Tôi không thể tin Giáo sư giản dị, chan hòa và thân mật với mọi người đến thế

25/04/2018 08:46
Nguyễn Đức Khuynh
(GDVN) - Giáo sư đã rời bục nói chuyện, bước xuống, để được gần thêm với học sinh toàn trường, để xóa đi khoảng cách với học trò vùng sơn cước Núi Sáng Sông Lô.

Ngày 21/4/2018, Trường trung học phổ thông Sáng Sơn, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc phối hợp với Báo Điện tử Giáo dục điện tử Việt Nam tổ chức buổi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Không khí tưng bừng, háo hức của thầy và trò đã làm cho buổi tọa đàm thêm trang trọng, cờ hoa, trang trí, băng rôn ngay từ khi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng xuất hiện.

Dáng người nhỏ, hơi thấp, mặc áo cộc tay, cầm chiếc cặp nhỏ, tác phong vẫn chững chạc mặc dù đã 81 tuổi chính là vị Giáo sư, nhà khoa học khả kính Nguyễn Lân Dũng.

Chỉ sau ít phút nghỉ ngơi, Giáo sư đã tiến ra sân trường – nơi các thầy cô giáo và học sinh toàn trường đã xếp hàng chỉnh tề, chờ đợi rất háo hức.

Thầy giáo, Tiến sĩ Vật lí Đỗ Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Sáng Sơn đã long trọng giới thiệu mục đích của buổi Hội thảo và trân trọng giới thiệu với toàn thể thầy và trò Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhà khoa học với nụ cười hóm hỉnh và thân thiện, quen thuộc và xa lạ đã dành cơ hội vàng cho chúng ta hôm nay.

Thầy Đỗ Mạnh Hùng và Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng.
Thầy Đỗ Mạnh Hùng và Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng.

Mặc dù biết Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng rất giản dị, chan hòa nhưng tôi không ngờ vị giáo sư lại giản dị và chan hòa, thân mật với mọi người đến thế.

Giáo sư đã rời bục nói chuyện, bước xuống, để được gần thêm với học sinh toàn trường, để xóa đi khoảng cách của một nhà khoa học nổi tiếng thế giới và Việt Nam với học trò vùng sơn cước Núi Sáng Sông Lô.

Những lời nói chân thành, cởi mở, nhẹ nhàng mà dí dỏm, thân tình như câu chuyện của đời thường đã cuốn hút thầy và trò về những điều giản dị của cuộc sống.

Nhu cầu vật chất, tiền bạc và tâm hồn, tình cảm; nhu cầu sống để tồn tại bình an và hạnh phúc với khát khao làm giàu, có thật nhiều tiền nhiều thứ và cuối cùng qua những thăng trầm con người còn lại điều gì?

Những ánh mắt học sinh đầy ngỡ ngàng, thán phục vì lần đầu tiên trong đời học sinh phổ thông được gặp một nhà khoa học lớn, một người thầy uy tín đến vậy.

Trường nội trú tỉnh Phú Thọ và cuộc trò chuyện 4.0 đặc biệt

Tôi, gần 60 tuổi đời, đi nhiều, đọc nhiều, đã biết một số chương trình “Nhà nông làm giàu” hay “Nhà sáng chế” nhưng hôm nay khi được trực tiếp nghe buổi trao đổi nhẹ nhàng của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng mới thấy nhiều thú vị.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giới thiệu một số cá nhân khởi nghiệp rất thành công, nổi tiếng của Việt Nam.

Từ những hoàn cảnh ngặt nghèo, cơ cực, đã vươn lên làm giàu như vua Bơ ở Tây Nguyên (Trịnh Xuân Mười), vua nuôi vịt trời (Cường), tỷ phú trồng cam, chanh không hạt, bưởi ít hạt (Lê Văn Xê)…

Tấm gương của sinh viên Đại học Hồng Đức – Lê Thị Thắm, hay Trần Hồng Giang với khởi nghiệp để sống bằng viết văn...

Giáo sư có cách diễn thuyết hàm súc, kết hợp giữa lời nói và các tư liệu, các dẫn chứng chọn lọc, khi giải thích, khi tóm lược khái niệm rồi bất ngờ kết luận rất hóm hình tạo cho giờ ngoại khóa lôi cuốn và trôi đi mau lẹ.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ cùng các em học sinh tại Hội thảo.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ cùng các em học sinh tại Hội thảo.

Phần hai của chương trình, Giáo sư giới thiệu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các giai đoạn đã và đang diễn ra và đang làm thay đổi lịch sử con người thế giới, ở Việt Nam, và ngay tại Sáng Sơn.

Ở đề tài này, Giáo sư lại có những câu chuyện khoa học thật vô cùng hay, thú vị và có ý nghĩa.

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng công tác, giảng dạy, nghiên cứu về ngành sinh học mà lại am hiểu và quan tâm đến nhiều lĩnh vực đến thế. Tôi không ngờ Giáo sư lại viết sách về Văn học, về từ vựng Tiếng Anh, về Y học,...

Giáo sư tặng sách do chính Giáo sư viết cho đại diện của các tổ chuyên: Tiếng Anh, Văn học, Sinh học, Y học...

Giáo sư muốn thầy trò Trường trung học phổ thông Sáng Sơn mở rộng tầm nhìn và cách ứng xử với khoa học trước cơn bão khoa học kỹ thuật.

Cuộc sống số, cuộc sống phẳng, công nghệ tự động, đám mây điện toán, trí tuệ nhân tạo và nền tảng của công nghệ 4.0 sẽ tác động đến con người Việt Nam thế nào?

Nhà nước ta và chúng ta đã và cần làm những gì, đã chuẩn bị như thế nào để tồn tại và phát triển?

Tôi không thể tin Giáo sư giản dị, chan hòa và thân mật với mọi người đến thế ảnh 3Cách mạng 4.0, nhà văn có bị thất nghiệp?

Việt Nam ta, vẫn còn tồn tại thành tựu của cách mạng khoa học từ 1.0 đến 4.0 như: thủ công, bán cơ khí, cơ khí, bán tự động, tự động hoàn toàn; máy móc, công nghệ thành thị khác với nông thôn, miền núi như nơi trường Sáng Sơn.

Thất nghiệp, đói nghèo, lạc hậu và bất hạnh hay chúng ta phải thay đổi, phải làm gì đó, phải hành động gì đó ngay, nếu không sẽ quá muộn?

Giáo sư đặc biệt muốn truyền cảm hứng làm khoa học cho học trò từ câu chuyện của chính mình qua mấy chục năm qua, khơi dậy niềm tin vào cuộc sống, lòng ham muốn làm khoa học, ham muốn đọc sách và xây dựng mơ ước từ những cuốn sách nhỏ bình dị này.

Giáo sư trao đổi về kỹ năng sống rất đời thường, đầy ý nghĩa đối với thế hệ trẻ. Đó là những điều nên và không nên, những điều phải và không phải, những điều cần và phải có, những thứ không bao giờ lấy lại được,...

Với hình thức hỏi đáp, Giáo sư nêu từng vấn đề, lắng nghe các học trò trả lời và cặn kẽ tóm lược, nhận xét. Giáo sư đã có phần thưởng khích lệ là sách của mình cho học sinh trả lời tốt.

Tôi cảm nhận được niềm hân hoan của các em học sinh khi được cầm trên tay những cuốn sách có chữ ký của Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng như dấu ấn để đời.

Sau buổi nói chuyện, tôi đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trả lời về một số vấn đề rất thiết thực, quan trọng trong cuộc sống, và những băn khoăn của nhiều người về chương trình giáo dục, về biên soạn sách giáo khoa trong kế hoạch đổi mới toàn diện vào những năm 2020.

Cách mạng công nghiệp 4.0, nông dân có thể trở thành tỷ phú

Buổi chiều Thứ Bảy, trở về nhà riêng, hình ảnh người thầy – Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cứ mãi xâm chiếm tâm hồn và trí óc tôi.

Tấm gương một gia đình trí thức mẫu mực của Việt Nam, mấy thế hệ làm thầy, nghiên cứu khoa học thành đạt (mọi người vẫn quen gọi là cả nhà là Giáo sư) trong hoàn cảnh khó khăn trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những khó khăn chật vật về kinh tế nhưng chính Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã thôi thúc tôi cố gắng viết vài dòng như một kỉ niệm đẹp, khó quên trong đời một người thầy của tôi.

Và những ngày tới đây, tôi sẽ động viên các em học sinh hãy cố gắng học tập, phấn đấu, nỗ lực cao hơn, nhiều hơn nữa để khởi nghiệp, để vươn lên, làm thay đổi cuộc sống của mỗi cá nhân (trong đó có mình) trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bằng tấm gương của thầy giáo, giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng.

Nguyễn Đức Khuynh