The Straits Times ngày 17/5 đưa tin, Tổng thống Philippines Rodigo Duterte đã có bài phát biểu kéo dài 1 giờ của mình hôm thứ Ba (15/5) để biện minh cho quyết định gác Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 và tình hình quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc hiện nay.
Lại một lần nữa, người dân Philippines và dư luận quốc tế đã bày tỏ sự quan ngại, thậm chí bất bình, khi được nghe những lời phát biểu rất “không giống ai” của vị Tổng thống đương nhiệm.
Câu hỏi được đặt ra là, có phải ông Rodrigo Duterte đã bán rẻ các quyền và lợi ích hợp pháp của Philippines trong Biển Đông cho Trung Quốc, hay vẫn chỉ thể hiện sự “nhu mỳ, khiêm nhường” Bắc Kinh để “sinh tồn” trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay?
Chúng tôi đã từng có một số bình luận về vấn đề này trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nạm.
Lần này chúng tôi cũng xin có vài lời, nhân tiếp cận được thông tin qua nội dung mà ông Rodrigo Duterte vừa mới phát biểu.
Tổng thống Rodrigo Duterte có đầu hàng, bán rẻ các quyền và lợi ích của đất nước mình cho Trung Quốc không?
Câu trả lời của chúng tôi là “không”, chí ít là cho đến thời điểm hiện nay. Tại sao?
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: AP. |
Thứ nhất, theo chúng tôi, để đánh giá lập trường chính thức của một Nhà nước về những nội dung liên quan đến vấn đề đại sự quốc gia, như: chủ quyền quốc gia, vấn đề biên giới, lãnh thổ quốc gia, chiến tranh, hòa bình…, người ta không dựa vào những ý kiến cá nhân, cho dù đó là những thượng cấp, trừ phi họ được Cơ quan Nhà nước cao nhất chính thức ủy quyền theo Hiến định.
Những phát biểu của ông Duterte trong một số diễn đàn cụ thể cũng chỉ là ý kiến cá nhân, có tính chất nội bộ, không phải đại diện cho lập trường chính thống của Nhà nước Philippines.
Thứ 2, chỉ cần căn cứ vào nội dung phát biểu lần này, nếu đọc kỹ, chúng tôi vẫn thấy rằng những ý kiến của ông Duterte, dù được diễn đạt bằng những lời lẽ, ngôn từ có vẻ rất “chối tai”, nhưng đã ngầm phát đi thông điệp rằng:
Philippines không từ bỏ chủ quyền và các quyền tài của mình ở Biển Đông, mặc dù thừa nhận Biển Đông đang bị "gặm dần" bởi tuyên bố bành trướng của Trung Quốc.
Ông Duterte nói rằng: "Tôi không có gì chống Trung Quốc, nhưng (tại sao) Trung Quốc tuyên bố (chủ quyền) gần như toàn bộ Biển Đông(?)".
Trung Quốc đã tuyên bố "toàn quyền sở hữu, độc chiếm Biển Đông" và, vì vậy, Tổng thống Rodrigo Duterte đã tiết lộ ông có nói với Chủ tịch Tập Cận Bình trong một cuộc họp song phương rằng, ông sẽ đưa Phán quyết Trọng tài ra trong nhiệm kỳ của mình, nhưng không phải lúc này.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Chúng tôi cho rằng đây mới chính là lập trường của Chính phủ Philippines, nếu chúng ta nhớ lại hồi tháng Hai vừa rồi, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã khẳng định, trong dịp tổ chức cuộc họp song phương Trung Quốc –Philippines về Biển Đông, rằng:
Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ không lay chuyển trong việc bảo vệ các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của mình, trong khi tiếp tục các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông.
"Chúng tôi đang không ở trong một trận đấu với Trung Quốc, hoặc tranh luận công khai, nhưng điều đó không có nghĩa là các vấn đề không được giải quyết dứt khoát.
Ngược lại, chúng tôi không chỉ nỗ lực đâu, mà còn làm mọi việc có thể". Ngoại trưởng Philippines nói.
Thêm nữa, cũng trong thời gian này, Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines được truyền thông dẫn lời cho hay, Chính phủ Philippines đã bác bỏ các tên gọi Trung Quốc đặt cho các cấu trúc địa lý dưới đáy biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không tranh cãi của Philippines ở bờ biển phía Đông nước này.
Ông Harry Roque nói rằng, Manila đã bày tỏ mối quan ngại với Bắc Kinh về việc Trung Quốc đặt tên cho các cấu trúc địa lý dưới đáy biển ở rãnh Benham qua thông báo chính thức cho cơ quan thủy văn quốc tế…
Philippines kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình theo quy định của UNCLOS1982, đặc biệt là các thực thể địa lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, như bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đang chiếm đóng và thực thi chủ quyền dưới danh nghĩa là bộ phận “lãnh thổ” của Trung Quốc…
Như vậy, có thể thấy lập trường nguyên tắc của Philippines trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong Biển Đông vẫn không thay đổi.
Đó là “dĩ bất biến”.
“Nhu mỳ, khiêm nhường” là “ứng vạn biến”?
“Tránh voi chẳng xấu mặt nào” |
Chúng tôi cảm thấy “thú vị” với câu nói được cho là “phi chính trị” này của ông Duterte: "Bạn càng nhu mỳ và khiêm nhường với ông Tập Cận Bình, bạn sẽ càng nhận được nhiều lợi ích".
Phải chăng ý kiến này chứng tỏ sự “hèn yếu, bạc nhược, quá ư thực dụng, thậm chí đầu hàng Trung Quốc" của ông Rodrigo Duterte?
Chúng tôi không nghĩ như vậy. Bởi vì, suy cho cùng, đây chính là quy luật sinh tồn của muôn loài, của kẻ yếu trước kẻ mạnh.
Vì vậy, Tổng thống Philippines nhấn mạnh rằng, chống đối Trung Quốc không lợi lộc gì cho Philippines, vì Manila không phải đối thủ của siêu cường châu Á:
"Các bạn muốn chúng ta tiến hành chiến tranh? Bởi vì tôi có thể. Tôi có thể tuyên chiến với Trung Quốc ngay tối nay. Nhưng ai sẽ ra trận?
Binh lính và cảnh sát của tôi? Họ sẽ chết. Tại sao tôi lại tiến hành chiến tranh khi tôi không thể chiến thắng? Điều đó chỉ biến tôi trở thành kẻ ngốc."
Như vậy, có thể nói rằng có lẽ đây mới đích thực là một “mưu lược gia”, một người luôn biết mình, biết ta, tiến, lùi đúng lúc…
Tất nhiên, như chúng tôi đã đề cập ở trên, tất cả những phương cách ứng xử đó chỉ mang tính sách lược, là “ứng vạn biến”.
Có điều đây là những phân tích hiện tượng, chúng ta cần tiếp tục theo dõi. Tình hình thực tế sẽ còn diễn biến phức tạp.
Cuối cùng, đánh giá của người dân của chính đất nước họ mới là câu trả lời chính xác nhất. Thắng lợi của vị tân Thủ tướng 92 tuổi trong cuộc bầu cử ở Malaysia vừa qua đã phần nào nói lên sức mạnh đó của người dân.
Về tâm lý, tôi tin có nhiều người đang rất ngưỡng mộ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un về bản lĩnh, khí phách và trí tuệ đang đặt ông ngang hàng với Donald Trump và Tập Cận Bình.
Và tất nhiên, sẽ có những quan điểm, mong muốn cách phản ứng với 2 siêu cường một cách ngang tàng, bất chấp - như những gì họ thấy từ ông Kim Jong-un, bởi thói hành xử cá lớn nuốt cá bé, bành trướng, áp đặt của các siêu cường bao giờ cũng gây ra ức chế tâm lý với người dân các nước nhỏ.
Ông Kim Jong-un tuổi trẻ tài cao, quyền biến xuất thần, Triều Tiên đầy hy vọng |
Chúng tôi cũng đặc biệt ngưỡng mộ nhà lãnh đạo này ở bản lĩnh, khí phách, trí tuệ, tầm nhìn và hành động quyết đoán, hiệu quả của ông ấy trong cuộc chơi với những siêu cường hàng đầu.
Nhưng Kim Jong-un “bị lịch sử” đặt vào cái thế phải như vậy chứ không phải bản thân ông lựa chọn.
Có điều Kim Jong-un đã và đang tìm cách giải bài toán mà lịch sử đã trao vào tay mình một cách chủ động, quyết đoán, thông minh để tìm lối thoát cho dân tộc, quốc gia mình trước vòng vây cấm vận của Mỹ và phương Tây, kể cả ý đồ muốn kiểm soát của đồng minh, bảo trợ.
Chúng tôi tin rằng, không ai muốn người dân nước mình phải trả giá, phải hy sinh cuộc sống, tương lai để đổi lại chút “máu anh hùng” ngang vai nước lớn.
Nói cách khác, dân chúng Philippines có lẽ sẽ không muốn biến quốc gia của mình thành một Triều Tiên thứ 2 để “đội trời đạp đất”, cho dù chính
Tổng thống Rodrigo Dutere cũng phải ngả mũ thán phục ông Kim Jong-un, nhưng không thể học theo ông ấy.
Hoàn cảnh mỗi người, hoàn cảnh mỗi nước khác nhau rất xa.
Nhìn người mà ngẫm đến ta
Chúng tôi biết rằng khi bày tỏ quan điểm nói trên, chúng tôi có thể bị “ném đá”.
Bởi vì qua theo dõi, chúng tôi biết rằng có một số người trong số chúng ta, chủ yếu là một số người tự xưng là học giả, giáo sư, tiến sỹ, nhà báo độc lập….đã từng có những phát biểu công khai phê phán gay gắt đối với một số phản ứng mà họ cho là “quá mềm yếu, hèn nhát, sợ Trung Quốc…” của Việt Nam, trước các hành động bất chấp luật pháp và đạo lý của Trung Quốc thời gian qua.
Loại trừ những phần tử chống đối, chúng tôi nghĩ rằng những phát biểu trên có lẽ cũng chỉ phản ánh sự bất bình, bức xúc trước những hành động do Trung Quốc tiến hành mà thôi;
Bởi những hành động ấy đã vi phạm thô bạo các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong Biển Đông.
Phản ứng đó cũng đến từ thực tế trước tình hình diễn biến mới liên quan đến Biển Đông vẫn còn có một số phản ứng chưa thật sự kịp thời, mạnh mẽ, thậm chí thiếu chính xác của một số tổ chức, cá nhân liên quan phía Việt Nam.
Chúng tôi đã có khá nhiều bài báo phân tích, chỉ ra những thiếu sót đó.
Máu của dân tộc nào cũng đỏ và nước mắt nào cũng mặn như nhau |
Tuy nhiên, thiết nghĩ khi tiếp cận vấn đề phức tạp và nhạy cảm này, chúng tôi cho rằng phải nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, khoa học, phải đặt vào bối cảnh cụ thể để xem xét, đánh giá sự việc.
Những ứng xử của ông Rodrigo Duterte trong quan hệ với Trung Quốc nói trên, theo chúng tôi, không phải là điều mới mẻ.
Ông cha chúng ta cũng đã để lại rất nhiều bài học vô giá về cách ứng xử trong quan hệ đối với các nước lớn, nước mạnh, với bọn bành trướng, đế quốc, thực dân xâm lược;
Dân tộc ta đã từng biết cách “lấy yếu thắng mạnh”, “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”; đã từng biết lùi một bước để tiến hai bước; đã biết cách vượt qua những thời điểm hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc” để từng bước giành thắng lợi cuối cùng.
Chúng tôi không thể nào quên được tình hình đất nước Việt Nam năm 1946, trước hiểm họa thù trong giặc ngoài, một số người chân thành muốn chống Pháp đến cùng, một số người còn muốn dùng Tưởng để ngăn Pháp mà không ý thức được sự nguy hiểm đặc biệt của quân Trung Hoa Dân quốc – những kẻ sẵn sàng ở lại Việt Nam vĩnh viễn.
Còn bọn Việt Quốc và Việt Cách thì ra sức phản đối đường lối của ban lãnh đạo Việt Minh, vu cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Pháp.
Trước tình hình đó Đảng và Chính phủ đã tổ chức mít tinh giải thích cho đông đảo đồng bào về việc ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946.
Vào ngày 7/3/1946, chưa đầy một ngày sau khi ký Hiệp định sơ bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với đồng bào trong một cuộc mít-tinh: “... chọn thương lượng thay vì đánh nhau chính là bằng chứng hiểu biết về chính trị”.
Độc lập trên hết, Tổ quốc trên hết - đó chính là điều bất biến đi cùng với ứng vạn biến, để bảo vệ Chính quyền cách mạng non trẻ của nhân dân trong bối cảnh tình hình gian nan, phức tạp, nguy hiểm những năm 1945 - 1946…
Bài học rút ra từ Hiệp định này không chỉ là sự nhân nhượng có nguyên tắc mà còn là nghệ thuật lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, cũng như nghệ thuật đón lõng và tận dụng đúng thời cơ.
Các bài học từ Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 vẫn có giá trị cho tới tận ngày nay, khi Tổ quốc đối diện với nhiều thách thức mới trong việc vừa bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông, vừa các nghĩa vụ góp phần bảo vệ hòa bình khu vực và quốc tế./.