5 “c” + 5 “ệ” = khó mà có văn hóa từ chức
Cách đây khoảng 15 năm, ông Lê Huy Ngọ với cương vị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đơn xin từ chức. Và cũng từ đó đến nay, chắc hẳn việc từ chức của ông Ngọ chả mấy ai còn nhớ.
Nguyên nhân ông Ngọ xin từ chức là do bản thân đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để Công ty tiếp thị và đầu tư do Lã Thị Kim Oanh làm giám đốc vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Những tưởng đây sẽ là một tấm gương cho các vị quan chức khác tự nhìn nhận về trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân khi có vi phạm, thế nhưng những kỳ vọng về thứ gọi là “văn hóa từ chức” ở nước ta vẫn chưa bao giờ trở thành hiện thực.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: “Có cán bộ thiếu liêm sỉ, không thấy xấu hổ” |
Và đã 15 năm trôi qua, kể từ khi ông Ngọ từ chức, chẳng mấy vị quan chức đương đại nào dám thẳng thắn, tự nguyện làm cái việc “khác thường” như ông.
Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Dương Trung Quốc đã đưa câu hỏi chất vấn ông Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là Thủ tướng Chính phủ về "văn hóa từ chức".
Vị Đại biểu chất vấn:“Thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?” (1).
Đây được coi là một sự kiện chưa từng có trước nay tại nghị trường Quốc hội khi một đại biểu Quốc hội Việt Nam công khai đề nghị Thủ tướng lúc bấy giờvề một vấn đề rất nhạy cảm.
Và tất nhiên, câu hỏi của Đại biểu Dương Trung Quốc và câu trả trả lời của Thủ tướng khi ấy chưa thể tạo ra cái gọi là "văn hóa từ chức" để thay bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện đại (văn hóa từ chức) - điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm.
Từ đó tới nay, vấn đề từ chức dường như vẫn còn là thứ xa xỉ đối với một bộ phận không nhỏ quan chức có vi phạm, không đủ năng lực...
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang. |
Bình luận về nội dung "văn hóa từ chức" với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 12/5, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trong thời điểm, Đảng quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy với việc hàng loạt các quan chức cấp cao bị phát hiện và đưa ra xử lý, thì việc xây dựng quy định về vấn đề từ chức là điều cần thiết.
Ông Lê Như Tiến nhận định chung về việc một số quan chức có vi phạm thời gian qua vừa bị đưa ra xử lý trách nhiệm, nhưng không tự nguyện buông bỏ chức vụ là do vấn đề tiền tài, danh vọng gắn quá chặt với chức tước mà cán bộ đó đang nắm giữ.
“Mỗi người ở một vị trí nhất định sẽ gắn liền với nhiều bổng lộc, quyền lợi, mà thực chất đó là đặc quyền đặc lợi...
Lương cán bộ có hạn chế, nhưng ngoài lương, nhiều người còn có lậu, thưởng, bổng lộc. Có người tiền lậu nhiều hơn lương, bổng lộc nhiều hơn lương...
Rõ ràng với quyền lợi đi kèm như vậy, không ít người còn đau đáu, day dứt, thậm chí nuối tiếc với những gì mình đã, đang có.
Bên cạnh đó, công tác cán bộ còn tồn tại tình trạng “5c” (con cháu các cụ cả) và việc tiếp nhận, đề bạt, bố trí cán bộ theo kiểu 5 “ệ” (quan hệ, tiền tệ, đồ đệ, hậu duệ, trí tuệ).
Phác thảo chân dung những kẻ “hại nước, hại dân” (1) |
Khi đã có 5 “c”, và 5 “ệ” rất dễ dẫn đến 5 “đ” (đố điều đi đâu được), khi đó sẽ rất khó có văn hóa từ chức. Có lẽ vậy, “văn hóa từ chức” ở nước ta vẫn còn là thứ gì đó quá xa vời.
Một nguyên nhân khác khiến “văn hóa từ chức” chưa trở nên phổ biến là do chúng ta chưa thường xuyên giáo dục, tuyên truyền về ý thức, lòng tự trọng của cán bộ trong công việc.
Nếu cán bộ có lòng tự trọng, nhận thấy rằng bản thân không còn xứng đáng ngồi ở vị trí đó nữa thì chuyện từ chức sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Tôi lấy ví dụ, việc ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông từng có đơn xin từ chức là việc làm đáng hoan nghênh.
Có lẽ, vì lòng tự trọng của người lãnh đạo nên ông ấy từ chức, nhường chức vụ cho người khác. Việc từ chức trong thời điểm đó rất tốt cho sự nghiệp chung.
Dư luận nên ủng hộ, biểu dương những người tự nguyện/dám từ chức vì không đáp ứng được công việc, hoặc bản thân tự nhận thấy vi phạm khuyết điểm”, ông Lê Như Tiến nêu quan điểm.
Luật hóa việc từ chức bằng cách nào?
Ông Lê Như Tiến cho rằng, Việt Nam chưa có “văn hóa từ chức” vì chưa có quy định để chưa lượng hóa được việc từ chức (tại sao phải từ chức? Làm thế nào để từ chức? cần làm gì để cán bộ có vi phạm, yếu năng lực từ chức...?).
“Xây dựng Nghị định về vấn đề từ chức cần lượng hóa các vấn đề năng lực, uy tín, tuổi tác, phẩm chất đạo đức cán bộ...
Bên cạnh đó, thì cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu trước những vấn đề/vụ việc tiêu cực do tác động của yếu tố khách quan, nhưng thuộc thuộc trách nhiệm của người đứng đầu.
Vấn đề từ chức của quan chức phải được luật hóa trong luật cán bộ công chức; luật phòng, chống tham nhũng; luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí...”, ông Lê Như Tiến đề xuất.
Cán bộ không còn uy tín với Đảng, với nhân dân thì nên từ chức cho dân được nhờ |
Từ những phân tích trên, ông Lê Như Tiến cho rằng:
“Công tác cán bộ nói chung và vấn đề từ chức nói riêng phải giống như dòng sông, lúc nào sông cũng phải chảy thì nước mới trong sạch được.
Cán bộ không làm được việc, hoặc có vi phạm, uy tín giảm sút, thì nên nhường lại vị trí cho người khác, chứ không nên có suy nghĩ theo kiểu “đã lên không xuống, đã vào không ra”.
Cho nên, khi có quy định về vấn đề từ chức, thì thời điểm Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương, bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân chính là dịp/cơ hội để chúng ta thanh lọc đội ngũ cán bộ, đưa ra khỏi bộ máy những người không còn tín nhiệm, không còn năng lực, không đủ phẩm chất.
Đồng thời bổ sung thêm những cán bộ trẻ, có đủ đức, đủ tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vào bộ máy quản lý nhà nước.
Và khi từ chức trở thành một thứ văn hóa thì người dân nên có thái độ ủng hộ, chia sẻ đối với những người xin từ chức", ông Tiến nói.
Tài liệu tham khảo:
(1) http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=127&ItemId=264052&GroupId=2269