái đũa ngậm ở miệng nhưng em đã là tác giả của ba cuốn tiểu thuyết và khá nhiều tập thơ, hơn nữa còn làm biên tập tiếng Anh cho một nhà xuất bản”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói tiếp: “Số phận không quyết định cuộc đời mà chúng ta có quyền vượt lên số phận bằng khả năng, ý chí, nghị lực, kiến thức.
Các em ngồi ở đây đều khỏe mạnh, thông minh, lanh lợi.
Tôi mong rằng các em sẽ có ý chí để khởi nghiệp làm giàu cho bản thân, gia đình và cho xã hội”.
Tiếp tục phần đối thoại, một em học sinh của Trường Trung học Phổ thông Triệu Thái hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: “Giáo sư lấy ai làm tấm gương để nỗ lực thành công?”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, khi dấn thân vào sự nghiệp khoa học, đặc biệt là vào ngành vi sinh vật, một ngành vô cùng mới mẻ ở Việt Nam thời điểm đó, ông đã lấy Giáo sư Đặng Văn Ngữ làm tấm gương.
Giáo sư Dũng nhắn nhủ tới nữ học sinh lớp 12: “Em hãy tìm một thần tượng để làm tấm gương phấn đấu trong công việc mà em muốn theo đuổi”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Ban giám hiệu Trường Trung học Phổ thông Triệu Thái. |
Phát biểu tại Hội thảo, thầy Hà Trọng Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Triệu Thái gửi lời cảm ơn đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức chương trình đầy ý nghĩa này.
Đây có lẽ là cơ hội đầu tiên và duy nhất để học sinh của trường được lắng nghe những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về chủ đề khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Trao đổi với phóng viên, thầy Trần Đình Công, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đặc thù của trường là từ một trường bán công lên công lập. Cơ sở vật chất, các điều kiện, chất lượng học sinh đầu vào còn nhiều hạn chế.
“Vì vậy, buổi nói chuyện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã truyền cảm hứng cho không chỉ học sinh mà còn với toàn thể giáo viên, cán bộ nhà trường để nỗ lực hơn nữa trong giảng dạy, học tập.
Tôi hy vọng, sau buổi nói chuyện, các em sẽ có thêm động lực để cố gắng phấn đầu trau dồi kiến thức để trở thành con người tự do dựa trên tri thức, sự hiểu biết”, thầy Công chia sẻ.