LTS: Hàng năm cứ vào mùa tuyển sinh, với mong muốn con em mình được học tập trong môi trường giáo dục tốt, thế nên một số phụ huynh đã tìm mọi cách để chạy trường cho con.
Chia sẻ nỗi vất vả của phụ huynh cũng như chính các thầy cô giáo, đặc biệt là hiệu trưởng trước vấn đề trên, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mùa tuyển sinh đến gần, hiệu trưởng là người chịu nhiều áp lực nhất bởi tình trạng chạy trường vẫn đang tồn tại khá phổ biến ngay cả những vùng quê nghèo.
Chán nản, mệt mỏi chỉ muốn trốn đi đâu đó một thời gian là tâm trạng của khá nhiều hiệu trưởng.
Có người bật mí “suốt ngày tiếp khách, nhận điện thoại, trả lời, giải thích và nhận lại những lời trách móc, bóng gió xa xôi. Kiểu này có ngày vào nhà thương điên sớm”.
Lời than thở của một hiệu trưởng trường tiểu học nghe thật xót xa. Cùng là người trong nghề nên chúng tôi hiểu được những gì chị nói.
Phụ huynh vào mùa chạy trường cho con (Ảnh minh họa: ĐAN). |
Nơi thị xã bé nhỏ này, chuyện chạy trường không rầm rộ như một số thành phố nhưng không phải là không có.
Do thiếu hiểu biết về giáo dục lại thích chạy theo những lời đồn thổi về trường này tốt hơn trường kia nên không ít phụ huynh tìm đủ mọi cách để xin cho con được vào học ngôi trường họ cho là tốt nhất.
Thôi thì có đủ hình thức như tự mình đến trường, đến nhà hiệu trưởng, sau là nhờ các mối quan hệ khác tác động. Vì thế, đã đẩy một số hiệu trưởng vào tình huống khó xử.
Có thầy cô nói thẳng “không muốn tiếp khách ở nhà, phiền và mang tiếng. Vì thế về nhà phải đóng cửa, trốn trong nhà để không phải tiếp ai cả”.
Theo quy định, lớp học ở vùng quê tôi bậc tiểu học tối đa 35 em/lớp, trung học cơ sở là 45 em/lớp nên không thể nhận thêm bất cứ học sinh nào.
Có người còn phải dẫn chứng rằng dù đó có là “cháu của trưởng phòng giáo dục hay con cháu của chủ tịch tỉnh” cũng không thể nhận.
Thế nhưng, nhiều phụ huynh vẫn không chịu hiểu. Có người ra sức năn nỉ “thêm một em nữa có sao đâu?”. Hay “có nơi một lớp đến năm sáu chục em sao họ vẫn dạy được?”.
Thế rồi, khi xin không được một số người đã đi rêu rao đủ điều nào là “chê tiền ít, chê nhà mình nghèo…”.
Hoặc nói bóng gió “không phải con ông nọ bà kia, không tiền bạc, quen biết, thần thế gì mà xin được?”.
Có người nói như rành lắm “quy định gì mà 35 em/lớp chẳng qua lấy lý do để không nhận…”.
Theo chia sẻ của một số hiệu trưởng “có lẽ khổ nhất là người quen thân, bà con chòm xóm trong nhà, không cho vào học cũng đồng nghĩa mất luôn tình thân”.
Có thầy cô hiệu trưởng đã phải nhường chỗ học của con cháu mình cho người khác điển hình như câu chuyện của thầy hiệu trưởng V.P.H.
Thầy là hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng ở thị xã, khá nhiều phụ huynh và giáo viên đều muốn con mình được học tại đây, thế nhưng cháu nội của thầy phải đi học ở một ngôi trường khác xa nhà hơn.
Ba mẹ cháu bé cũng là thầy cô giáo đi dạy xa, nếu cháu nội học trường này thầy sẽ dễ dàng đưa đón.
Thế nhưng thầy nói sĩ số lớp học luôn ở mức ổn định 35 em/lớp nên chẳng có cách gì đưa cháu vào được.
Vì cháu học trường khác nên rất bất tiện cho việc đưa đón. Cơ hội đã đến khi năm ấy có một học sinh chuyển đi.
Thầy nói chỗ trống ấy chắc chắn sẽ của cháu mình.
Nhưng thầy biết một nhân viên trong trường cũng có ý định xin cho cháu về học, thầy đã chủ động nhường với lý do “họ là nhân viên làm việc cho trường, mình là lãnh đạo phải chịu thiệt mới phải đạo”.
Đương nhiên cô nhân viên và tất cả giáo viên trong trường đều cảm phục cách xử sự của thầy hiệu trưởng.
Và quan trọng hơn khá nhiều phụ huynh đang có ý định xin cho con vào học đã hiểu ra một điều “con cháu của hiệu trưởng còn không thể vào học chứ không phải họ làm khó hay đòi nọ kia”.
Một câu chuyện khác, trường tiểu học X còn trống chỗ cho 8 học sinh nhưng có tới 9 em đăng kí vào học trong đó có con của một giáo viên trong trường.
Ai cũng nghĩ, người không được nhận vào học phải là một trong 8 em con của dân.
Sau khi suy đi tính lại, hiệu trưởng đành loại con của một giáo viên trong trường để nhận đủ 8 em học sinh nghèo, khó khăn với lý do “nếu không học được ở đây, các em phải đi học xa lắm”. Và đương nhiên việc làm này sẽ được lòng người này và mất lòng người kia.
Không phải lúc nào nhu cầu xin học của phụ huynh cũng được đáp ứng. Vì thế, người xin không được (chủ yếu do sĩ số lớp học đã đủ chuẩn) thường bức xúc và đơm đặt đủ điều. Vậy nên cũng khó tránh khỏi những suy nghĩ không tốt, những cái nhìn thiếu thiện cảm.
Có lẽ chuyện buồn mùa tuyển sinh sẽ không bao giờ chấm dứt khi phụ huynh cứ mãi chạy theo cái danh của trường mà quên mất rằng dù học ở đâu, gia đình có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường thì kết quả học tập của các em cũng sẽ tốt.