Ngày 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo chương trình của 20 môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới cho biết, dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục sẽ được công bố rộng rãi trong hai tháng, kể từ 19/1.
Sau khi tiếp thu và hoàn chỉnh chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành thẩm định và dự kiến ban hành chương trình vào tháng Tư 2018. [1]
Đến nay đã là 22/5, chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chính thức chương trình các môn học và các hoạt động giáo dục.
Không biết các tổ chức, cá nhân muốn viết sách giáo khoa làm sao để đảm bảo tiến độ năm học 2019-2020 sẽ có sách giáo khoa mới cho học sinh?
Tổng chủ biên, chủ biên chương trình môn học ký hợp đồng viết sách giáo khoa với doanh nghiệp tư nhân
Ngày 7/5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) về thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa phổ thông.
Đây là doanh nghiệp tư nhân không phải thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nhưng hầu hết thành viên là cựu cán bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã nghỉ hưu.
Ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam giới thiệu với đoàn giám sát về các tác giả đã tham gia viết sách giáo khoa cho VEPIC tính đến tháng 5/2018, bao gồm Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn. Ảnh: GDVN. |
Ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, tháng Năm này Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành chương trình môn học, tháng Giêng 2019 đã phải có sách giáo khoa để Bộ phê duyệt, sử dụng cho năm học mới, nếu đợi chương trình mới bắt tay làm sách, thì không ai làm được.
Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam đã bắt tay vào biên soạn sách giáo khoa và đã làm xong sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6.
Đặc biệt, có 80% tác giả ký hợp đồng viết sách giáo khoa cho Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam đang tham gia ban phát triển chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình tổng thể làm tổng chủ biên kiêm chủ biên môn tiếng Việt, Ngữ văn cho VEPIC;
Tổng chủ biên môn Toán của VEPIC là Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán của Bộ;
Ông Ngô Trần Ái cho hay, các tác giả này đã ký hợp đồng viết sách giáo khoa với VEPIC trước, sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo mới mời họ về ban phát triển chương trình.
Phó giáo sư Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên (tích hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học) cũng có tên trong danh sách tác giả viết sách giáo khoa cho VEPIC, tổng cộng khoảng 180 người.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã được ông Ngô Trần Ái mời tham gia viết sách giáo khoa cho công ty tư nhân này, trước khi ông Thuyết làm Tổng chủ biên. Ông Ngô Trần Ái lưu ý:
"Trong sổ tay Ngân hàng thế giới mà mình vay họ 80 triệu USD (vay 77 triệu USD và 3 triệu USD vốn đối ứng) có một điều khoản là, người viết chương trình ưu tiên viết sách giáo khoa, bởi vì ông ấy hiểu được các ngóc ngách."
Viết sách không cần chương trình chính thức của Bộ
Ông Ngô Trần Ái cho biết, chưa có chương trình môn học thì nhóm tác giả đồng thời cũng là thành viên ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn viết được sách giáo khoa.
Sách này ông Ngô Trần Ái đã trình lãnh đạo Bộ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam Ngô Trần Ái giới thiệu bản thảo cuốn sách Tiếng Việt 1 mà Công ty đang biên soạn. Cuốn sách này trên bìa ghi (Tổng chủ biên kiêm chủ biên Nguyễn Minh Thuyết). Ảnh: daibieunhandan.vn. |
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VEPIC cho biết:
"Chương trình ở đâu? Thôi các thầy cứ thảo luận những cái tích hợp, phát triển năng lực, tất cả những cái đó thảo luận đi, mời chuyên gia nước ngoài tới.
Rồi bây giờ lấy sách cũ, Tiếng Việt cũ á, ta soạn lại theo tinh thần mới, ta thẩm định.
Sau đó ta giả định 1 chương trình đi. Giả định là sao? Như tôi nói hồi nãy, những môn nó cũng như thế à, Tiếng Việt cũng bảng chữ cái, cũng ghép vần thế thôi, bây giờ mới thế nào?
Toán nó cũng chỉ như thế thôi. Hình học, đại số, dạy lớp 6 nó cũng cỡ ấy.
Tôi thấy chương trình thế giới nó cũng thế, chỉ khác phương pháp, cách xếp đặt nó khác, có nước tiểu học 6 năm mình 5 năm, thí dụ vậy.
Mong quý thầy làm chương trình, sách giáo khoa mới trung thực, trách nhiệm |
Thì đó mình cứ làm thôi. Chưa có chương trình (thì) thử giả định một chương trình, lớp 1 cả thế giới đều học từ số 0, số 1, đo chiều dài bằng cm, dm, xem đồng hồ...
Lấy chương trình cũ ra làm theo cách mới, phương pháp mới.
Cứ viết, có chương trình chi tiết trên mạng rồi sửa.
Chứ giờ cứ ngồi chờ chương trình chi tiết đến khi công bố mới viết thì mất thời gian.
Chắc các chi tiết đưa lên mạng không khác biệt gì nhiều, bỏ bớt cái này thêm cái kia, nhưng mà cái khung nó như thế thôi, chứ không phải chúng tôi cầm đèn chạy trước ô tô."
Ai đang vừa đá bóng, vừa thổi còi?
Chúng tôi tìm đọc Sổ tay Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) vay vốn Ngân hàng Thế giới thì được biết, các tác giả tham gia viết chương trình (tổng thể, môn học) được khuyến khích tham gia viết sách giáo khoa;
Tuy nhiên đấy là 1 bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì dùng vốn vay Ngân hàng Thế giới, chứ không phải 3 bộ sách còn lại của các tổ chức, cá nhân.
Hơn nữa, ông Ngô Trần Ái cho biết:
"Tôi được nghe nói không chính thức, nhưng có văn bản rồi, Bộ trưởng xin Ngân hàng Thế giới chỉ định thầu, tức là chọn ấy, nhưng Ngân hàng Thế giới họ nói thẳng là, luật phải đấu thầu."
Đoàn khảo sát tham khảo bộ sách giáo khoa mới mà Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam biên soạn, in ấn. Nguồn: quochoi.vn. |
Vậy nay các thầy Tổng chủ biên, chủ biên các môn học đã ký hợp đồng biên soạn sách giáo khoa với doanh nghiệp tư nhân của ông Ngô Trần Ái, liệu nhóm tác giả này có được "ưu ái" khi đấu thầu bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Điều này có đảm bảo được tính cạnh tranh công bằng, minh bạch theo tinh thần 1 chương trình nhiều sách giáo khoa Nghị quyết 88 của Quốc hội đã nêu? Các nhóm khác có cạnh tranh lại được với nhóm tác giả này không?
Nhất là các thành viên ban phát triển chương trình đã viết xong sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6, trong khi theo nguyên tắc, các nhóm còn lại phải chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chính thức chương trình môn học mà đến bây giờ vẫn chưa có.
Trong khi đó hôm 19/1 khi trả lời truyền thông về tiến độ biên soạn sách giáo khoa, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết:
"Tôi chưa thể trả lời câu hỏi về tiến độ làm bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục. Hiện chương trình chưa được ban hành thì chưa thể khởi động biên soạn". [2]
Còn nhớ ngày 10/11/2014 Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có bài viết "Bốn câu hỏi về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa" đăng trên Báo VnExpress. Trong đó Giáo sư nhận định:
Kiến nghị Quốc hội giám sát việc phát hành, phân phối sách giáo khoa |
"Bộ Giáo dục và Đào tạo làm sách giáo khoa, đồng thời nắm quyền chỉ đạo hội đồng thẩm định, thực hiện chương trình, quyền ra đề và tổ chức thi tốt nghiệp thì theo lẽ thường chắc chắn các trường sẽ “chấm” bộ sách giáo khoa đó.
Như vậy, cạnh tranh sẽ không công bằng và đáng ngại hơn cả sự không công bằng là những bộ sách giáo khoa hoặc quyển sách giáo khoa đưa vào trường chưa chắc đã là tốt nhất."
"Cơ quan chuyên môn của Bộ đã bận tổ chức thi cử, làm dự án, nay kiêm cả việc biên soạn sách giáo khoa nữa thì còn thời giờ đâu thực hiện chức năng quản lý nhà nước?
Hãy tưởng tượng sự phi lý của việc Bộ Công Thương đứng ra sản xuất máy cày, Bộ Y tế trực tiếp khám, chữa bệnh ngoài da, sẽ thấy phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp sản xuất sách giáo khoa vô lý như thế nào." [3]
Nay Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đang giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo làm cái việc cách đây mấy năm Giáo sư khẳng định là "vô lý", đồng thời lại viết sách giáo khoa cho công ty tư nhân để đấu thầu bộ sách của Bộ, như vậy liệu có hợp lý chăng?
Hơn thế nữa, quý thầy tham gia làm chương trình lại còn viết sách giáo khoa trước khi có chương trình môn học, ít nhất đã xong 3 lớp (1, 2, 6) liệu có phạm "luật chơi"?
Liệu bài học của chương trình năm 2000 có lặp lại, khi chính Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã chứng kiến việc viết chương trình chỉ để "giải ngân"? [4]
Nguồn:
[1]https://tuoitre.vn/du-kien-thang-4-2018-ban-hanh-chuong-trinh-mon-hoc-moi-20180119142300073.htm
[2]http://tamnhin.net.vn/giao-su-nguyen-minh-thuyet-toi-khong-the-tra-loi-ve-tien-do-lam-sach-giao-khoa-9258.html
[3]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bon-cau-hoi-ve-de-an-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-3104517.html
[4]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Mong-Quoc-hoi-giam-sat-lam-ro-kinh-phi-cho-chuong-trinh-sach-giao-khoa-post180889.gd