Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10/1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút:
“Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là cái gốc của Đảng”.
Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng ta luôn dành sự quan tâm to lớn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và tiến hành thường xuyên, liên tục.
Tại Hội nghị Trung ương 7, công tác cán bộ là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận.
Có thể nói, chưa bao giờ, việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược lại được chú trọng như hiện nay.
Mới đây, lần đầu tiên, một lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức dành cho 20 Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII đã được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.
Điều này thể hiện sự quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược trong bối cảnh hiện nay.
Cán bộ là vấn đề mang tính sống còn
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: “Có cán bộ thiếu liêm sỉ, không thấy xấu hổ” |
Quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy định, hướng dẫn về lĩnh vực này như Quy định 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp;
Kết luận số 57-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp;
Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý;
Kết luận số 94-KL/TW về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân;
Kết luận số 117-KL/TW của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...
Công tác đào tạo, bồi dưỡng được coi trọng và thực hiện hiệu quả hơn theo các quy định, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước; bước đầu gắn với quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ.
Trong giai đoạn 2013-2015, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức bồi dưỡng nguồn cán bộ cao cấp chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng lần thứ XII của Đảng.
Từ ngày 27/3/2013- 02/7/2015, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức được 6 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp, với tổng số 511 đồng chí tham gia học tập.
Kết quả thống kê cho thấy, 100% số học viên lớp dự nguồn công tác tại các địa phương được bầu vào Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh, thành ủy và 45 trong số 61 đồng chí đắc cử bí thư tỉnh, thành ủy là học viên của lớp dự nguồn.
Khắc phục tình trạng "chạy chức, chạy quyền" hay "thân quen, cánh hẩu" |
114/511 học viên các lớp dự nguồn đã trở thành Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, trong đó 94 đồng chí là Ủy viên chính thức và 20 đồng chí là Ủy viên dự khuyết.
Từ những kết quả nêu trên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khẳng định:
Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp thực sự là một hoạt động quan trọng, vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài trong công tác cán bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới.
Nhấn mạnh cán bộ là vấn đề sống còn, Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời kỳ đất nước đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ càng trở nên cần thiết.
Việc tập trung nâng cao năng lực, chất lượng, trình độ trí tuệ và trình độ liêm chính của đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước chứ không đơn thuần là chỉ giải quyết những vấn đề tham nhũng, lãng phí.
Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn mong muốn Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) tập trung giải quyết cơ bản chiến lược về toàn bộ tiến trình xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cất nhắc, sử dụng;
Đặc biệt là kiểm tra, đánh giá về năng lực cũng như xây dựng quy trình chặt chẽ trong kiểm tra quyền lực, kiểm tra sự liêm chính của cán bộ;
Đảm bảo cho đội ngũ cán bộ ấy đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp xây dựng Đảng và đất nước.
Lựa chọn từ gốc
Một trong những giải pháp được Đảng xác định tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là:
Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương.
Mới đây, lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức dành cho các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII đã được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.
Tại Lễ khai giảng, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh:
Cùng với việc trải nghiệm qua thực tiễn công tác ở địa phương, đơn vị, các cán bộ phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị cập nhật những kiến thức mới về lý luận;
Củng cố nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng, xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược;
Rèn luyện đạo đức cách mạng, tác phong công tác, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, xử lý tình huống, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kỳ vọng từ Hội nghị Trung ương 7 về xây dựng cán bộ cấp chiến lược |
Nhận định trong tình hình đất nước hiện nay, người cán bộ cần có đạo đức, tài năng và bản lĩnh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 4 nêu ý kiến, cần có cơ chế lựa chọn được những cán bộ vừa hồng vừa chuyên, có phẩm hạnh đạo đức, hy sinh cho nhân dân, cho lợi ích chung của đất nước.
Đồng thời, các cán bộ phải tinh thông về nghiệp vụ, có tư tưởng hội nhập, toàn cầu hóa, nhìn nhận vấn đề phát triển chung trong quy luật thế giới để đưa đất nước ngày càng phát triển.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dũng khẳng định:
“Công tác cán bộ là công tác lâu dài, do đó cần đầu tư thực sự vào lĩnh vực giáo dục để có một nền giáo dục hiện đại, tạo ra con người thích ứng được với đời sống hiện nay, có nhân cách đạo đức tốt, từ đó sẽ có được những cán bộ tốt”.
Hoan nghênh chủ trương tổ chức các lớp cập nhật, nâng cao kiến thức dành cho đối tượng là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, thậm chí các Ủy viên Trung ương Đảng chính thức, Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dũng đánh giá điều này thể hiện sự kế tục chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XI và Đại hội Đảng lần thứ XII.
Việc thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ chiến lược là cần thiết; từ đó các cán bộ cấp chiến lược luôn được tiếp cận những kiến thức mới, những vấn đề lớn nhất của thế giới hiện nay, những mâu thuẫn của thời đại, những vấn đề lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...
Tuy nhiên, Chương trình bồi dưỡng luôn phải được cập nhật phù hợp từng thời điểm cụ thể.
Là người trực tiếp tham gia Lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức dành cho Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII vừa qua, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đánh giá:
“Đảng ta ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao.
Nhiều chương trình, lớp bồi dưỡng đã được tổ chức để đội ngũ cán bộ có điều kiện nghiên cứu, học tập, bổ sung, nâng cao kiến thức, tiếp cận thêm những vấn đề thực tiễn, xu thế phát triển mới.
Việc học tập lý luận, bồi dưỡng định kỳ cũng được quy định là cần thiết, bắt buộc đối với cán bộ.
Đây là biểu hiện cụ thể chứng minh cho sự đầu tư ngày càng bài bản, có trọng tâm cho một công việc rất quan trọng của Đảng”.
Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho rằng, đội ngũ cán bộ quyết định rất lớn đến hiệu quả, chất lượng công việc.
Cán bộ đủ phẩm chất, đủ năng lực, đủ uy tín sẽ góp phần thúc đẩy quá trình hiện thực hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào đời sống một cách chủ động, sáng tạo.
Cán bộ cấp cao với năng lực tốt sẽ góp phần hình thành nhiều chủ trương, chính sách hiệu quả, có tầm, đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước.
Cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng liên tục, đây là một trong những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng cán bộ.
Đánh giá cao cách thức tổ chức và nội dung các lớp bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ cấp cao, các lớp dự nguồn cán bộ cấp cao đã tổ chức trong thời gian vừa qua, đồng chí Lê Quốc Phong khẳng định, việc dành thời gian hợp lý để đội ngũ cán bộ cấp cao nghiên cứu có hệ thống cả về lý luận và thực tiễn, cập nhật những vấn đề mới trong và ngoài nước là hết sức cần thiết.
Chương trình cập nhật kiến thức với cách tổ chức giúp tăng thời lượng cho cán bộ theo học tự nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, tìm hiểu mô hình thực tế bổ trợ khá tốt cho các chuyên đề lý luận, từ đó gợi mở nhiều hướng tiếp cận, cách giải quyết tình huống.
“Từ cách làm của Trung ương, hầu hết các địa phương, bộ, ngành cũng đã thay đổi cách tiếp cận và đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của địa phương, đơn vị.
Tôi nghĩ cần tiếp tục duy trì các hình thức đào tạo, bồi dưỡng như thế này”, đồng chí Lê Quốc Phong nêu ý kiến.
Sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, trong đó, công tác đào, bồi dưỡng, trang bị và cập nhật kiến thức cho cán bộ là việc đặc biệt quan trọng.
Công tác này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, trang bị kiến thức toàn diện cho cán bộ để có năng lực đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.