Sáng 14/5/2018, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lên tiếng về vụ xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (Bà Rịa - Vũng Tàu) phạm tội "Dâm ô trẻ em".
Bà Nga đề nghị Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kiểm tra lại bản án để xử lý theo thẩm quyền.
Vụ án dâm ô trẻ em của bị cáo Nguyễn Khắc Thủy, 78 tuổi sau hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm đã được Tóa án Tối cao rút về xem xét, đây là điều bình thường trong quá trình tố tụng.
Vấn đề là vì sao một vụ án không quá phức tạp như vậy lại khiến Tòa án Tối cao phải vào cuộc?
Do kháng cáo của bị hại, do kháng án của bị cáo hay do áp lực từ dư luận?
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (bìa phải) tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11/5. (Ảnh: nld.com.vn) |
Bài viết này chỉ phân tích khía cạnh pháp luật của vụ án chứ không nhằm biện minh cho bất kỳ hành động nào của cơ quan tố tụng, bị hại hay đối tượng bị cho là phạm tội.
Điều 15, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định:
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội…
Cần phải lưu ý: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này (Luật tố tụng hình sự) quy định”.
Vậy các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Công an, Kiểm sát, Tòa án) đã thu thập đủ chứng cứ để chứng minh Nguyễn Khắc Thủy phạm tội?
Thầy giáo dâm ô học sinh, nhà trường và phụ huynh cũng có một phần trách nhiệm |
Nếu chứng cứ phạm tội của bị cáo “là có thật” và được thu thập theo quy định của pháp luật thì tội “Dâm ô trẻ em” không thể xử án treo, giảm án.
Bị cáo cần phải nhận bản án nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Vậy vì sao phiên phúc thẩm lại xử bị cáo án treo?
Theo quy định tại Luật Tố tụng hình sự, nguồn gốc chứng cứ để buộc tội bao gồm 7 loại: “Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Các tài liệu, đồ vật khác”.
Liên quan đến vụ án, Báo Infonet.vn viết: “Hội đồng xét xử nhận định các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định pháp luật và khẳng định những lời khai của bị hại, đại diện bị hại đã phù hợp với hiện trường vụ án”. [1]
Từ thông tin mà báo chí đăng tải, có thể thấy nguồn chứng cứ vụ án Nguyễn Khắc Thủy chủ yếu là lời khai của bị hại và đại diện bị hại, chưa thấy Tòa án viện dẫn các nguồn chứng cứ khác.
Chuyên gia mách kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ |
Điều 91, Lời khai của người làm chứng, Luật Tố tụng hình sự quy định:
“Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.
Điều 92 Lời khai của bị hại, Luật Tố tụng hình sự quy định:
“Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do bị hại trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó”.
Như vậy để kết tội bị cáo Nguyễn Khắc Thủy, cơ quan điều tra cần thu thập thêm chứng cứ nếu nhận thấy lời khai của bị hại và đại diện bị hại chưa cho thấy “vì sao biết được tình tiết đó”.
Cũng Infonet.vn viết:
“Phiên tòa vắng mặt các bị hại và người giám hộ là cha mẹ các cháu, do đó không thể đối chất giữa bị hại và bị cáo; không có bị hại để làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai có trong hồ sơ vụ án tại phiên tòa”.
Việc đưa các cháu nhỏ (bị hại) đối chất tại tòa là không cần thiết vì dễ làm tổn thương các cháu nhưng việc thiếu “người giám hộ là cha mẹ các cháu” cho thấy có gì đó chưa ổn trong quá trình tố tụng.
Theo quy định của pháp luật (như đã dẫn) lời khai quy kết tội phạm chỉ là một trong những căn cứ để điều tra, xử lý hành vi phạm tội, chỉ lời khai không là chưa đủ.
Việc Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hủy kết luận của Tòa án thành phố Vũng Tàu và xử bị cáo Nguyễn Khắc Thủy 18 tháng tù cho hưởng án treo nói lên điều gì?
Thứ nhất, nếu chứng cứ buộc tội là đầy đủ mà xử án treo thì cần xem lại có biểu hiện “chạy án” hay không?
Thứ hai, có thể cơ quan điều tra chưa thu thập được đầy đủ chứng cứ, nói cách khác là chứng cứ buộc tội yếu nên Tòa phúc thẩm chọn phương án an toàn là “án treo” nhằm đề phòng trường hợp đền bù oan sai nếu sau này xuất hiện các tình tiết mới chứng minh bị cáo vô tội.
Thứ ba, chứng cứ yếu nhưng vẫn phải kết án tù cho hưởng án treo vì áp lực từ cơ quan cấp trên và dư luận xã hội!
Hành động “dâm ô trẻ em” bị dư luận xã hội lên án là đương nhiên, bị các cơ quan yêu cầu điều tra làm rõ là không phải bàn luận.
Tuy nhiên một khi pháp luật quy định các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm chứng minh bị cáo là có tội thì mọi sự lên án, chỉ trích bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải dựa vào pháp luật chứ không thể dựa vào cảm tính hay áp lực truyền thông.
Đến đây thì trách nhiệm thuộc về cơ quan điều tra chứ không phải tòa án, theo nguyên tắc “suy đoán vô tội”, tòa không thể kết tội nếu cơ quan điều tra và cơ quan giữ quyền công tố không trình được ra tòa đầy đủ chứng cứ buộc tội bị cáo Thủy.
Việc không hoặc chưa tìm đủ chứng cứ buộc tội khiến bị cáo được tuyên vô tội không phải là chưa từng xảy ra tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Nguyên nhân có thể do cơ quan điều ra không đủ lực lượng, phương tiện dựng lại hiện trường, cũng có thể do nghiệp vụ bị hạn chế.
Đến đây thiết nghĩ cũng cần nhắc đến khoản 2, điều 87 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015:
“Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.
Bất luận trường hợp nào cũng không được phép kết tội nếu chỉ dựa vào các chứng cứ không được pháp luật thừa nhận.
Trường hợp cơ quan điều tra không thu thập được đầy đủ chứng cứ kết luận bị cáo có tội thì phải tuyên bố vô tội chứ không thể kết tội “nửa chừng” dựa vào lý do có tình tiết giảm nhẹ (Nguyễn Khắc Thuỷ nguyên là Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Trong trường hợp này cơ quan điều tra nên dũng cảm thừa nhận không thể thu thập được đầy đủ chứng cứ kết tội và Hội đồng xét xử phúc thẩm tỉnh cần tuyên bố không có cơ sở kết luận bị cáo phạm tội chứ không nên tuyên một bản án khiến dư luận xã hội bức xúc.
Về chuyện “dư luận xã hội bức xúc”, Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo, khi xem xét, quyết định cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo, ghi rõ:
“Cần lưu ý không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án”. [2]
Tuy nhiên cần phải nói ngay đây là đối với “tội phạm” nghĩa là người đã bị kết án là có tội.
Dư luận xã hội có thể lên án, tòa án lương tâm có thể kết án song bỏ tù một công dân chỉ có thể là tòa án được mở theo quy định pháp luật.
Bằng cách điều tra lại, xem xét toàn diện các chứng cứ đã có, thu thập thêm chứng cứ mới, Tòa án Tối cao cần phải khẳng định bị cáo Thủy có tội hay vô tội, nếu có tội thì phải xử theo khung hình phạt đã quy định, không đưa tình tiết giảm nhẹ như Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên.
Để tránh bỏ lọt tội phạm, đặc biệt là tội “dâm ô trẻ em”, thiết nghĩ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các cơ quan điều tra cấp trên cũng cần phải vào cuộc để làm rõ vụ án này chứ không dựa vào kết quả của cơ quan điều ta tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Không bao che kẻ có tội song cũng không được xử oan người vô tội.
Nếu không đủ chứng cứ buộc tội, tòa cần tuyên vô tội và chấm dứt mọi “suy đoán có tội”, điều mà một số cá nhân thuộc các cơ quan, tổ chức và truyền thông đang kêu gọi.
Nếu các chứng cứ là không thể chối cãi, bị cáo Thủy phải bị xử ở khung hình phạt thích đáng bởi ông ta từng giữ vị trí lãnh đạo.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://infonet.vn/luat-su-cua-nguyen-khac-thuy-se-co-nhieu-loi-khai-moi-chung-minh-ong-thuy-vo-toi-post261802.info
[2] http://kiemsat.vn/nhung-truong-hop-khong-duoc-huong-an-treo-49835.html